Nỗi sợ hãi ám ảnh thị trường - liệu lạm phát có quay trở lại? |
Bóng ma lạm phát đã khiến các nhà đầu tư chạy đua vào tuần trước. Không có chỉ dẫn nào hướng dẫn họ cách các nền kinh tế ứng xử trong đại dịch, các thị trường đang vật lộn để dự đoán liệu sự phục hồi sau Covid có mạnh đến mức kéo theo làn sóng chi tiêu lớn khiến giá cả leo thang hay không. Các nhà đầu tư lo sợ vì lạm phát gia tăng, đe dọa đầu tư và chi tiêu của người tiêu dùng, cần phải được khắc phục bằng cách nâng lãi suất đã chạm đáy - và đó sẽ là lời nguyền cho các thị trường và khu vực doanh nghiệp vốn đã quen với tiền rẻ. Đầu tuần trước, thị trường chứng khoán hoảng loạn khi các số liệu cho thấy lạm phát của Mỹ bắt đầu tăng cao, ngoài những lo ngại điều đó có thể đã diễn ra ở Anh. Khi thị trường đóng cửa vào thứ Sáu, cơn hoảng loạn dường như đã giảm bớt và cổ phiếu tăng giá. Nhưng cuộc tranh luận liệu lạm phát có bén rễ trên khắp thế giới hay không đã bắt đầu. Con đường phía trước có thể là gì? Tại sao lạm phát có thể tăng Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NIESR), các hộ gia đình ở Anh đã tiết kiệm được khoảng 160 tỷ bảng trong 14 tháng qua. Trưởng kinh tế của Ngân hàng Trung ương Anh, Andy Haldane, cho biết khoảng 20% trong số đó có thể được chi tiêu trước cuối năm nay. Quan điểm chính thức từ ngân hàng trung ương là các hộ gia đình sẽ chi tiêu gần 5%, tuy nhiên, điều đó có thể có nghĩa là quá nhiều tiền với quá ít hàng hóa, đặc biệt là khi Brexit kết hợp với đại dịch hạn chế nhập khẩu và những gì có trong các cửa hàng. Giá hàng hóa cao hơn. Trong năm 2010, khi thế giới vẫn đang phải đối mặt với hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính, giá dầu tăng lên trên $120/thùng. Khi giá đồng và các hàng hóa khác cũng tăng theo, tỷ lệ lạm phát của Vương quốc Anh đạt 5.2% trong năm 2011 - cao hơn đến hai lần so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Anh. Ngay sau lần phong tỏa đầu tiên vào tháng 3/2020, giá một thùng dầu thô Brent đã xuống gần $20. Tuần trước, giá phục hồi lên đến $70. Giá kim loại cũng tăng mạnh, với đồng và quặng sắt đạt kỷ lục trong tháng này; nhưng trong những ngày gần đây chúng đã giảm nhẹ trở lại. Việc làm không tương hợp. Đại dịch đã đẩy mạnh nhiều xu hướng tại nơi làm việc và trong chi tiêu của người tiêu dùng. Làm việc tại nhà nghĩa là băng thông rộng tốt hơn là một trong số nhiều yêu cầu mới của cuộc sống. BT là một trong hàng trăm công ty cho biết hiện tại họ đang tích cực tuyển dụng khi hầu hết mọi người đều được tiêm chủng và các hạn chế của Covid sẽ gần như không còn trong tháng Sáu. Ít nhất trong một khoảng thời gian, việc thiếu nhân viên lành nghề có nghĩa là một kỹ sư BT tiềm năng có thể đòi mức lương cao hơn. Nếu điều này lặp lại trên khắp nền kinh tế, tiền lương sẽ tăng lên và thu nhập thêm sẽ đổ vào các khoản tiết kiệm, làm tăng áp lực lên giá hơn nữa. Các kích thích của chính phủ. Chính phủ Anh cho đến nay đã chi gần 300 tỷ bảng Anh để giải cứu các hộ gia đình và doanh nghiệp khỏi đại dịch. Ngân hàng Trung ương Anh đã bơm thêm 150 tỷ bảng Anh vào nền kinh tế vào tháng 11 năm ngoái trước đợt phong tỏa lần thứ ba, đưa chương trình kích thích chính của họ - chương trình nới lỏng định lượng - lên 895 tỷ bảng Anh. Các yếu tố chủ chốt
Nhưng dù Ngân hàng không có khuynh hướng từ bỏ việc in tiền trong nỗ lực đảm bảo kinh tế phục hồi, chính phủ dự kiến sẽ cắt giảm ngân sách vào năm tới. Họ cũng có thể bắt đầu tăng thuế, rút đi yếu tố quan trọng của tăng trưởng trong phương trình kinh tế một cách hiệu quả. Điều này trái ngược với chính quyền Biden ở Mỹ, dự kiến sẽ bổ sung thêm gói kích thích 1.9 tỷ USD hiện có của mình và khu vực đồng euro, đã bắt đầu phân phối 750 tỷ euro, chủ yếu ở Nam Âu. Các vấn đề dài hạn. Có một số lý do vì sao Vương quốc Anh và nền kinh tế toàn cầu có thể phải chịu sự bất tương xứng về cung và cầu trong thời gian dài hơn, đẩy giá cả lên cao. Một cuộc cách mạng công nghệ xanh sẽ đòi hỏi đại tu hầu hết các quy trình công nghiệp và tăng nhu cầu đối với các kim loại như đồng và coban. Điều đó có