Doanh nghiệp Thứ tư, 19/08/2020, 14:51 GMT+7
Phục hồi xanh hay 'cơn ác mộng' cho thương mại? Châu Âu muốn đánh thuế khí thải từ tàu biển

Kế hoạch huy động hàng tỷ USD mỗi năm cho các khoản cứu trợ virus corona bằng cách thu phí các tàu do gây ô nhiễm của châu Âu có thể gia tăng căng thẳng thương mại trong thời điểm tồi tệ nhất đối với kinh tế toàn cầu và cản trở nỗ lực giải quyết khủng hoảng khí hậu.

ag19 emission

Ủy ban châu Âu đang đề xuất mở rộng Hệ thống giao dịch khí thải (ETS) sang vận chuyển như một trong một loạt các biện pháp giúp chi trả cho việc xây dựng lại nền kinh tế EU và thúc đẩy phục hồi xanh sau cuộc khủng hoảng.

Liên minh châu Âu có kế hoạch dành 30% trong quỹ phục hồi virus corona trị giá 750 tỷ euro (889 tỷ USD) và ngân sách bảy năm tới của EU cho các dự án liên quan đến khí hậu trong nỗ lực trở thành lục địa trung hòa carbon đầu tiên.

Tuy nhiên, đề xuất thuế vận tải biển đã vấp phải phản đối gay gắt. Ngành vận tải biển cho rằng đề xuất sẽ làm suy yếu nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu ở cấp độ toàn cầu và có khả năng gây phản ứng dữ dội từ các quốc gia ngoài EU, làm dấy lên bóng ma tranh chấp thương mại mới.

ETS đã hạn chế phát thải khí nhà kính từ hơn 11,000 nhà máy điện và sản xuất, cũng như tất cả các chuyến bay nội bộ EU, áp dụng cho khoảng 500 hãng hàng không. Tính chung, những hoạt động này tạo ra gần một nửa lượng khí thải nhà kính của EU. Các công ty nhận hoặc mua giấy phép phát thải hoặc "các khoản phụ trợ", sau đó có thể được mua bán lại. Con số này giảm dần theo thời gian để lượng khí thải cũng giảm theo.

Phòng Vận tải biển Mỹ cho biết họ đang kêu gọi tất cả các chính phủ ngoài EU phản đối việc mở rộng ETS sang hoạt động vận tải biển và "công nhận sự ưu việt" của Tổ chức Hàng hải Quốc tế, một cơ quan Liên hợp quốc, trong việc giải quyết khí thải từ tàu bè.

Theo số liệu của Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc, tàu bè vận chuyển 80% lượng hàng hóa thương mại thế giới. Bất kỳ khoản tăng nào trong chi phí từ phí ô nhiễm đều có thể được các nhà điều hành chuyển sang doanh nghiệp và người tiêu dùng dưới hình thức giá cao hơn.

Những người chỉ trích đề xuất nói rằng các quốc gia bên ngoài Liên minh châu Âu có thể xem đây là cách để huy động tiền hơn. Ủy ban châu Âu ước tính mở rộng ETS sang lĩnh vực hàng hải và yêu cầu các hãng hàng không trả thêm tiền cho ô nhiễm có thể mang lại 10 tỷ euro (11.8 tỷ USD) mỗi năm.

 “Đây là sự thừa nhận rằng điều này không phải là về khí hậu, mà là vấn đề gây quỹ,” theo Lars Robert Pedersen, phó tổng thư ký của hiệp hội vận tải biển quốc tế BIMCO, có trụ sở chính tại Copenhagen.

Theo ông Pedersen, đề xuất này nhằm yêu cầu các công ty vận tải biển của Mỹ và Trung Quốc hỗ trợ tài chính cho kế hoạch phục hồi của châu Âu. Ông cho biết đề xuất có khả năng sẽ vấp phải phản đối kịch liệt, giống như khi Liên minh châu Âu cố gắng đưa hàng không quốc tế vào ETS vào năm 2012.

Các quan chức EU cuối cùng đã lùi bước, sau khi Hoa Kỳ đe dọa cấm các hãng vận tải của họ tuân thủ chỉ thị và Trung Quốc đe dọa rút các đơn đặt hàng máy bay với Airbus. Do đó, ETS chỉ áp dụng lên các chuyến bay giữa các nước EU, cũng như Iceland, Liechtenstein và Na Uy.

Đặt giá lên carbon

Theo báo cáo thị trường carbon của Ủy ban Châu Âu, các quốc gia thành viên EU đã thu được 14 tỷ euro (16.6 tỷ USD) từ việc đấu giá các khoản phụ trợ ETS trong năm 2018 - gấp đôi doanh thu thu được của năm trước do giá giấy phép cao hơn. Báo cáo cho biết gần 70% số tiền đó được chi cho "các mục đích liên quan đến khí hậu và năng lượng". Lượng khí thải từ các nhà máy và nhà máy điện đã giảm 1/3 kể từ khi ETS được triển khai năm 2005, phần lớn do than đá được thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo.

Ủy ban giải thích lý do họ muốn mở rộng ETS sang lĩnh vực hàng hải và giảm các khoản phụ trợ được cấp miễn phí cho các hãng hàng không. “Giao thông vận tải chiếm một phần tư lượng phát thải khí nhà kính của EU và để đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu của chúng tôi, cần giảm 90% lượng khí thải giao thông đến năm 2050,” một phát ngôn viên của Ủy ban cho biết.

