Thị trường Thứ năm, 14/10/2021, 10:45 GMT+7
Khủng hoảng năng lượng gây lạm phát, quan ngại về phục hồi kinh tế

Các nhà chức trách từ Bắc Kinh đến Delhi đều cố gắng lấp đầy khoảng trống nguồn cung điện vào thứ Ba, 12/10, khiến thị trường trái phiếu và cổ phiếu toàn cầu chao đảo vì những lo ngại chi phí năng lượng tăng sẽ gây lạm phát và kìm hãm sự phục hồi kinh tế.

o14 energy

Giá điện đã tăng kỷ lục trong những tuần gần đây, do tình trạng thiếu hụt ở châu Á và châu Âu. Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc dự kiến sẽ kéo dài đến cuối năm và làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nhà xuất khẩu hàng đầu này.

Hôm thứ Ba, Trung Quốc đã có bước đi táo bạo nhất trong cuộc cải cách ngành điện kéo dài hàng thập kỷ, cho biết họ sẽ cho phép các nhà máy nhiệt điện than chuyển chi phí phát điện cao cho một số bên tiêu dùng đầu cuối cùng thông qua giá điện theo định hướng thị trường.

Việc đẩy tất cả những người sử dụng công nghiệp và thương mại sang các sàn giao dịch điện và cho phép định giá theo thị trường được kỳ vọng sẽ khuyến khích các nhà máy phát điện thua lỗ tăng sản lượng.

Tác động của các khủng hoảng nguồn cung điện và linh kiện sản xuất đang hiển hiện trong dữ liệu từ Tokyo đến London, làm tăng thêm lo lắng trên thị trường toàn cầu và nhấn mạnh những khó khăn khi giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm, một tháng trước các thảo luận về biến đổi khí hậu toàn cầu.

Đợt bán tháo cổ phiếu và trái phiếu toàn cầu kéo dài sang thứ Ba, đưa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn ngắn lên mức cao nhất trong 18 tháng, trong khi chứng khoán thế giới giảm ngày thứ ba liên tiếp do lo ngại giá năng lượng đang cản trở tăng trưởng kinh tế.

Dữ liệu hôm thứ Ba cho thấy lạm phát bán buôn của Nhật Bản đạt mức cao nhất trong 13 năm trong tháng trước, trong khi người mua sắm ở Anh giảm chi tiêu và Trung Quốc ghi nhận doanh số bán xe hơi giảm 20%.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ triển vọng tăng trưởng của Hoa Kỳ và các cường quốc công nghiệp lớn khác với lý do chuỗi cung ứng liên tục bị gián đoạn và các áp lực về giá.

Cải cách mới nhất của Trung Quốc theo sau một loạt những biện pháp trong đó có thúc giục các công ty khai thác than tăng sản lượng và quản lý nhu cầu điện tại các nhà máy công nghiệp để kiểm soát giá than đang cao kỷ lục và hạ nhiệt tình trạng khủng hoảng điện trên toàn quốc, khi các công ty điện lực không thể theo kịp nhu cầu sau đại dịch.

Và trong một động thái có thể đẩy giá toàn cầu vốn đã cao lên, Ấn Độ yêu cầu các bên sản xuất điện nhập khẩu tới 10% nhu cầu than và cảnh báo các bang nguồn cung cấp điện của họ sẽ bị hạn chế nếu bị phát hiện bán điện trên các sàn giao dịch điện để tận dụng giá cao.

Ấn Độ là quốc gia sản xuất than lớn thứ hai thế giới, với trữ lượng lớn thứ tư, nhưng nhu cầu điện tăng vọt vượt xa mức trước đại dịch ở nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, đồng nghĩa với việc nguồn than từ Coal India không còn đủ nữa.

Bộ điện lực Ấn Độ cho biết họ đã chỉ đạo các công ty điện lực tăng cường cung cấp cho thủ đô Delhi, nơi Bộ trưởng đã cảnh báo một cuộc khủng hoảng điện có thể xảy ra.

Và hôm thứ Ba, các cư dân Bangalore, hàng trăm công ty toàn cầu, trong đó có Amazon và Infosys hoạt động, phải đối mặt với lịch cắt điện hơn 90 phút vào buổi chiều. Công ty TNHH Cung cấp điện Bangalore cho biết thành phố có đủ điện và những trường hợp mất điện là do đặt dây cáp điện ngầm.

“Làm nhiều hơn"

Dầu đã tăng lên $84/thùng vào thứ Ba, tiến tới mức cao nhất trong ba năm, do nhu cầu toàn cầu phục hồi sau đại dịch COVID-19 khiến giá tăng đột biến và thiếu hụt các nguồn năng lượng khác. Than đã đạt mức đỉnh kỷ lục và giá khí đốt ở châu Âu vẫn cao gấp bốn lần so với đầu năm 2021.

OPEC+, nhóm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nhà sản xuất dầu khác do Nga dẫn đầu, đang tăng sản lượng hàng tháng để giải quyết nhu cầu đang phục hồi khi nhóm này rút lại các hạn chế sản lượng nhằm hỗ trợ giá và tránh thừa cung.

Giá dầu thô Brent đã tăng hơn 60% trong năm nay, nhờ OPEC+ hạn chế nguồn cung cũng như giá khí đốt cao kỷ lục của châu Âu khuyến khích chuyển sang sử dụng dầu ở một số nơi.

Vào thứ Hai, dầu thô Brent đạt $84.60, cao nhất kể từ tháng 10/2018. Dầu của Mỹ lên $82.18, mức cao nhất kể từ cuối năm 2014.

Giá tăng mạnh nghĩa là OPEC+ phải chịu áp lực từ các quốc gia tiêu dùng. Một quan chức Hoa Kỳ hôm thứ Hai cho biết Nhà Trắng ủng hộ lời kêu gọi các nước sản xuất dầu "làm nhiều hơn" để xoa dịu tình hình.

Một quan chức Nga cho biết tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom đã bắt đầu sử dụng lượng tồn kho của mình để bơm thêm khí tự nhiên vào mạng lưới đường ống nhằm ổn định giá đang tăng cao.

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov đã bác bỏ bất kỳ ý kiến nào cho rằng Nga đang giữ lại khí đốt. Một nhóm các nhà lập pháp Nghị viện châu Âu đã yêu cầu Ủy ban châu Âu điều tra vai trò của Gazprom trong việc tăng giá.

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron hôm thứ Ba cho biết nước này muốn trở thành người dẫn đầu về hydro xanh đến năm 2030 và xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới, nhỏ hơn như một phần trong kế hoạch đầu tư 30 tỷ euro (35 tỷ USD).

Và tại Nhật, giá điện đã tăng lên mức cao nhất trong chín tháng trong tuần này do giá dầu, khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và than toàn cầu đang bắt đầu ảnh hưởng đến thị trường điện 150 tỷ USD của nước này.

Đối với Nhật Bản, quốc gia nhập khẩu hầu như tất cả trừ một lượng nhỏ nhu cầu năng lượng, giá dầu, khí đốt và than đá cao hơn đang đưa lạm phát trở lại, với giá bán buôn ở mức cao nhất trong 13 năm.

Khánh Lâm lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1