Doanh nghiệp Thứ tư, 26/05/2021, 14:13 GMT+7
Căng thẳng về quyền tài nguyên Bắc Cực tăng cao khi Nga nắm vai trò lãnh đạo

Một cuộc khẩu chiến giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của Nga và Mỹ trong tuần này là dấu hiệu mới nhất cho thấy căng thẳng gia tăng giữa những siêu cường đang chạy đua để chiếm các nguồn tài nguyên đã trở nên dễ tiếp cận hơn ở Bắc Cực do biến đổi khí hậu.

m26 arctic

Các bộ trưởng tập trung tại thủ đô Reykjavik của Iceland cho cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực không phải để thảo luận về an ninh. Nhưng vấn đề này đã chi phối các cuộc trò chuyện bên lề sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh rằng Bắc Cực “là vùng đất của chúng ta và vùng biển của chúng ta.”.

"Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những gì đang diễn ra gần biên giới của chúng tôi," ông Lavrov nói sau khi các nhà báo hỏi nước Nga nhận định như thế nào khi hoạt động quân sự của Mỹ gia tăng trong khu vực. "Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh của chúng tôi, nhưng ưu tiên của chúng tôi là đảm bảo đối thoại."

Tại hội nghị thượng đỉnh tuần này, đánh dấu việc Iceland bàn giao chức chủ tịch Hội đồng Bắc Cực cho Nga trong hai năm tới, hầu hết các đại diện kêu gọi cơ quan gồm tám quốc gia tiếp tục tập trung vào hợp tác hòa bình. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lavrov tỏ dấu hiệu Nga có thể có cách tiếp cận khác.

“Trong hai năm tới, chúng tôi sẽ tạo điều kiện thích hợp để an ninh là một phần công việc của Hội đồng Bắc Cực,” ông nói. “Chúng tôi tin tưởng có thể phục hồi cơ chế này nếu chúng tôi quyết định như thế.”

Bắc Cực là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và đang ấm lên nhanh hơn gấp đôi so với phần còn lại của thế giới. Băng từng bao phủ các vùng biển của khu vực trong hầu như cả năm đang co lại và mỏng dần. Điều đó sẽ mở ra các tuyến vận chuyển mới và tạo ra triển vọng tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn tài nguyên từng bị mắc kẹt ở đây như khí đốt tự nhiên, dầu và khoáng sản.

Các siêu cường trong đó có Nga đang chạy đua để tuyên bố sở hữu những tài nguyên này, khiến sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn dẫn đến một loạt các cuộc đối đầu.

Năm ngoái, máy bay Nga đã quấy nhiễu các tàu đánh cá Mỹ ở phía bắc biển Bering trong một cuộc tập trận quân sự. Vào tháng Hai, Mỹ lần đầu tiên triển khai các máy bay ném bom tới Na Uy, tăng cường sự hiện diện của nước này trong khu vực và hai nước đã ký một thỏa thuận mới vào tháng Tư để thúc đẩy hợp tác quân sự.

“Bắc Cực với tư cách là một khu vực cạnh tranh chiến lược đã thu hút sự chú ý của thế giới, nhưng Bắc Cực còn hơn cả một khu vực quan trọng về mặt chiến lược hay kinh tế,” Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực. "Điển hình của Bắc Cực đã và vẫn phải là hợp tác hòa bình."

Hội đồng, gồm tám quốc gia Bắc Cực - Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Hoa Kỳ - cũng như các dân tộc bản địa, không có nghĩa vụ giải quyết các vấn đề an ninh. Những điều này đã từng được đàm phán tại một Hội nghị bàn tròn Lực lượng An ninh Bắc Cực riêng lẻ, nhưng Nga đã bị loại khỏi diễn đàn đó, cũng như bị loại khỏi Nhóm 8 nền kinh tế tiên tiến, sau khi sáp nhập Crimea từ Ukraine năm 2014.

Khu vực này không có lịch sử xung đột quân sự vì rất khó tiếp cận và khí hậu khắc nghiệt khiến việc bố trí binh lính rất khó khăn. Điều này đã thay đổi khi băng tan và các quốc gia cố gắng có được chỗ đứng trong khu vực, theo Kate Guy, thành viên cấp cao tại Hội đồng về Rủi Ro Chiến Lược, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington.

Bắc Cực là nơi có khoảng 30% trữ lượng khí đốt chưa được phát hiện nhưng có thể khai thác của thế giới và 13% trữ lượng dầu chưa được phát hiện, theo một báo cáo do Guy đồng tác giả công bố tuần này. Hoạt động vận chuyển tư nhân đã tăng 25% trong những năm gần đây. Báo cáo cho thấy việc có thêm tàu chở dầu và tàu đánh cá trong vùng biển có thể dẫn đến nhiều tai nạn hơn, với các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn thường do quân đội thực hiện.

Nga đang làm cho cái gọi là Tuyến đường Biển Phương Bắc, chạy dọc bờ biển Bắc Cực, trở thành một phần quan trọng trong chiến lược thúc đẩy xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Á. Đồng thời, Trung Quốc đã tỏ dấu hiệu quan tâm đến các đảo nhỏ như Svalbard, Guy nói.

Các lực lượng vũ trang cũng đang nâng cấp các cơ sở của họ trong khu vực khi băng vĩnh cửu, phần đất đóng băng bao phủ phần lớn đất Bắc Cực, đang tan đi. Theo báo cáo, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã yêu cầu hơn 1 tỷ USD để trang bị thêm và sửa chữa ba căn cứ ở Alaska trong năm năm qua.

James Stotts, chủ tịch của Hội đồng Inuit Circumpolar ở Alaska, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh: “Chúng tôi lo ngại về mức độ của những lời lẽ hằn học và khiêu khích gần đây. Chúng tôi không muốn thấy quê hương của mình bị biến thành một khu vực cạnh tranh và xung đột, chúng tôi không muốn thấy thế giới của chúng tôi bị xâm lấn bởi những vấn đề của người khác.”

Khánh Lâm lược dịch
Theo World Oil

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1