Tài chính Thứ sáu, 09/04/2021, 09:46 GMT+7
Kinh tế Mỹ đang phát triển với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1984

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gói kích thích 1.9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden sẽ thúc đẩy kinh tế Mỹ và tăng trưởng toàn cầu nhanh hơn trong năm nay, dù họ cũng cảnh báo nhiều quốc gia tiếp tục hứng chịu đại dịch và có nguy cơ bị bị bỏ lại phía sau.

a9 us1

IMF cho biết kinh tế Mỹ sẽ vượt qua quy mô trước đại dịch khi tăng trưởng đạt 6.4% trong năm nay, tăng 1.3 điểm phần trăm so với dự báo của nhóm hồi tháng Giêng. Sự phục hồi sẽ giúp kinh tế toàn cầu tăng trưởng 6% vào năm 2021, tăng 0.5 điểm phần trăm so với triển vọng trước đó của IMF. Nhìn chung, các ước tính này phù hợp với kỳ vọng của Phố Wall.

Trong một báo cáo, IMF cho biết: "Với 1.9 nghìn tỷ USD, gói kích thích tài khóa mới của chính quyền Biden dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ ở Hoa Kỳ trong năm 2021 và mang đến tác động lan tỏa tích cực đáng kể cho các đối tác thương mại." Các chính phủ và ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng đã bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu.

Theo IMF, "phản ứng chính sách chưa từng có" đối với đại dịch nghĩa là "cuộc suy thoái có khả năng để lại những vết sẹo nhỏ hơn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008." IMF ước tính sản lượng toàn cầu đã giảm 3.3% trong năm 2020, trong khi kinh tế Mỹ thu hẹp 3.5%.

Đã có dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của Hoa Kỳ đang tăng tốc. Các nhà tuyển dụng Mỹ đã bổ sung thêm 916,000 việc làm trong tháng Ba, mức tăng lớn nhất kể từ tháng Tám. Lĩnh vực sản xuất của Mỹ cũng đang phát triển vượt bậc, với Chỉ số Sản xuất ISM gần đây công bố kết quả tốt nhất từ năm 1983.

IMF kỳ vọng việc triển khai vaccine virus corona và kích thích lớn của chính phủ sẽ kết hợp với nhau trong năm nay tạo ra tốc độ tăng trưởng hàng năm nhanh nhất ở Hoa Kỳ kể từ năm 1984 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Nhưng nhiều quốc gia khác sẽ phải đợi đến năm 2022 hoặc 2023 để phục hồi được tất cả sản lượng bị mất trong đại dịch. Theo IMF, tăng trưởng sản lượng toàn cầu sẽ chậm lại còn 4.4% trong năm tới.

"Sự phục hồi đa tốc độ đang diễn ra ở tất cả các khu vực và giữa các nhóm thu nhập, liên quan đến sự khác biệt rõ rệt trong tốc độ triển khai vaccine, mức độ hỗ trợ của chính sách kinh tế và các yếu tố cơ cấu như sự phụ thuộc vào ngành du lịch," theo Gita Gopinath, giám đốc nghiên cứu tại IMF. “Những con đường phục hồi khác nhau có thể tạo ra cách biệt lớn hơn đáng kể trong mức sống giữa các nước đang phát triển và các nước khác."

Dự báo của Mỹ được nâng cấp nghĩa là nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trên đà tăng trưởng nhanh hơn nhiều quốc gia phát triển khác trong năm nay. IMF dự kiến tăng trưởng 4.4% ở 19 quốc gia sử dụng đồng euro khi châu Âu phải đối mặt với làn sóng virus corona khác đã buộc Đức, Pháp và Ý phải thắt chặt các hạn chế. Sản lượng dự kiến sẽ tăng 3.3% tại Nhật Bản.

Nhưng một số quốc gia ở châu Á vẫn sẽ vượt qua Hoa Kỳ. IMF dự kiến Trung Quốc, nền kinh tế lớn duy nhất tránh được suy thoái trong năm ngoái, sẽ tăng trưởng 8.4% torng năm 2021 - mạnh hơn nhiều so với dự báo chính thức hơn 6% của nước này. Sản lượng ở Ấn Độ sẽ tăng 12.5% trong năm tài khóa đến tháng 3/2022.

IMF ghi nhận đóng góp của các kích thích kinh tế liên tục từ chính phủ và việc triển khai vaccine cho các dự báo tăng trưởng mạnh hơn. Họ cho rằng giá tiêu dùng có thể biến động, nhưng không dự kiến lạm phát cao sẽ bắt nguồn từ tăng trưởng lương yếu và tỷ lệ thất nghiệp.

Tuy nhiên, IMF cảnh báo "mức độ không chắc chắn cao quanh" các dự báo của họ, phản ánh một loạt những diễn tiến có thể có của virus corona. "Tiến bộ lớn hơn trong tiêm chủng có thể nâng cao dự báo, trong khi các biến thể virus mới trốn tránh vaccine có thể khiến dự báo giảm mạnh."

Dù các nền kinh tế tiên tiến bị ảnh hưởng nặng nề hơn những quốc gia đang phát triển trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, IMF dự kiến điều ngược lại sẽ đúng trong đại dịch. Nhóm cũng cho biết những người trẻ tuổi, phụ nữ và lao động trình độ thấp hơn có nhiều khả năng bị mất việc làm do virus corona hơn.

Theo ông Gopinath: “Một khi cuộc khủng hoảng sức khỏe kết thúc, các nỗ lực chính sách có thể tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng những nền kinh tế kiên cường, đồng đều và xanh hơn, để thúc đẩy phục hồi và nâng cao sản lượng tiềm năng.”

Dù kích thích đã giúp bảo vệ nền kinh tế và hệ thống tài chính, điều này cũng khuyến khích các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro quá mức và đẩy giá tài sản lên, IMF cảnh báo trong một báo cáo riêng. Nếu lãi suất tăng mạnh để phản ứng với lạm phát, điều đó có thể khiến các điều kiện tài chính thắt chặt hơn.

Hậu quả sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến các thị trường đang phát triển và những quốc gia nghèo hơn.

IMF cho biết: “Có một rủi ro là các điều kiện tài chính ở các nền kinh tế thị trường mới nổi có thể thắt chặt rõ rệt, đặc biệt nếu các nhà hoạch định chính sách ở những nền kinh tế tiên tiến thực hiện các bước hướng tới bình thường hóa chính sách.”

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1