Thị trường Thứ sáu, 30/08/2019, 14:01 GMT+7
Xuất khẩu lao dốc đẩy kinh tế Đức đến bờ suy thoái

Xuất khẩu lao dốc đã đẩy nền kinh tế lớn thứ hai của châu Âu đến bờ suy thoái trong quý hai.

ag30 german

Trong dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ít nhất phần nào là nguyên nhân cho tình trạng suy giảm sản xuất ngày càng sâu sắc của Đức, các chuyến hàng đi nước ngoài giảm 1.3%, nhiều nhất trong hơn sáu năm. Điều này khiến tổng sản lượng kinh tế giảm – lần thứ hai trong năm qua.

Gánh nặng thương mại

Thương mại toàn cầu yếu hơn và biến động trong ngành công nghiệp Đức đang kéo kinh tế Đức sâu hơn vào rắc rối, với hệ quả tác động lên cả nền kinh tế khu vực đồng euro. Niềm tin doanh nghiệp lao dốc và các cảnh báo từ một số công ty lớn nhất của nước này đang gia tăng quan ngại về triển vọng và gây áp lực để Thủ tướng Angela Merkel đưa ra kích thích tài khóa.

Tổn thất từ cuộc xung đột thương mại do Hoa Kỳ gây ra có thể sớm tăng thêm. Đầu tháng này, Tổng thống Donald Trump đe dọa áp thuế lên ô tô nhập khẩu châu Ấu và cho rằng EU còn “tệ hơn Trung Quốc.” Trong nỗ lực tháo ngòi căng thẳng, bà Merkel cho biết bà muốn EU bắt đầu các đàm phán thương mại với Hoa Kỳ.

Khoản giảm 0.1% trong quý hai phù hợp với ước tính ban đầu trước đó trong tháng này. Thương mại ròng giảm 0.5 điểm phần trăm so với tổng sản lượng, bù qua các khoản tăng trong tiêu thụ tư nhân và chính phủ. Xây dựng giảm sau khi tăng mạnh hồi đầu năm, và đầu tư cũng giảm nhẹ.

Đồng euro không đổi nhiều sau báo cáo và giao dịch ở mức $1.1110 lúc 9:28 a.m. giờ Frankfurt. Các kỳ vọng Ngân hàng trung ương châu Âu sẽ phản ứng với tình trạng suy giảm trên khắp khu vực đồng euro đẩy đồng tiền chung xuống thấp hơn và đẩy giá trái phiếu lên. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức đã ở dưới mức zero trong bốn tháng qua.

Triển vọng đi xuống

Các công ty Đức trong đó có Henkel và Continental cho rằng triển vọng yếu hơn là do thương mại và tình hình địa chính bất ổn. Nhiều công ty nhấn mạnh đến những khó khăn trong dự đoán triển vọng thu nhập.

Ngoài thách thức này, yếu kém trong sản xuất bắt đầu lan sang những ngành khác, theo Clemens Fuest, chủ tịch viện Ifo của Đức. Viện nghiên cứu này quan sát được chỉ số niềm tin doanh nghiệp xuống mức yếu nhất trong gần bảy năm trong tháng Tám. Biểu hiện đáng thất vọng của nền kinh tế càng gia tăng thêm các kêu gọi kích thích tài khóa. Trong khi bộ tài chính đang nghiên cứu các lựa chọn – để triển khai trong trường hợp cuộc khủng hoảng xấu đi – cho đến nay, chính phủ vẫn bảo vệ chính sách ngân sách cân bằng.

Dù chi tiêu tư nhân vẫn mạnh nhờ thị trường lao động vững chắc, Bundesbank cảnh báo về một phản ứng cảm tính trước một đợt suy thoái vì nhu cầu bên ngoài sau nhiều năm tăng trưởng mạnh.

Jens Weidmann, chủ tịch tổ chức, nhấn mạnh “không có lý do gì để hoảng sợ.” Ông cũng muốn làm giảm các kỳ vọng về một gói lớn các biện pháp từ ECB, phản đối một đợt nới lỏng tiền tệ mới.

Các nhà hoạch định chính sách sẽ họp vào ngày 12/9 và được nhiều người dự kiến ít nhất sẽ giảm lãi suất tiền gửi sâu hơn xuống dưới zero.

Phong Lữ lược dịch
Theo Bloomberg

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1