"Điều này sẽ được phối hợp với hành động ở cấp độ toàn cầu, đặc biệt là ở Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế và Tổ chức Hàng hải Quốc tế."

Vận tải & Môi trường, một nhóm vận động hành lang khí hậu châu Âu, ủng hộ động thái này. "Ô nhiễm carbon của ngành vận tải biển đã tăng ở mức báo động và có thể tăng thêm 50% đến năm 2050 nếu không thực sự hành động", theo giám đốc chương trình vận chuyển Faïg Abbasov. Ông lưu ý hãng tàu container MSC thải ra nhiều carbon hơn so với hãng hàng không lớn nhất châu Âu, Ryanair, vào năm ngoái.

Ông Klaus Röhrig thuộc Mạng lưới Hành động Khí hậu Châu Âu cho biết thêm: “Việc mở rộng hoạt động buôn bán khí thải sang lĩnh vực vận tải biển và tăng giá carbon cho hàng không quốc tế đã quá trễ tràn”.

Nhưng mở rộng ETS hoàn toàn không phải là sự đã rồi. Dù tháng trước ủy ban môi trường của Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu để đưa lượng khí thải carbon quốc tế từ tàu bè vào ETS, hình thức cuối cùng của luật sẽ cần được Nghị viện và các nhà lãnh đạo EU thông qua, vốn được dự kiến sẽ không xảy ra trước năm sau.

Trở ngại giao thương phía trước?

Các bên trong ngành vận tải biển lo ngại đề xuất này, nếu được thông qua, có nguy cơ làm xói mòn tiến độ giảm khí thải vận chuyển thông qua Tổ chức Hàng hải Quốc tế và khiến các biện pháp giải quyết ô nhiễm mang tính khu vực và quốc gia phổ biến hơn.

Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã bắt đầu áp dụng các biện pháp bắt buộc để giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hàng năm từ vận tải biển quốc tế đến năm 2050, so với mức năm 2008. Ngoài ra, đầu năm nay, IMO đã đưa ra các giới hạn mới về hàm lượng lưu huỳnh trong dầu nhiên liệu, "IMO 2020", sẽ giảm tổng lượng khí thải sulfur oxide từ tàu bè xuống 77%.

Nếu các quốc gia bắt đầu thiết lập các luật riêng về phát thải vận chuyển, điều này sẽ "tạo ra một đống quy định chắp vá trên toàn cầu, tạo ra rào cản đối với hoạt động của tàu bè trên các hành trình quốc tế cũng như thương mại quốc tế", theo Edmund Hughes, cựu giám đốc hiệu quả năng lượng tại IMO.

Theo ông Pedersen của BIMCO, điều này cũng để ngõ cho các quốc gia và khu vực khác đánh thuế tàu bè vào cảng của họ với danh nghĩa biến đổi khí hậu, tạo ra một kịch bản "ác mộng" cho thương mại toàn cầu.

Còn một rủi ro hơn nữa. Điều này có thể gia tăng căng thẳng chính trị với các nước ngoài EU, có khả năng dẫn đến tranh chấp thương mại, theo Hughes, người chuẩn bị báo cáo với tư cách độc lập cho Phòng Vận chuyển Quốc tế và Hiệp hội Chủ tàu Cộng đồng Châu Âu,

Hoa Kỳ và châu Âu vốn đang vướng vào một cuộc tranh chấp thương mại tốn kém về các tài trợ cho Airbus và Boeing với việc Washington áp thuế đối với hàng tỷ dollar hàng hóa của EU. Trong một tranh chấp khác, Brussels đã đáp trả việc Mỹ áp thuế lên thép và nhôm bằng các khoản thuế trả đũa đối với các sản phẩm của Mỹ.

Trong khi đó, các công ty vận tải biển cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo. Gã khổng lồ vận tải biển của Đức, Hapag-Lloyd cho rằng đề xuất của EU chỉ nhắm vào "một phần nhỏ" lượng khí thải toàn cầu và sẽ làm chuyển hướng những nguồn ngân quỹ dành cải thiện hiệu quả năng lượng của tàu. "Chúng tôi chỉ hỗ trợ theo đuổi các giải pháp toàn cầu," Hapag-Lloyd nói thêm.

Công ty Pháp CMA CGM cũng lặp lại quan điểm này khi cho biết trong một tuyên bố rằng cách tiếp cận toàn cầu được Tổ chức Hàng hải Quốc tế thúc đẩy sẽ "đảm bảo đối xử bình đẳng đối với tất cả các hãng tàu trên thế giới."

“Một kế hoạch không mang lại lợi ích cho hành động khí hậu trong ngành sẽ gây  trở ngại cho mục tiêu đã nêu trong ETS của EU,” theo Simon Bergulf, người đứng đầu bộ phận quản lý của Maersk.

Người phát ngôn của Tổ chức Hàng hải Quốc tế cho biết họ kêu gọi các quốc gia thành viên đưa các đề xuất về cắt giảm khí thải đến cơ quan này để "thảo luận, phát triển và có thể áp dụng trên cơ sở toàn cầu."

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1