Tài chính Thứ hai, 17/05/2021, 14:20 GMT+7
Trung Quốc quan ngại về lạm phát - nhưng đó không phải là ưu tiên hàng đầu hiện nay

Trong khi các nhà đầu tư trên khắp thế giới lo lắng về lạm phát, ngân hàng trung ương của Trung Quốc có nhiều vấn đề để lo lắng hơn là giá cả tăng cao.

m17 china

Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã giữ các chính sách tiền tệ nới lỏng và lãi suất thấp hơn trong nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng sau đại dịch virus corona hồi năm ngoái, và Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ.

Giờ đây, khi giá tiêu dùng và giá sản xuất tăng cao, các nhà đầu tư đang rất căng thẳng khi cố gắng nhận định xem liệu các ngân hàng trung ương có tăng lãi suất hay không.

Nhưng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - và các nhà kinh tế phân tích các tuyên bố của ngân hàng này - không lo lắng về lạm phát hay dự kiến chính sách tiền tệ sẽ thay đổi nhiều khi Trung Quốc  phải đối mặt với nhiều rủi ro cấp bách hơn.

Trong báo cáo về chính sách tiền tệ quý một, ngân hàng trung ương tập trung vào việc nền tảng phục hồi kinh tế của Trung Quốc không vững chắc như thế nào.

“Tiêu dùng của người dân vẫn bị hạn chế và tăng trưởng đầu tư không đủ”, báo cáo cho biết. PBOC nói thêm các doanh nghiệp tư nhân nhỏ hơn vẫn gặp khó khăn và đảm bảo việc làm vẫn là thách thức lớn.

Báo cáo nói nhiều về tình trạng lạm phát gia tăng trên toàn cầu và dự báo giá sản xuất của Trung Quốc sẽ tăng vào cuối năm nay khi giá hàng hóa trên toàn thế giới tăng. Ngân hàng trung ương cũng lưu ý lạm phát gia tăng ở các nền kinh tế lớn đã làm tăng áp lực giảm giá tiền tệ và dòng vốn đối với một số nền kinh tế mới nổi.

Dữ liệu trong tuần này cho thấy giá tiêu dùng của Hoa Kỳ đã tăng nhanh nhất kể từ tháng 9/2008, ở mức 4.2% vào tháng Tư và giá sản xuất tăng 6.2%, mức tăng nhanh nhất trong lịch sử gần một thập kỷ của PPI.

Chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 2%, trong khi Trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm nhanh chóng đạt mức cao nhất trong một tháng gần 1.69%. Không rõ liệu đợt lạm phát gia tăng mới nhất của Hoa Kỳ có ảnh hưởng tiêu cực đến cổ phiếu trong dài hạn hay không.

Trung Quốc giữ lãi suất ổn định

Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc đã giữ trên 3.1%, trong khi Shanghai Composite đã tăng 2%. Trung Quốc cho biết giá sản xuất của nước này đã tăng trong tháng Tư với tốc độ nhanh nhất trong hơn ba năm - tăng 6.8%. Nhưng giá tiêu dùng chỉ tăng 0.9% do giá thịt lợn giảm.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã giữ lãi suất cho vay chuẩn, lãi suất cho vay cơ bản, không đổi trong một năm. Thông báo hàng tháng tiếp theo về lãi suất sẽ có vào ngày 20/5.

Trong báo cáo hàng quý tuần này, ngân hàng trung ương cho biết thêm chính sách tiền tệ “thận trọng” sẽ linh hoạt, có mục tiêu và thích hợp.

Áp lực việc làm cao

Zong Liang, trưởng nhóm nghiên cứu tại Ngân hàng Trung Quốc, không cho rằng chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ thay đổi sớm nhất là đến nửa cuối năm nay. Ông lưu ý ngân hàng trung ương đã giữ chính sách tương đối chặt chẽ hơn trong hai năm qua so với các quốc gia khác.

Dù hy vọng người tiêu dùng Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu trong quý hai, đặc biệt khi Trung Quốc đẩy mạnh tiêm chủng tại địa phương, ông cho rằng tiêu thụ vẫn đang trong giai đoạn phục hồi.

Trong một dấu hiệu cho thấy sự thận trọng của Bắc Kinh đối với nền kinh tế, các nhà chức trách cho biết áp lực hỗ trợ việc làm vẫn còn cao. Chính quyền trung ương đã quyết định gia hạn hỗ trợ thất nghiệp trong thời kỳ đại dịch đến cuối năm nay.

Tuy nhiên, mức hỗ trợ đã được thu hẹp so với năm ngoái. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 18.3% trong quý một, từ mức suy giảm vào năm ngoái, cao điểm của đại dịch.

Ngoài ra, dữ liệu vào thứ Tư, 12/5, cho thấy tăng trưởng cho vay chậm hơn dự kiến trong tháng Tư, phản ánh tín dụng thắt chặt.

“Chúng tôi cho rằng các điều kiện tiền tệ có thể đã được thắt chặt, nhưng chính sách tín dụng tổng thể vẫn hỗ trợ cho sự phục hồi cân bằng hơn của nền kinh tế thực, khi tăng trưởng cho vay trung và dài hạn tương đối mạnh,” theo Bruce Pang, đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance.

Ông nói: “Việc phát hành khoản vay ngắn hạn trong tháng Tư chậm lại so với dự kiến cũng có thể một phần do các cơ quan quản lý tăng cường giám sát việc sử dụng bất hợp pháp các khoản vay kinh doanh và tiêu dùng để cấp vốn bất động sản,” ông nói.

Rủi ro trong bất động sản

Bất động sản là một trong những lĩnh vực đầu tư - và đầu cơ - ở Trung Quốc. Trong một nỗ lực giữ cho các khoản tăng giá không mất kiểm soát, các nhà chức trách đã cố gắng hành động một cách thận trọng.

Trong báo cáo chính sách tiền tệ quý một, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho rằng giá nhà phải được giữ ổn định, đồng thời nhấn mạnh nhà ở là để ở chứ không phải đầu cơ.

Dù các thị trường có vẻ tin rằng Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc rút lại các chính sách được thực hiện sau đại dịch virus corona, nhưng hiện tại không có lý do mạnh mẽ nào để ngân hàng trung ương làm như vậy, theo Li-Gang Liu, trưởng nhóm kinh tế Trung Quốc tại Citi Research.

Theo ông Liu: “Sự mong manh tài chính đã tăng lên, thể hiện ở bong bóng bất động sản mở rộng, mức nợ tăng và rủi ro vỡ nợ tăng cao. “Chúng tôi cho rằng việc rút lại vội vàng các chính sách kích cầu cũng sẽ mang đến những rủi ro tài chính mới.”

Phong Lữ lược dịch
Theo CNBC

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1