Tài chính Thứ tư, 19/01/2022, 12:55 GMT+7
Ông Tập Cận Bình kêu gọi phương Tây không 'hãm phanh' bằng cách tăng lãi suất quá nhanh

Trung Quốc đang kêu gọi các ngân hàng trung ương ở phương Tây không tăng lãi suất quá nhanh để chống lạm phát vì nước này đi theo hướng khác để chống tình trạng suy giảm kinh tế nghiêm trọng.

j19 bank

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Hai đã kêu gọi các nền kinh tế lớn trên thế giới thúc đẩy tăng trưởng bằng cách phối hợp các chính sách của họ khi thế giới tiếp tục nỗ lực ra khỏi tình trạng hỗn loạn do đại dịch virus corona gây ra.

"Các chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Giá hàng hóa tiếp tục tăng. Nguồn cung năng lượng vẫn eo hẹp. Những rủi ro này kết hợp với nhau và làm tăng sự không chắc chắn về phục hồi kinh tế", ông Tập nói với những người tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2022 trong một bài phát biểu trực tuyến

Ông cảnh báo về tác động của việc tăng lãi suất quá nhanh và cho rằng những biện pháp như thế có thể đe dọa ổn định tài chính toàn cầu.

“Nếu các nền kinh tế lớn hãm phanh hoặc quay đầu trong chính sách tiền tệ của mình, sẽ có những tác động tiêu cực nghiêm trọng. Chúng sẽ thách thức ổn định kinh tế và tài chính toàn cầu, và các nước đang phát triển sẽ phải gánh chịu gánh nặng của nó," ông Tập nói.

Nhiều nhà hoạch định chính sách toàn cầu đang vật lộn với áp lực lạm phát gia tăng và bắt đầu kết thúc các kế hoạch kích thích thời đại dịch.

Tháng trước, Cục Dự trữ Liên bang tỏ dấu hiệu họ có thể tăng lãi suất ba lần trong năm 2022, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu tuyên bố sẽ kết thúc chương trình mua trái phiếu thời kỳ khủng hoảng trong tháng Ba. Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất vào tháng trước, trở thành ngân hàng lớn đầu tiên làm vậy kể từ khi đại dịch bắt đầu. Các ngân hàng trung ương ở Đông Âu và Mỹ Latinh cũng đã mạnh tay tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát.

Nhưng Trung Quốc - nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm 2020 - đang có một cách giải quyết khác khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và phải vật lộn với những thách thức trong việc duy trì động lực trong khi giữ vững chiến lược zero-Covid, một chính sách nghiêm ngặt phong tỏa các khu vực để ngăn chặn các đợt bùng phát, điều khiến Trung Quốc bị cô lập với phần lớn thế giới.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã nới lỏng hầu bao của mình để giữ cho mọi thứ hoạt động suôn sẻ.

Vào thứ Hai, ngân hàng trung ương đã hạ lãi suất cơ bản lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020. Tháng trước, ngân hàng này đã hạ cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc - xác định lượng tiền mặt các ngân hàng phải dự trữ - và lãi suất cơ bản cho vay, một tỷ lệ theo đó các ngân hàng thương mại cho những khách hàng tốt nhất của họ vay và dùng làm tỷ lệ chuẩn cho các khoản cho vay khác.

Các biện pháp mới nhất của Bắc Kinh được đưa ra khi nước này cho biết nền kinh tế đã tăng trưởng 8.1% trong năm 2021. Dù con số này vượt xa các mục tiêu của chính phủ, nhưng tăng trưởng đã chậm lại một nửa trong quý cuối cùng của năm và dự kiến sẽ còn chật vật hơn do Covid và cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc.

Các nhà kinh tế chính phủ ở Trung Quốc đã cảnh báo về tác động lan tỏa do Fed tăng lãi suất.

Theo Zhu Baoliang, trưởng kinh tế tại Trung tâm Thông tin Nhà nước Trung Quốc - cơ quan tư vấn chính sách của chính phủ, nước này cần theo dõi và có khả năng sẽ ngăn bất kỳ cuộc khủng hoảng tài chính nào do Fed tăng lãi suất.

"Trong lịch sử, việc Fed tăng lãi suất đã nhiều lần gây ra khủng hoảng kinh tế và tài chính ở các nước khác," ông Zhu nói, và nói thêm sự mất cân bằng có thể khiến dòng vốn nước ngoài tháo chạy khỏi Trung Quốc.

Các khoản đầu tư toàn cầu đã đổ vào trái phiếu Trung Quốc trong năm qua, khi các nhà đầu tư săn đuổi lợi nhuận tương đối hấp dẫn trên thị trường nước này. Dòng vốn mạnh mẽ góp phần vào biểu hiện cực tốt của đồng nhân dân tệ, vốn là một trong những đồng tiền hoạt động tốt nhất trong năm 2021.

Ông Zhu cũng kêu gọi chú ý đến thị trường trái phiếu bằng dollar cho các công ty Trung Quốc, thị trường theo ông đã phát triển nhanh chóng. Nhiều công ty trong ngành bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc nắm giữ trái phiếu mệnh giá dollar; nếu những trái phiếu này thậm chí còn trở nên đắt hơn để hoàn vốn, điều đó có thể gây thêm nhiều vấn đề đau đầu hơn.

Và Yang Shuiqing - một nhà nghiên cứu từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một tổ chức tư vấn hàng đầu của chính phủ - cho rằng việc Fed tăng lãi suất cũng có thể làm chậm nhu cầu ở Hoa Kỳ, do đó ảnh hưởng đến xuất khẩu từ Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo chính sách thắt chặt tiền tệ đột ngột ở Hoa Kỳ hoặc châu Âu có thể gây ra bất ổn kinh tế ở các nền kinh tế đang phát triển.

IMF viết trong một blog vào tuần trước: “Các nền kinh tế mới nổi nên chuẩn bị cho những đợt nhiễu loạn kinh tế tiềm tàng” do Fed thắt chặt chính sách nhanh hơn.

Theo IMF tâm lý về tăng trưởng kinh tế và lạm phát đã thay đổi ở Hoa Kỳ khi giá tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 4 thập kỷ.

Trong khi đó, sự phục hồi kinh tế ở các nước mới nổi không mạnh mẽ, và những nơi này đang phải đối mặt với "nợ công cao hơn đáng kể."

"Việc Fed tăng lãi suất nhanh hơn để phản ứng với lạm phát có thể làm rung chuyển thị trường tài chính và thắt chặt các điều kiện tài chính trên toàn cầu", IMF cho biết, đồng thời cảnh báo nhu cầu và giao thương từ Hoa Kỳ chậm lại và ảnh hưởng của điều này đối với các nền kinh tế đang phát triển, vốn dựa vào xuất khẩu sang người tiêu dùng Mỹ.

Tháng Sáu năm ngoái, các nhà kinh tế của Fed đã viết rủi ro tràn sang các thị trường mới nổi phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm các điều kiện trong các khu vực đó và mức độ dễ bị tổn thương và nhạy cảm của họ với lãi suất cao hơn của Mỹ.

Phong Lữ lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1