Chứng khoán Thứ hai, 04/03/2024, 13:20 GMT+7
Chứng khoán Nhật Bản lần đầu phá ngưỡng 40,000 điểm

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản vượt mốc tâm lý quan trọng 40,000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử, mở ra thêm dư địa cho đà tăng hiện tại.

m04 nikkei

Chỉ số blue-chip của xứ sở mặt trời mọc tăng tới 1% lên 40,301 điểm vào ngày đầu tuần, là mức kỷ lục mới. Nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục vai trò dẫn dắt, với Advantest nằm trong các cổ phiếu tăng mạnh nhất.

Còn chỉ số Topix tiếp tục tăng, nhưng còn thấp hơn 6% so với mức kỷ lục thiết lập cách đây hơn 3 thập kỷ - giai đoạn trước khi bong bóng giá tài sản ở Nhật Bản vỡ tung. Cả Nikkei 225 và Topix đều được hỗ trợ từ dữ liệu tiêu dùng của Mỹ - vốn củng cố cho kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất vào tháng 6/2024.

“Cột mốc 40,000 điểm của Nikkei 225 chắc chắn là mốc tâm lý quan trọng. Điều này sẽ mang lại một số kháng cự và cả sự biến động cho chỉ số”, Charu Chanana, Chiến lược gia tại Saxo Capital Markets ở Singapore, chia sẻ. “Tuy nhiên, khi các yếu tố về cấu trúc vẫn đang thuận chiều và đồng Yên tiếp tục suy yếu, có khả năng đây là tín hiệu tăng giá thay vì nỗi lo về tình trạng quá mua của chứng khoán Nhật Bản”.

Tháng trước, Nikkei 225 đã vượt mức đỉnh năm 1989, khi nhà đầu tư trên khắp thế giới lũ lượt rót vốn vào các công ty lớn nhất của Nhật Bản bởi sự thay đổi về quản trị theo hướng hoàn trả nhiều hơn cho cổ đông, đồng Yên yếu hơn và lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục lập kỷ lục.

Warren Buffett thắng lớn

Yếu tố đáng chú ý nhất là sự ủng hộ của Warren Buffett với các công ty thương mại Nhật Bản trong năm 2023. Động thái của nhà hiền triết xứ Omaha đã củng cố niềm tin vào thị trường xứ mặt trời mọc. Trước đó, trong thư gửi cho cổ đông, Berkshire Hathaway tiết lộ đã lãi 8 tỷ USD từ các khoản đầu tư Nhật Bản (tính tới ngày 24/02).

Ngoài ra, sự giảm tốc của Trung Quốc cũng thôi thúc các quỹ đầu tư chuyển sang Nhật Bản.

Diễn biến của Nikkei 225 khá ảm đạm sau khi vượt đỉnh vào ngày 22/02/2024 vì giới đầu tư chốt lời và một số chuyên viên phân tích tỏ ra bất ngờ trước đà tăng của chứng khoán nước này. Tuy vậy, mức giảm khá hạn chế vì nhiều nhà đầu tư lao vào bắt đáy.

Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn lạc quan về chứng khoán Nhật Bản. BlackRock, tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất thế giới, và Amundi Asset Management, công ty quản lý vốn lớn nhất châu Âu, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận và sự thay đổi về quan trị doanh nghiệp có thể giúp đà tăng tiếp diễn.

Đà tăng đã quá nhiệt?

Dù vậy, đâu đó vẫn có một số chuyên gia cho rằng đà tăng đã quá nhiệt.

“Dù mốc 40,000 điểm của Nikkei 225 đã bị phá vỡ, nhưng nhịp độ tăng đang quá nhanh và cột mốc này đạt được quá sớm so với thành tích thực tế của nền kinh tế và doanh nghiệp”, Ayako Sera, Chiến lược gia thị trường tại Sumitomo Mitsui Trust Bank, chia sẻ. “Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản là một cuộc đua marathon đường dài và thị trường chứng khoán đã chạy quá nhanh và có thể hụt hơi trong thời gian tới”.

Trước đó, Sở giao dịch chứng khoán Tokyo khuyến khích các doanh nghiệp công bố kế hoạch để thúc đẩy định giá cổ phiếu. Một số doanh nghiệp đưa ra kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ và nâng tỷ lệ chia cổ tức. Hoạt động thâu tóm doanh nghiệp cũng trở nên sôi nổi hơn và các nhà đầu tư theo thiên hướng tác động tới HĐQT (activist investors) cũng đẩy mạnh chiến dịch của mình.

Khoảng 1/3 doanh nghiệp thuộc Nikkei 225 – trừ lĩnh vực tài chính – duy trì lượng tiền mặt ròng (tức tiền mặt nhiều hơn nợ), từ đó càng thu hút với các nhà đầu tư chủ động và cả Sở giao dịch chứng khoán Tokyo. Con số này cao gần gấp đôi so với S&P 500.

“Đây không phải là sự điên cuồng vô căn cứ”, Masahiro Yamaguchi, Chuyên viên phân tích thị trường cấp cao tại SMBC Trust & Banking Ltd., nhận định. Theo ông, sự lạc quan đến từ bối cảnh kinh tế và sự lành mạnh của doanh nghiệp ở cả Nhật Bản và Mỹ.

Theo VietStock


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1