Tài chính Thứ hai, 01/03/2021, 14:33 GMT+7
Brexit khiến London phải chiến đấu cho tương lai khi châu Âu ngấp nghé việc kinh doanh

London đã từng là vị vua vô song của nền tài chính châu Âu trong hơn ba thập kỷ. Brexit đang thay đổi điều đó.

m1 london

Giao dịch cổ phiếu và công cụ phái sinh trị giá hàng tỷ dollar đã bốc hơi khỏi thủ đô của Anh sau khi Vương quốc Anh hoàn tất việc rút khỏi Liên minh châu Âu ngày 1/1, chuyển sang những trung tâm tài chính ở Amsterdam, Paris và Frankfurt.

Và mối đe dọa mất thêm việc kinh doanh đang rình rập thành phố, nơi có hàng chục ngân hàng, quỹ đầu cơ và công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới. Các dịch vụ tài chính không được nằm trong thỏa thuận thương mại Anh-EU được Thủ tướng Anh Boris Johnson thỏa thuận ngày 24/12, đặt Brussels vào tình thế phải quyết định mức độ tiếp cận vào thị trường EU của các công ty có trụ sở tại Anh.

"Tôi không dự đoán London sẽ kết thúc vai trò là một trung tâm tài chính lớn, nhưng tôi cho rằng thành phố đang trong tình trạng bấp bênh nhất và không thể tự mãn," theo Alasdair Haynes, Giám đốc điều hành của Aquis Exchange, một đối thủ mới nổi của Sở giao dịch chứng khoán London và CBOE.

Rắc rối cho London nghĩa là rắc rối cho cả Vương quốc Anh.

Theo nghiên cứu của PwC, các dịch vụ tài chính đóng góp gần 11% doanh thu từ thuế của chính phủ. Năm 2019, lĩnh vực này đã đóng góp 132 tỷ bảng Anh (185 tỷ USD) vào GDP, gần 7% tổng sản lượng của nền kinh tế. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia, một nửa con số này được tạo ra ở London, nơi chiếm hơn 1/3 trong tổng số 1.1 triệu việc làm của ngành. Dù hơn một nửa doanh thu từ lĩnh vực tài chính của Anh là trong nước, bất kỳ thất thoát nào trong các khoản nộp thuế, việc làm và kinh doanh vào tay các thị trường tài chính đối thủ đều giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Anh khi nước này trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong hơn ba thế kỷ.

Thua sớm

Khi không có thỏa thuận với Liên minh châu Âu về các dịch vụ tài chính, đã có dấu hiệu cho thấy vị trí không thể tranh cãi của London với tư cách là thành phố tài chính hàng đầu châu Âu đang gặp rủi ro.

Trong vòng vài ngày khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc vào nửa đêm ngày 31/12, London đã mất vị trí là trung tâm giao dịch cổ phiếu lớn nhất châu Âu vào tay Amsterdam vì các tổ chức tài chính của EU không còn có thể giao dịch cổ phiếu bằng đồng euro trên các sàn giao dịch của Anh.

Trung bình 9.2 tỷ € (11.2 tỷ USD) cổ phiếu được giao dịch hàng ngày ở thủ đô Hà Lan trong tháng Một - tăng hơn bốn lần so với tháng trước. Giao dịch trung bình hàng ngày trên tất cả các cổ phiếu ở London đã giảm gần 6 tỷ euro (7.3 tỷ USD) xuống còn 8.6 tỷ euro (10.5 tỷ USD) trong tháng Một, theo dữ liệu từ CBOE Châu Âu.

Khối lượng giao dịch khổng lồ biến mất ngay lập tức. Hơn 99% giao dịch cổ phiếu châu Âu của Aquis Exchange đã chuyển từ London sang Paris ngay sau Brexit, ông Haynes cho biết. “Hầu như không bao giờ ta thấy thanh khoản chuyển đổi qua đêm.”

Thị phần giao dịch hoán đổi lãi suất bằng đồng euro của London, vốn được dùng để phòng ngừa trước các động thái về lãi suất, cũng giảm từ gần 40% trong tháng Bảy năm ngoái xuống còn khoảng 10% trong tháng Một. Theo hãng cung cấp dữ liệu IHS Markit, các cơ sở thương mại của EU chiếm khoảng một phần tư thị trường trong tháng Giêng, tăng so với mức dưới 10% trong tháng Bảy. Giao dịch tại các địa điểm của Hoa Kỳ đã tăng gấp đôi lên 20%, một dấu hiệu cho thấy New York có thể cũng được lợi từ thảm họa của London.

