Tài chính Thứ sáu, 12/03/2021, 14:37 GMT+7
ECB sẽ mua trái phiếu với tốc độ nhanh hơn để duy trì đà phục hồi

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có kế hoạch tăng tốc mua trái phiếu trong những tháng tới để thúc đẩy sự phục hồi mờ nhạt của khu vực sau đại dịch virus corona và chống chi phí đi vay gia tăng đột biến.

m12 ecb1

Trong một tuyên bố hôm thứ Năm, 12/3, Ngân hàng trung ương cho biết trong ba tháng tới, họ dự kiến việc mua tài sản theo chương trình kích thích đại dịch 1.85 nghìn tỷ euro (2.2 nghìn tỷ USD) "sẽ được tiến hành với tốc độ cao hơn đáng kể so với những tháng đầu năm nay."

Quy mô của chương trình cũng có thể được "hiệu chỉnh lại nếu cần thiết" để duy trì các điều kiện tài chính thuận lợi giúp "chống lại cú shock tiêu cực từ đại dịch đối với lộ trình lạm phát," ngân hàng cho biết thêm.

Động thái này ngay lập tức khiến lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức thấp hơn, dù sau đó đã lấy lại được vị thế. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ý cũng giảm trước khi phục hồi nhẹ.

"Thời gian sẽ trả lời liệu 'tốc độ cao mua hơn đáng kể' của ECB có đủ hay không, trước phản ứng mờ nhạt của thị trường hiện nay," theo chiến lược gia TD Securities.

Duy trì một thị trường lành mạnh

Lợi suất trái phiếu đã tăng cao hơn trong những tuần gần đây do lo ngại giá sẽ tăng khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, khiến các ngân hàng trung ương trấn an thị trường rằng họ có ý định giữ lãi suất thấp và thực hiện các biện pháp kích thích. Các nhà hoạch định chính sách lo ngại tỷ giá tăng đột ngột có thể kìm hãm hoạt động và gây rắc rối cho các chính phủ đã vay những khoản tiền cực lớn để giải cứu nền kinh tế.

Theo Claus Vistesen, trưởng kinh tế châu Âu tại Pantheon Macroeconomics: “Ngân hàng trung ương vừa công bố tăng tốc nới lỏng định lượng... để phản ứng với mức tăng rất nhỏ của lợi suất trái phiếu.” Điều đó "cho chúng ta biết rất nhiều" về sự sẵn sàng đáp ứng của ECB khi điều kiện thay đổi, ông nói thêm.

Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh ngân hàng trung ương đang theo dõi chặt chẽ lạm phát, nhưng sẽ "xử lý" bất kỳ sự tăng giá nào do các yếu tố xảy ra một lần, như đánh thuế cao trở lại hàng hóa và dịch vụ ở Đức.

ECB cho biết họ dự kiến lạm phát sẽ tăng mạnh từ 0.3% trong năm 2020 lên 1.5% năm 2021. Theo ngân hàng trung ương, lạm phát có thể tăng cao hơn mục tiêu 2% đạt được trong ba tháng cuối năm nay, trước khi giảm trở lại 1.2% trong năm 2022.

Bà Lagarde cho biết ECB vẫn chưa tính đến hệ quả từ kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 1.9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden, vừa được Quốc hội thông qua hôm thứ Tư, 10/3. Bà cho rằng luật "sẽ có tác động" đến các dự báo kinh tế, nhưng không nên "đánh giá quá cao ảnh hưởng của nó."

Tháng trước, bà Lagarde cho biết điều quan trọng là các chính phủ châu Âu phải duy trì hỗ trợ tài khóa của riêng họ, và không "thô bạo" rút đi quá sớm các bảo lãnh việc làm và hỗ trợ thu nhập.

Châu Âu đang sa lầy trong một cuộc suy thoái kép, với GDP dự kiến sẽ giảm nhẹ trong quý một sau những tháng phong tỏa ở nhiều nơi trong khu vực. Việc triển khai vaccine chậm chạp cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi.

Tuy nhiên, theo bà Lagarde, những rủi ro xung quanh triển vọng châu Âu đang bắt đầu có vẻ "cân bằng hơn."

“Một mặt, nhu cầu toàn cầu có triển vọng tốt hơn nhờ kích thích tài khóa lớn và tiến bộ trong các chiến dịch tiêm chủng. "Mặt khác, đại dịch vẫn đang tiếp diễn, cùng với sự lây lan của các đột biến virus và cũng như những tác động lên các điều kiện kinh tế và tài chính, tiếp tục là nguồn gây rủi ro suy giảm."

Phong Lữ lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1