thể khiến giá nhiều mặt hàng, trong đó có ô tô điện, tăng trong nhiều năm tới. Số lượng người trưởng thành trong độ tuổi lao động khi dân số già đi (nếu ta loại trừ khả năng nhập cư) sụt giảm sẽ buộc người sử dụng lao động phải tăng lương, làm gia tăng áp lực tính giá cao hơn. Cái nhìn bi quan Haldane, người sẽ rời Ngân hàng Anh vào mùa hè này sau 32 năm, cho rằng nếu dự báo của Threadneedle Street về tăng trưởng GDP 7.25% được chứng minh là chính xác, một vòng xoáy lạm phát có thể được tạo ra và sẽ kéo dài, như đã xảy ra trong những năm 1970. Theo ông, khả năng chi tiêu mạnh tay, giá hàng hóa cao hơn và việc làm không tương hợp có thể khiến các công ty không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển chi phí thêm sang người tiêu dùng. “Động lực này trong nền kinh tế, nếu duy trì, sẽ gây áp lực tăng liên tục lên giá, có nguy cơ kéo dài hơn - và gây tổn hại - thời kỳ lạm phát trên mục tiêu. Đây không phải là rủi ro có thể kéo dài nếu vị thần lạm phát một lần nữa không thoát khỏi bàn tay chúng ta,” ông viết trên Daily Mail. Có những thành viên của hội đồng của Quỹ dự trữ liên bang Mỹ đồng tình và có thể cũng sẽ nói như vậy. Adam Posen, người đứng đầu Viện Peterson ở Washington và là nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh trước đây, cũng cho rằng nguy cơ lạm phát có thể vượt khỏi tầm tay ở Mỹ sau chương trình của ông Biden. Robert Shapiro, người đứng đầu công ty tư vấn Sonecon có trụ sở tại Washington và là cố vấn chính phủ trong nhiệm kỳ thứ hai của Bill Clinton, nói: “Không thể ném nhiều tiền như vậy vào nền kinh tế Mỹ mà không bị lạm phát.” Nhưng cả hai đều không tin rằng, sau một thập kỷ các chính sách nhằm tăng lạm phát chỉ thành công trong việc ngăn giá giảm, một đợt tăng giá ngắn trong năm tới sẽ là vấn đề. Cái nhìn lạc quan Neil Shearing, trưởng kinh tế tại Capital Economics, cho rằng một trong những khó khăn thị trường phải đối mặt là tìm hiểu dữ liệu lạm phát phức tạp trong năm qua. Một ví dụ là giá vé máy bay của Mỹ, đã giảm mạnh trong khi chính quyền Trump vẫn để máy bay trống bay, ngược với Anh và các nước châu Âu, đã đóng cửa ngành hàng không. Giá vé máy bay đã phục hồi ở Mỹ, và một năm sau, khoản tăng đó đang ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng; nhưng ở châu Âu, vì mục đích của dữ liệu kinh tế trong năm qua, giá vé vẫn giữ nguyên. Steven Blitz, trưởng kinh tế Mỹ tại công ty tư vấn TS Lombard, cho rằng chi tiêu tăng liên tục trong nhiều năm sẽ cần các ngân hàng đồng lõa trong việc cho vay quá mức một khi khoản tiết kiệm thừa được dùng đến - và điều đó không có khả năng xảy ra. Theo ông, một yếu tố khác nhấn mạnh bản chất ngắn hạn của vấn đề lạm phát là Trung Quốc đang chuyển giá họ phải trả cho nguyên liệu thô vào đỉnh điểm của đại dịch, khi chi phí vận chuyển hàng hóa tăng vọt. Điều này cũng sẽ nhạt dần. Hande Kucuk, phó giám đốc tại NIESR, cho rằng sự gia tăng sẽ được kiểm soát bởi tình trạng không chắc chắn trong tương lai. Những quan ngại đó bao gồm số lượng các công ty sẽ thất bại khi chương trình nghỉ việc không lương của Vương quốc Anh kết thúc; bao nhiêu người sẽ mất việc làm; và viễn cảnh về nhũng biến thể mới của Covid. Ngay cả những người hoài nghi lạm phát cũng đồng ý rằng tất cả những ai lái xe ô tô ở Mỹ, châu Âu và Anh sẽ thấy rằng giá tại các trạm xăng đã tăng. Các hãng vận tải đang phải đối mặt với giá dầu diesel cao hơn nhiều so với một năm trước. Trong những năm 1970, dầu mỏ là chất bôi trơn duy nhất của nền kinh tế và giá tăng đã gây áp lực lạm phát đáng kể. Nhưng dầu không còn sức ảnh hưởng như trước, và dù các mặt hàng khác đang tăng, mọi ngân hàng trung ương lớn - Ngân hàng Anh, Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, Ngân hàng Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Châu Âu - đều dự báo, trong trung hạn, lạm phát sẽ duy trì ở mức gần hoặc thấp hơn mục tiêu 2%. Thông điệp rõ ràng này có nghĩa là các khoản tăng lãi suất sẽ được gác lại trong nhiều năm tới. Phong Lữ lược dịch
Theo The Guardian
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|