Các nhà phân tích thận trọng không gán quá nhiều ý nghĩa cho những khoản mất mát ban đầu này, nhưng thừa nhận chúng có thể là khởi đầu cho sự suy giảm dần uy thế của London. Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách của EU đang thực hiện các bước để tìm hiểu xem liệu hoạt động thanh toán bù trừ các công cụ phái sinh bằng đồng euro như hoán đổi, phần lớn vẫn diễn ra ở London, có thể chuyển sang các địa điểm châu Âu hay không. Các trung tâm thanh toán bù trừ lớn của London đứng giữa người mua và người bán các công cụ tài chính nhằm đảm bảo các giao dịch được thực hiện.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey cho rằng nước Anh sẽ đẩy lùi bất kỳ nỗ lực nào của Liên minh châu Âu nhằm đẩy hoạt động tài chính ra khỏi London. "Điều đó sẽ gây tranh cãi lớn và sẽ là điều chúng tôi phải và sẽ kiên quyết chống lại," ông nói trong một phiên điều trần tại quốc hội Anh.

Mất mát trong hoạt động kinh doanh tài chính ở London có vẻ trầm trọng hơn khi so với năm 2016, năm Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu. Các công ty dịch vụ tài chính quốc tế đã di chuyển khối tài sản trị giá 1.2 nghìn tỷ bảng Anh (1.6 nghìn tỷ USD) và chuyển 7,500 việc làm từ Anh sang Liên minh châu Âu từ khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý, theo dữ liệu do EY theo dõi và công bố vào tháng Mười.

“Chúng tôi coi đây là làn sóng đầu tiên,” William Wright, giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu New Financial có trụ sở tại London, cho biết. Theo ông Wright, có khả năng khoảng 35,000 việc làm có thể chuyển đi trong trung hạn. Ông nói thêm: “Mối đe dọa lớn hơn đối với Vương quốc Anh trong trung hạn là EU cố gắng buộc thêm nhiều doanh nghiệp chuyển địa điểm kinh doanh.”

Chi tiết giao dịch

Mức độ tiếp cận thị trường EU dành cho các công ty Anh sẽ định hình tương lai của London. Và các thủ đô châu Âu mong muốn giành lại một số lãnh địa đã mất vào tay London và làm phong phú thêm thị trường tài chính của lục địa này.

Dù có tầm quan trọng to lớn đối với nền kinh tế, chính phủ Anh đã không đưa các dịch vụ tài chính vào các đàm phán thương mại Brexit vì họ phải chạy đua để đáp ứng thời hạn tự đặt ra cho một thỏa thuận nhằm tránh gây tổn thất cho thương mại hàng hóa.

Điều đó khiến các ngân hàng, công ty bảo hiểm và quản lý tài sản của London không còn quyền tiếp cận các thị trường châu Âu họ từng có trước đây, buộc các công ty như JPMorgan Chase và Morgan Stanley phải chuyển việc làm và tài sản sang châu Âu để tiếp tục phục vụ khách hàng.

Điều tốt nhất các công ty có trụ sở tại Anh có thể hy vọng lúc này là quyền tiếp cận thị trường giống các quốc gia không thuộc EU khác, được xác định bởi một loạt các thỏa thuận "tương đương." Hiện tại, Hoa Kỳ, Canada và Australia có khả năng tiếp cận các thị trường tài chính của EU tốt hơn so với Vương quốc Anh.

London và Brussels đã cam kết sẽ thỏa thuận về một Biên bản ghi nhớ trước cuối tháng Ba, trong đó đưa ra cách thức các cơ quan quản lý hợp tác trong tương lai và tạo cơ sở để có thể đạt được các thỏa thuận tương đương.

Nhưng Liên minh châu Âu không vội. "Đây không phải là khôi phục quyền tiếp cận thị trường mà Vương quốc Anh đã mất. Chúng tôi sẽ xem xét các quyết định tương đương về lợi ích của EU," theo Mairead McGuinness, ủy viên các dịch vụ tài chính.

Điểm mạnh đáng gờm

Theo ông Haynes: Dù mất mát trong giao dịch cổ phiếu là một "pha phản lưới nhà đáng xấu hổ ở giai đoạn sớm như vậy", điều đó không có nghĩa là London đã "thua trận đấu hay cả giải đấu."

