Tài chính Thứ sáu, 21/01/2022, 13:02 GMT+7
Lạm phát của Nhật dao động quanh mức cao nhất trong 2 năm

Giá tiêu dùng cốt lõi của Nhật Bản tăng 0.5% trong tháng 12 so với một năm trước, tăng tháng thứ hai liên tiếp với tốc độ nhanh nhất trong gần hai năm, một dấu hiệu áp lực lạm phát lan rộng từ việc tăng chi phí nhiên liệu và nguyên vật liệu.

j21 jap

Đợt tăng lạm phát gần đây thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), một số người trong số họ cho biết các công ty có thể bắt đầu tích cực hơn trong việc chuyển chi phí cao hơn sang người tiêu dùng, theo biên bản cuộc họp ấn định lãi suất tháng 12 của BOJ.

"Khó có khả năng mức lương ở Nhật Bản sẽ tăng mạnh như ở Hoa Kỳ. Nhưng rất có khả năng tăng trưởng kinh tế và lạm phát có thể vượt quá kỳ vọng," theo một thành viên hội đồng BOJ.

Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (CPI), không bao gồm giá thực phẩm tươi sống dễ biến động nhưng bao gồm chi phí năng lượng, tăng thấp hơn một chút so với dự báo tăng 0.6% của thị trường, phù hợp với mức tăng 0.5% trong tháng 11, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 2/2020.

Tuy nhiên, đợt tăng này không có khả năng khiến BOJ rút ngay biện pháp kích thích tiền tệ, khi lạm phát vẫn còn xa mục tiêu 2% và chủ yếu do các yếu tố bên ngoài tác động chứ không phải do nhu cầu trong nước mạnh.

Nhưng ngân hàng trung ương sẽ phải đối mặt với thách thức kiềm chế suy đoán của thị trường về việc sớm thoát khỏi chính sách cực kỳ nới lỏng, vì một số nhà phân tích dự kiến  lạm phát tiêu dùng sẽ đạt 2% khi lực cản từ việc cắt giảm phí điện thoại kết thúc vào tháng Tư.

Lạm phát leo thang cũng có thể ảnh hưởng đến tiêu dùng tại thời điểm số ca nhiễm biến thể Omicron tăng mạnh và ngày càng có nhiều người ở nhà để an toàn làm u ám viễn cảnh phục hồi kinh tế mong manh của Nhật.

Dữ liệu CPI cho thấy hóa đơn tiền điện tăng 13.4% trong tháng 12 so với một năm trước đó, nhanh nhất kể từ năm 1981, bên cạnh chi phí xăng dầu tăng đến 22.4%.

Biên bản của BOJ dẫn lời một thành viên hội đồng quản trị cho biết: “Chúng tôi nhận thấy các dấu hiệu thay đổi trong hành vi ấn định giá của các công ty Nhật Bản, vốn được cho là thận trọng trong việc tăng giá vì sợ doanh số bán giảm.”

Nhật Bản đã không tránh khỏi tác động của lạm phát hàng hóa toàn cầu với giá bán buôn tăng kỷ lục, thúc đẩy thêm nhiều công ty tăng giá và làm thay đổi nhận thức của công chúng rằng giảm phát sẽ kéo dài.

BOJ đã nâng dự báo giá của mình vào thứ Ba nhưng cho biết họ không vội vàng thay đổi chính sách cực kỳ nới lỏng của mình với quan điểm lạm phát do chi phí đẩy lên gần đây sẽ là tạm thời.

Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho biết trọng tâm của ngân hàng sẽ là xem xét liệu lương có tăng đủ để tăng sức mua của các hộ gia đình hay không, cho phép các công ty tăng giá và giúp đẩy nhanh lạm phát một cách bền vững.

Tuy nhiên, vẫn có sự không chắc chắn về việc liệu các công ty có chú ý đến yêu cầu tăng lương của Thủ tướng Fumio Kishida hay không khi chi phí đầu vào vẫn cao ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ.

Một số nhà phân tích vẫn hoài nghi liệu lạm phát có lan ra ngoài các mặt hàng nhạy cảm với giá nhiên liệu và hàng hóa hay không.

Dữ liệu CPI cho thấy chỉ số không bao gồm ảnh hưởng của năng lượng và giá thực phẩm tươi sống đã giảm 0.7% trong tháng 12 so với một năm trước, giảm tháng thứ Chín liên tiếp.

Theo Taro Saito, nhà nghiên cứu điều hành tại Viện Nghiên cứu NLI: “Có những mặt hàng có thể tăng giá tương đối dễ, như nhiên liệu và năng lượng. Những đối với những mặt hàng khác, sẽ khó khăn. Tôi không nghĩ rằng giá sẽ tăng nhiều như ở Hoa Kỳ và Châu Âu."

Khánh Lâm lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1