UAE trở thành quốc gia vùng Vịnh đầu tiên cam kết phát thải bằng không. Dầu sẽ vẫn chảy |
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã trở thành quốc gia đầu tiên ở Vịnh Ba Tư cam kết không phát thải carbon ròng đến năm 2050. Nhưng họ vẫn chưa quay lưng với dầu mỏ.
Chính phủ UAE đã đưa ra thông báo này tại Expo 2020 ở Dubai vào thứ Năm, 7/10. Đạt được mục tiêu này sẽ giúp thành viên OPEC đi cùng với Thỏa thuận Paris về khí hậu, hướng đến hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1.5 độ C so với mức tiền công nghiệp. "Những cơ hội kinh tế lớn từ con đường tiến tới phát thải bằng 0 sẽ trực tiếp hỗ trợ cho tầm nhìn phát triển UAE thành nền kinh tế năng động nhất trên thế giới", chính phủ cho biết trong một tuyên bố. Người cai trị Dubai, Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum, cho biết UAE sẽ đầu tư 600 tỷ dirhams (163 tỷ USD) vào năng lượng tái tạo như một phần của cam kết. UAE là một quốc gia sản xuất dầu khí lớn. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, nước này sản xuất trung bình 4 triệu thùng mỗi ngày xăng dầu và các chất lỏng khác trong năm 2019, xếp thứ 7 trên thế giới. Cam kết phát thải zero ròng có thể gây áp lực rời xa nhiên liệu hóa thạch lên nước láng giềng Saudi Arabia, quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Nhưng sự chuyển đổi này sẽ không diễn ra trong một sớm một chiều. Cách đây chưa đầy một năm, công ty dầu khí quốc gia ADNOC của UAE đã được chấp thuận đầu tư 122 tỷ USD phát triển các mỏ dầu khí mới. Họ có kế hoạch nâng công suất sản xuất dầu lên 5 triệu thùng/ngày đến năm 2030. Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu của UAE Mariam bint Mohammed Saeed Hareb Almheiri cho biết quốc gia này sẽ tiếp tục sản xuất dầu và khí đốt "nếu vẫn cần thiết." "Chúng tôi không thể đơn giản là khóa vòi bơm. Đây là một quá trình chuyển đổi", ông Almheiri nói thêm. Phong Lữ lược dịch
Theo CNN
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|