Tài chính Thứ hai, 05/04/2021, 12:52 GMT+7
IMF nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu nhờ các kích thích của Hoa Kỳ và tiến bộ trong tiêm chủng Covid

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thậm chí còn lạc quan hơn về tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, nhưng khẳng định “sự không chắc chắn cao độ” vẫn còn ở phía trước.

a5 imf

Trở lại vào tháng Một, IMF tỏ ra lạc quan trong các dự báo kinh tế toàn cầu, ước tính tỷ lệ GDP (tổng sản phẩm quốc nội) sẽ đạt 5.5% trong năm nay, tăng 0.3 điểm phần trăm so với các dự báo trước đó.

Tuy nhiên, kế hoạch tài chính khổng lồ của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và việc triển khai vaccine được cải thiện trong ba tháng qua khiến IMF thậm chí còn tự tin hơn về phần còn lại của năm.

“Hiện chúng tôi kỳ vọng sẽ tăng tốc hơn nữa: một phần do hỗ trợ chính sách bổ sung – trong đó có gói kích thích tài khóa mới ở Hoa Kỳ; và một phần do kỳ vọng phục hồi nhờ vaccine ở nhiều nền kinh tế tiên tiến vào cuối năm nay,” theo Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva.

"Điều này cho phép sửa đổi nâng cao dự báo toàn cầu của chúng tôi cho năm nay và năm 2022."

Các dự báo mới sẽ được công bố vào thứ Ba, khi Quỹ công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của mình.

Đầu tháng này, tổng thống Biden đã ký một kế hoạch kích thích tài khóa sẽ nâng các khoản thanh toán trực tiếp lên tới $1,400 cho hầu hết người Mỹ. Chương trình, hiện đang được tiến hành, cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nền kinh tế thế giới; Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế ước tính dự luật sẽ thêm khoảng 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.

Tỷ lệ tiêm chủng virus corona trên khắp thế giới cũng đang tăng tốc. Theo tổng thống, 90% người lớn ở Hoa Kỳ sẽ được tiêm vaccine Covid-19 đến ngày 19/4. Trong khi đó, Vương quốc Anh có kế hoạch tiêm mũi tiêm Covid-19 đầu tiên cho tất cả dân số đủ điều kiện của mình đến cuối tháng Bảy, và Liên minh châu Âu dự kiến 70% dân số trưởng thành sẽ được tiêm chủng trong mùa hè này.

Tuy nhiên, IMF cảnh báo một trong những rủi ro đối với triển vọng là sự không chắc chắn cao do đại dịch gây ra, trong đó có các biến thể mới.

Theo bà Georgieva: “Một trong những mối nguy hiểm lớn nhất chúng ta phải đối mặt là sự không chắc chắn rất cao.”

Đồng thời, IMF lưu ý phục hồi kinh tế đang diễn ra không đồng đều.

“Dù triển vọng đã được cải thiện về tổng thể, nhưng triển vọng đang phân hóa một cách nguy hiểm không chỉ trong phạm vi các quốc gia mà còn giữa các quốc gia và khu vực. Trên thực tế, điều chúng tôi nhận thấy là sự phục hồi đa tốc độ, được hỗ trợ bởi hai động cơ – Hoa Kỳ và Trung Quốc,” bà Georgieva nói.

"Hai quốc gia này là một phần của một nhóm nhỏ những quốc gia sẽ vượt xa mức GDP trước khủng hoảng đến cuối năm 2021. Nhưng họ là ngoại lệ, không phải là quy luật."

Do đó, IMF khuyên các nước tăng cường sản xuất, phân phối và triển khai vaccine. Họ cũng khuyên các nước giữ chính sách tài khóa nới lỏng và đầu tư vào những chính sách thân thiện với khí hậu.

“Đây là cách chúng ta có thể bảo vệ sức khỏe của mọi người - và đẩy nhanh quá trình phục hồi. Chấm dứt cuộc khủng hoảng y tế nhanh hơn có thể đưa thêm gần 9 nghìn tỷ USD vào GDP toàn cầu đến năm 2025. Nhưng cánh cửa cơ hội đang khép lại. Càng mất nhiều thời gian tăng tốc sản xuất và triển khai vaccine, càng khó đạt được những thành tựu này,” bà Georgieva nói thêm.

Phong Lữ lược dịch
Theo CNBC

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1