Trung Đông đã trở thành cơn ác mộng đối với các hãng hàng không |
Căng thẳng leo thang giữa Hoa Kỳ và Iran đang khiến các hãng hàng không gặp khó khăn nhiều hơn khi bay qua Trung Đông, khu vực lưu thông đông đúc với một loạt không phận đã bị cấm vì các tranh chấp chính trị hoặc chiến tranh. Vấn đề mới nhất đối với ngành hàng không toàn cầu xảy ra vào thứ Năm khi Iran bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Mỹ, khiến Cục Hàng không Liên Bang Mỹ cấm các hãng hàng không Mỹ bay qua một số khu vực của Vịnh Oman và Vịnh Ba Tư. Cơ quan Mỹ cho biết trong một khuyến cáo họ quan ngại về “các hoạt động quân sự dâng cao và căng thẳng chính trị gia tăng” trong khu vực sau khi Iran sử dụng tên lửa đất đối không để bắn hạ máy bay không người lái “khi máy bay này đang hoạt động trong vùng phụ cận các tuyến hàng không quân sự.” FAA đã chỉ đạo các hãng hàng không Mỹ không bay trên một số vùng nước thuộc Vùng Thông tin bay Tehran. Các hãng không nhanh chóng hành động. United Airlines hủy tuyến giữa Ấn Độ và Newark đến ngày 1/9, trong khi các hãng như Qantas, British Airways, KLM và Lufthansa cho biết họ sẽ tuân thủ các hạn chế, nghĩa là có một số thay đổi tuyến đối với một số chuyến bay đến các trung tâm lớn ở Dubai, Doha và Abu Dhabi, cũng như đối với những máy bay trung chuyển trong khu vực trên các tuyến đến và đi châu Á. Tình hình đặt biệt phức tạp đối với Emirates, Etihad và Qatar Airways, những hãng khai thác nhiều chuyến bay dài từ những sân bay trung tâm dọc Vịnh Ba Tư. Vào thứ Sáu, Emirates cho biết họ đã chuyển hướng tất cả các chuyến bay “khỏi các khu vực có khả năng xảy ra xung đột” và sẽ thực hiện thay đổi thêm nếu cần thiết. Etihad cho biết an toàn là trên hết và hãng đã “đồng ý thay đổi một số tuyến bay đến và đi Vịnh Arab.” Chi phí và nguy cơ gia tăng Đối với các hãng hàng không thương mại và các hãng chở hàng, những hạn chế bay nghĩa là phải đi đường vòng, tốn thêm thời gian và tiền bạc. Và không nơi nào sự gián đoạn lại rõ ràng hơn Trung Đông. Các hãng hàng không đã tránh bay qua Syria trong nhiều năm, tránh rõ xa vùng không phận do máy bay quân sự tuần tra. Nhưng ở nhiều điểm, họ cũng tránh một số khu vực ở Iran và Iraq. Cuộc nội chiến đã khiến việc bay qua Yemen bị cấm và một tên lửa do phiến quân Houthi bắn đã đánh sập một sảnh sân bay ở Saudi Arabia trong tháng này. Các hãng hàng không cũng tránh vùng Bắc Sinai, nơi Ai Cập đang chiến đấu với quân Hồi giáo. “Trung Đông chưa bao giờ phức tạp như thế này đối với các hãng hàng không,” theo Mark Zee, nhà sáng lập OpsGroup, một tổ chức giám sát không phận cho các hãng hàng không và các bên kiểm soát không lưu thành viên. “Nơi này thậm chứ còn phức tạp hơn trong sáu tháng qua. Nhìn đâu bạn cũng thấy một tuyến bị loại bỏ.” Dù vậy, một số lớn chuyến bay từ các sân bay châu Âu như London, Amsterdam và Frankfurt vẫn phải đi qua Trung Đông trên đường đến các điểm đến châu Á như Bangkok và Singapore. “Lưu thông cực lớn và không có nhiều lựa chọn thay thế,” ông Zee nói. Những dặm bay bổ sung nhằm tránh các điểm xung đột đồng nghĩa với chi phí cao hơn cho các hãng hàng không, vốn tính chung đã chi 180 tỷ USD/năm cho nhiên liệu máy bay. Thêm một giờ trên không, lặp đi lặp lại suốt năm, nghĩa là thêm hàng triệu dollar cổ phiếu. Đó là chưa kể đến thời gian hành khách phải mất thêm để thực hiện các chuyến đi của mình. Ông Zee nói đến ví dụ về các chuyến bay giữa Amsterdam và New Delhi để minh họa cho tác động này. Các chuyến bay giữa hai thành phố thường bay qua Pakistan, nhưng nhiều chuyến đã phải bay quanh nước này vì các cuộc giao tranh vũ trang với Ấn Độ. Tuy nhiên Iran cũng nằm dọc đường bay này, nghĩa là hiện có thể cần một đường bay thay thế thứ hai. Bài học từ chuyến bay MH17 Máy bay Malaysia Airlines Flight 17 bị bắn hạ năm 2014 khiến các hãng hàng không và cơ quan quản lý xem xét lại độ an toàn khi bay qua các khu vực có xung đột. Trong trường hợp đó, 298 người đã chết khi máy bay bị một tên lửa bắn hạ khi bay ngang khu vực thuộc miền đông Ukraine do những người ly khai thân Nga chiếm giữ. Một số hãng hàng không đã xác định sẽ có rủi ro khi bay qua khu vực này, và đã tránh đi khi MH17 bị bắn hạ. Nhưng thông tin được chia sẽ quá ít ỏi giữa các hãng hàng không, cơ quan quản lý và các chính phủ nghĩa là một số hãng vẫn tiếp tục có các chuyến bay qua miền đông Ukraine. Ngành hàng không hiện đang áp dụng một số bài học rút ra từ thảm họa này Trong một lưu ý gửi các hãng hàng không vào thứ Năm, FAA cho biết các ứng dụng theo dõi chuyến bay cho biết máy bay dân dụng gần nhất cách máy bay không người lái của Mỹ trong vòng 45 dặm khi máy bay không người lái bị nhắm mục tiêu. Hệ thống tên lửa Iran sử dụng có khả năng đạt độ cao 60,000 feet, gần gấp hai lần độ cao hành trình của nhiều máy bay thương mại. “FAA vẫn rất quan ngại về việc leo thang căng thẳng và các hoạt động quân sự trong khu vực gần các tuyến bay dân sự có mật độ lưu thông cao,” FAA cảnh báo. “Có quan ngạivề khả năng xác định hoặc tính toán sai có thể dẫn đến vô tình nhắm vào các chuyến bay dân dụng.” Đã từng có tình trạng tính toán nhầm. Năm 1988, một tên lửa phóng từ một tàu chiến Mỹ bắn vào máy bay Iran Air Flight 655, khiến 290 người thiệt mạng. Ông Zee cho biết hành động nhanh chóng của các cơ quan quản lý và hãng hàng không trong tuần này có thể ngăn chặn thêm một thảm họa. “Trong vòng 24 giờ, chúng tôi đã có một loạt hãng hàng không lớn dừng bay qua khu vực này,” ông nói. “Nếu có phần nào tốt trong việc này, đó là cách thức các hãng hàng không nhanh chóng đưa ra quyết định dựa trên vấn đề rủi ro để tránh không phận này.” Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|