Doanh nghiệp Thứ tư, 02/06/2021, 09:37 GMT+7
Các nhà máy ở châu Á tiếp tục tăng trưởng, khó khăn từ chuỗi cung ứng làm u ám triển vọng

Các khảo sát cho thấy hoạt động của nhà máy ở châu Á tiếp tục tăng trưởng trong tháng Năm nhờ nhu cầu toàn cầu đang phục hồi, dù chi phí nguyên liệu thô tăng và những hạn chế trong chuỗi cung ứng làm u ám triển vọng.

jn2 factory

Các nhà phân tích cho rằng các ca nhiễm COVID-19 gia tăng đột biến ở các nước như Đài Loan và Việt Nam có thể làm gián đoạn sản lượng bán dẫn và các chuỗi cung ứng, khiến các nhà sản xuất đau đầu và gây áp lực lên sự phục hồi nhờ vào xuất khẩu của châu Á.

Nhật Bản và Hàn Quốc ghi nhận hoạt động nhà máy tăng trưởng ở mức trung bình trong tháng Năm, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) nhấn mạnh bản chất mong manh của sự phục hồi tại những nước này.

Theo Toru Nishihama, trưởng kinh tế của Dai-ichi Life: "Các biến thể mới lây lan đang có tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng. Nếu tình trạng này kéo dài, nó sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất châu Á đang muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc.”

Ông nói: "Sự phục hồi của châu Á được thúc đẩy bởi nhu cầu bên ngoài nhiều hơn là trong nước. Nếu các công ty gặp khó khăn trong việc xuất khẩu đủ hàng hóa, đó sẽ là điềm gở cho các nền kinh tế trong khu vực."

Hoạt động nhà máy của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong năm nay trong tháng Năm do nhu cầu tăng cao trong và ngoài nước, dù giá đầu vào tăng mạnh và các căng thẳng trong chuỗi cung ứng đã cản trở hoạt động sản xuất của một số công ty, một khảo sát cho thấy hôm thứ Ba.

Chỉ số PMI Sản xuất Caixin / Markit, tập trung vào những công ty nhỏ hơn, đã tăng lên 52.0 trong tháng trước, cao nhất kể từ tháng 12 và nhích lên từ 51.9 hồi tháng Tư.

Cuộc khảo sát theo sau chỉ số PMI chính thức của Trung Quốc vào thứ Hai, cho thấy hoạt động của nhà máy ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chậm lại một ít trong tháng Năm do chi phí nguyên liệu thô tăng.

Các nhà máy ở Đài Loan và Việt Nam cho đến nay vẫn giữ vững dù ca nhiễm gia tăng. Chỉ số PMI của Đài Loan đứng ở mức 62.0 trong tháng Năm, chậm lại so với tháng Tư nhưng vẫn duy trì trên mốc 50, mốc phân biệt giữa tăng trưởng và suy giảm.

PMI của Việt Nam cũng duy trì trên 50 ở mức 53.1 trong tháng Năm, dù chậm lại so với mức 54.7 trong tháng Tư.

Chỉ số au Jibun Bank Japan Manufacturing PMI cuối đã giảm xuống 53.0 sau khi được điều chỉnh theo mùa trong tháng Năm so với 53.6 của tháng trước, nhưng cao hơn mức sơ bộ 52.5.

Tình trạng thiếu chip toàn cầu và gián đoạn chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng đến sản xuất ô tô, khiến tăng trưởng sản lượng của Nhật Bản không được như kỳ vọng trong tháng Tư.

Hãng thông tấn Kyodo hôm thứ Ba, 1/6, đưa tin hai ông lớn ô tô Nhật Bản là Toyota Motor và Honda Motor đã ngừng sản xuất tại Malaysia do các biện pháp phong tỏa được áp dụng để chống đại dịch.

Dữ liệu riêng biệt được công bố hôm thứ Ba cho thấy các công ty Nhật Bản đã giảm chi tiêu cho nhà máy và thiết bị trong quý thứ tư liên tiếp từ tháng Một đến tháng Ba, khi nền kinh tế phải vật lộn để thoát khỏi lực cản từ đại dịch virus corona.

Chỉ số PMI của Hàn Quốc ở mức 53.7 trong tháng Năm, chậm lại so với tháng Tư nhưng tiếp tục tăng trưởng sang tháng thứ tám liên tiếp.

Tuy nhiên, cuộc khảo sát cho thấy chỉ số đo lường giá đầu vào đã tăng lên các mức cao nhất trong hơn 13 năm, dấu hiệu cho thấy các công ty Hàn Quốc đang phải đối mặt với gánh nặng chi phí gia tăng.

Khánh Lâm lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1