Tài chính Thứ sáu, 09/04/2021, 09:43 GMT+7
Vaccine Covid là 'vũ khí chính' để phục hồi kinh tế nhanh hơn

Khi những lo ngại về “chủ nghĩa dân tộc vaccine” dần trở thành hiện thực trong năm 2021, các chuyên gia nhấn mạnh vì sao đảm bảo các chương trình tiêm chủng có đầy đủ nguồn cung được triển khai trên toàn cầu là vì lợi ích của mọi người.

a9 vaccine

“Những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đã gặp khó khăn để có được vaccine vì hiện tượng chủ nghĩa dân tộc vaccine. Hầu hết các nước phát triển đều có rất nhiều vaccine,” theo Tiến sĩ Faisal Shuaib, Giám đốc điều hành của Cơ quan Phát triển Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu Quốc gia Nigeria.

Trong khi các quốc gia có thu nhập cao đã mua hơn 4.6 tỷ liều vaccine Covid-19, các quốc gia thu nhập thấp mua được chỉ 670 triệu liều, theo dữ liệu từ Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu Duke.

Và trong khi nhiều nền kinh tế phương Tây, như Anh và Mỹ, hy vọng sẽ tiêm chủng cho phần lớn dân số của họ trong những tháng tới, một số quốc gia có thể sẽ không đạt được điều đó trước năm 2024, cũng theo Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu Duke.

“Vì vậy, nếu chúng ta muốn tiêu diệt Covid-19 như một cộng đồng toàn cầu, điều quan trọng là mọi cộng đồng đều được tiếp cận với những vaccine này. Virus không biết bất kỳ biên giới nào,” ông Shuaib nói.

Quan ngại về sức khỏe

Virus corona là một bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan. Các biến thể mới nhất của virus được cho là thậm chí còn dễ lây lan hơn cả chủng ban đầu.

“Chúng ta hiện đang sống trong ngôi làng toàn cầu, trước khi bạn nhận thức được, sự lây nhiễm sẽ lan sang cả những nước phát triển. Vì vậy, từ quan điểm khoa học, dự trữ vaccine thực sự không có ý nghĩa gì khi không có sự bình đẳng và công bằng trong phân phối trên toàn cầu,” ông Shuaib nói.

Nhưng vấn đề hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp với nguồn cung vaccine còn hơn cả điều này. Nó cũng có liên quan từ góc độ kinh tế và địa chính.

Hậu quả kinh tế

Theo Thomas Bollyky, giám đốc chương trình y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại: “Nền kinh tế thế giới cũng có tính liên kết và ngay cả những quốc gia đã đối phó khá hiệu quả với loại virus này như New Zealand hay Hàn Quốc cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề về kinh tế vì đại dịch này.”

Ông nói: “Điều đó sẽ tiếp tục xảy ra, nếu virus này hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới.”

Quỹ Tiền tệ Quốc tế ban đầu dự báo sản lượng toàn cầu tăng 3.4% trong năm 2020. Nhưng ngay sau khi đại dịch bùng phát, vào đầu năm, IMF đã giảm dự báo xuống còn 3%, dự đoán đây sẽ là cú shock kinh tế tồi tệ nhất kể từ những năm 1930.

Trong các tính toán gần đây hơn, IMF ước tính hoạt động kinh tế toàn cầu trên thực tế đã giảm 3.3% trong năm 2020, với cơ hội phục hồi ngay trong năm 2021 bị đe dọa bởi những làn sóng lây nhiễm mới và các đột biến hơn nữa.

Theo Gita Gopinath, trưởng kinh tế của IMF: “Vũ khí chính mà chúng ta có là vaccine.”

Bà nói: “Chúng ta đang chứng kiến virus đột biến chừng nào nhiều nơi trên thế giới vẫn chưa được tiêm chủng, sẽ có thêm nhiều đột biến nữa và đó là mối quan ngại lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.”

Hợp tác quốc tế

Đồng thời, cuộc khủng hoảng virus corona cũng đòi hỏi hợp tác quốc tế nhiều hơn.

Các tổ chức, như Tổ chức Y tế Thế giới và UNICEF, đã phát triển sáng kiến Covax trong năm 2020 để hỗ trợ những quốc gia có thu nhập thấp tiếp cận với vaccine. Nhưng điều này vẫn chưa đủ để đảm bảo việc tiếp cận vaccine công bằng.

“Nếu bạn có tiền mua, bạn sẽ có được nhiều vaccine hơn; nếu bạn có nhà máy; nếu bạn đã trả tiền cho một số nghiên cứu và phát triển; nếu bạn có thể chặn xuất khẩu (hoặc) đưa ra lệnh cấm xuất khẩu - tất cả những yếu tố này thực sự nghiêng về những quốc gia có thu nhập cao, nhưng chính tất cả những điều này kết hợp lại đã dẫn chúng ta đến tình huống một lượng lớn vaccine vẫn thuộc về những quốc gia thu nhập cao,” theo Suerie Moon, đồng giám đốc Trung tâm Y tế Toàn cầu tại Học Viện Sau đại học Geneva.

Chẳng hạn Hoa Kỳ ra luật ưu tiên tiêm chủng cho người dân trong nước trước khi đưa vaccine ra nước ngoài. Liên minh Châu Âu cũng đã tăng cường các chính sách nhằm hạn chế xuất khẩu vaccine khi các công ty dược phẩm không hoàn thành được việc giao hàng cho khối. Vương quốc Anh không xuất khẩu bất kỳ liều vaccine Covid-19 nào. Tuy nhiên, cả ba khu vực đều đóng góp tài trợ cho sáng kiến Covax.

“Nếu chúng ta không thể, giữa một cuộc khủng hoảng toàn cầu, chia sẻ một loại vaccine vì lợi ích của mọi quốc gia bởi đó là cách nhanh nhất để kiểm soát đại dịch, thì triển vọng chúng ta hợp tác để ngăn chặn những đại dịch trong tương lai là gì. Cơ hội nào để chúng ta hợp tác về các vấn đề biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân, bất cứ điều gì đòi hỏi các quốc gia trên thế giới phải tin tưởng lẫn nhau và cùng nhau hợp tác để tất cả chúng ta an toàn hơn,” ông Bollyky nói.

“Nếu không thể làm được điều đó trong cuộc khủng hoảng này, chúng ta có rất ít hy vọng sẽ làm được điều đó trong nhiều lĩnh vực khác, nơi chúng ta cần thấy được sự hợp tác này,” ông nói.

Phong Lữ lược dịch
Theo CNBC

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1