Doanh nghiệp Thứ ba, 04/05/2021, 13:22 GMT+7
Trung Quốc 'không còn lựa chọn nào khác' ngoài việc dựa vào điện than vào lúc này

Trung Quốc có những mục tiêu đầy tham vọng trong cắt giảm lượng khí thải, nhưng họ sẽ không từ bỏ điện than ngay vì vẫn chú ý đến các mục tiêu kinh tế.

m4 china

Hồi tháng Chín, Chủ tịch Trung Quốc,Tập Cận Bình, cho biết lượng khí thải carbon của Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm đến năm 2030 và nước này sẽ đạt được mức trung hòa carbon đến năm 2060 - trong bốn thập kỷ.

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách đang làm rõ tăng trưởng kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu - và tăng trưởng đó phụ thuộc phần lớn vào điện than. Bắc Kinh đặt mục tiêu GDP 6% trong năm nay, mức các nhà phân tích cho rằng sẽ cho phép các nhà chức trách giải quyết các vấn đề dài hạn như mức nợ cao.

“Cơ cấu năng lượng của Trung Quốc bị chi phối bởi điện than. Đây là một thực tế khách quan,” theo Su Wei, Phó tổng thư ký của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cho biết sau các nhận xét riêng biệt của ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu của các lãnh đạo toàn cầu.

“Vì các nguồn năng lượng tái tạo như gió và năng lượng mặt trời không liên tục và ổn định, chúng tôi phải dựa vào một nguồn năng lượng ổn định,” ông Su nói. “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Trong một khoảng thời gian, chúng tôi có thể cần sử dụng điện than để điều chỉnh linh hoạt.”

Ông nói thêm rằng than đá luôn sẳn có, trong khi năng lượng tái tạo cần phát triển hơn nữa ở Trung Quốc.

Cấp vốn cho điện than bên ngoài Trung Quốc

Khi được hỏi liệu Bắc Kinh có thể theo sau Hàn Quốc cam kết ngừng tài trợ công cho các nhà máy chạy bằng than ở nước ngoài hay không, Bộ sinh thái Trung Quốc tỏ dấu hiệu Trung Quốc sẽ tiếp tục cấp vốn cho điện than ở các nước đang phát triển.

“Trung Quốc đã hỗ trợ một số nước đang phát triển trong việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài,” theo Li Gao, giám đốc bộ phận biến đổi khí hậu của Bộ. "Trung Quốc cung cấp hỗ trợ này tùy theo tình hình địa phương."

Ông nói: “Nhiều nước đang phát triển thậm chí không có điện. Trong tình huống này, nếu không sử dụng than, ta sẽ dùng cái gì?"

Theo Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu của Đại học Boston, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc tính chung cấp 474 triệu USD cho các dự án ngành than bên ngoài Trung Quốc chỉ trong năm 2020.

Tuy nhiên, cùng một báo cáo cho thấy nguồn tài chính của Trung Quốc cho các dự án năng lượng bên ngoài biên giới đã giảm đều đặn kể từ năm 2016.

Ông Li cho biết than đá chiếm 56.8% sản lượng năng lượng nội địa của Trung Quốc trong năm 2020, giảm so với 72.4% 15 năm trước. Theo Union of Concerned Scientists, một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập tại MIT, năm ngoái Trung Quốc là quốc gia thải carbon dioxide nhiều nhất thế giới. Hoa Kỳ đứng thứ hai và Ấn Độ đứng thứ ba. 

Trong hội nghị thượng đỉnh khí hậu vào tuần trước, ông Tập đã kêu gọi hợp tác quốc tế trong việc giảm lượng khí thải carbon, đồng thời nói thêm các quốc gia khác nhau nên đóng những vai trò khác nhau trong việc giảm thiểu đó. Ông không nêu tên cụ thể bất kỳ quốc gia nào.

Ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ “kiểm soát chặt chẽ các dự án phát điện bằng than” và hạn chế tăng tiêu thụ than trong năm năm tới. Ông cho biết việc cắt giảm sẽ diễn ra trong năm năm sau đó.

Hệ thống 'nghiêng về sản xuất nhiệt điện than'

Các nhà chức trách Trung Quốc đã thắt chặt các hạn chế đối với lượng khí thải carbon trong năm nay theo một cách có mục tiêu, chẳng hạn như kêu gọi cắt giảm sản lượng tại trung tâm luyện thép ở thành phố Đường Sơn.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang tăng cường xây dựng các nhà máy nhiệt điện than. Phân tích của Global Energy Monitor có trụ sở tại Mỹ cho thấy năm ngoái Trung Quốc đã xây dựng nhiều gấp ba lần công suất điện than mới so với phần còn lại của thế giới cộng lại.

Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ than lớn nhất thế giới. Cuối năm ngoái, một số vùng của nước này cho rằng tình trạng thiếu than làm hạn chế việc sử dụng điện tại địa phương, do nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Theo số liệu chính thức, việc sử dụng điện của Trung Quốc đã tăng 3.1% vào năm ngoái.

Trong một báo cáo vào tháng trước, các nhà phân tích của China Renaissance cho biết, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nhiên liệu chứa nhiều carbon trong tiêu thụ năng lượng quốc gia xuống 20% đến năm 2025. Nhưng họ lưu ý chi phí năng lượng tái tạo giảm không đủ để khuyến khích một sự chuyển dịch ngành lớn.

Báo cáo cho biết: “Chúng tôi tin rằng hệ thống hiện tại nghiêng nhiều về việc phát điện bằng than, một phần vì nó ổn định và ít biến động hơn so với năng lượng gió và mặt trời.” Việc tiếp cận thị trường không chắc chắn đã làm chậm lại đầu tư vào năng lượng tái tạo. Với sức mạnh của than đá và lợi ích xây dựng, những cải cách cần thiết có thể sẽ cần ý chí chính trị đáng kể.”

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNBC

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1