Trước hết, 70% giao dịch thị trường trái phiếu thứ cấp toàn cầu diễn ra ở London và thành phố xử lý 43% giao dịch ngoại hối toàn cầu, theo dữ liệu từ Sở giao dịch chứng khoán London và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.

London cũng có thế mạnh cạnh tranh vững chắc trong các lĩnh vực tài chính sinh lợi cao, như bảo hiểm và quản lý tài sản, cũng như vị trí hàng đầu trong thanh toán kỹ thuật số và chuyên môn trong lĩnh vực tài chính xanh, vốn đang phát triển nhanh chóng khi các công ty cam kết dành hàng tỷ USD cho các dự án giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Sở giao dịch chứng khoán London là nơi có các trái phiếu xanh được chứng nhận đầu tiên do các công ty ở Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông phát hành và các trái phiếu chính phủ xanh đầu tiên từ châu Á và châu Mỹ.

Vương quốc Anh vẫn là một trong những trung tâm quản lý tài sản lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ, theo Hiệp hội Đầu tư. Và Anh là quốc gia xuất khẩu ròng dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới khi tính đến các dịch vụ bảo hiểm và hưu trí, theo TheCityUK, một nhóm vận động hành lang.

Vị thế của nước Anh và cơ sở hạ tầng rộng lớn trong các ngành này, có nguồn gốc từ London, đã được xây dựng trong nhiều năm và đi kèm với một mạng lưới hùng hậu các luật sư, kế toán và nhà quản lý chuyên nghiệp không thể dễ dàng bắt chước. Mạng lưới này cũng được củng cố bởi một loạt các hệ thống pháp luật toàn cầu khi giải quyết tranh chấp thương mại.

Thực tế là phần kinh doanh bị mất được chia ra giữa một số thủ đô khác nhau của châu Âu - với các ngân hàng chọn Frankfurt và Paris, các nhà quản lý tài sản ủng hộ Dublin và Luxembourg, và các công ty bảo hiểm nghiêng về Brussels - khiến ít có khả năng bất kỳ một địa điểm nào sẽ thay thế London trở thành thủ đô tài chính của châu Âu.

“London là một trung tâm tài chính toàn cầu cực kỳ có quyền lực,” theo David Durlacher, Giám đốc điều hành người Thụy Sĩ Julius Bär, giám đốc điều hành Julius Bär. “Rất nhiều hoạt động trên thị trường đã được thiết lập khó có thể thay đổi trên thực tế. Điều này có thể thay đổi biên lợi nhuận.”

Một số công ty châu Âu thậm chí đang tăng cường sự hiện diện ở London. Khoảng 1,500 công ty dịch vụ tài chính của EU đã nộp đơn xin phép theo quy định để hoạt động tại Anh, với hơn 2/3 dự định mở văn phòng đầu tiên ở Anh sau khi mất quyền tiếp cận nước Anh vì Brexit, theo ghi nhận từ Cơ quan quản lý tài chính do hãng tư vấn Bovill thu thập.

"Những con số này là dấu hiệu tốt cho thấy lĩnh vực dịch vụ tài chính của Vương quốc Anh sẽ tiếp tục vững chắc sau Brexit," theo cố vấn quản lý Mike Johnson của Bovill.

Một số bên trong ngành cho rằng Vương quốc Anh nên sử dụng Brexit như cơ hội để tăng cường các chính sách thân thiện với nhà đầu tư, đồng thời phát triển thương mại dịch vụ tài chính với Hoa Kỳ và châu Á, hiện có tỷ trọng hoạt động tài chính toàn cầu lớn hơn châu Âu.

Theo Haynes của Aquis Exchange: “Hãy quên đi sự tương đương. Hãy thay đổi các quy tắc theo cách làm cho chính mình trở nên hấp dẫn.” Ông đề cập đến đánh giá niêm yết hiện tại của Vương quốc Anh như một cơ hội để phục hồi thị trường IPO dồi dào của London.

 “Dù EU không phải là vô lý khi xác định hoạt động kinh doanh phải được thực hiện ở EU, Vương quốc Anh nên tập trung vào việc trở thành một trung tâm tài chính nơi mọi người muốn kinh doanh," theo ông Ông Wright của New Financial. Những mất mát từ Brexit không làm suy yếu nghiêm trọng nhiều yếu tố trong nhiều thập kỷ đã giúp đưa London trở thành một trung tâm tài chính vượt trội."

Phong Lữ lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1