Trung Quốc không phải là nền kinh tế châu Á lớn duy nhất đang thiếu than |
Trung Quốc không phải là người khổng lồ châu Á duy nhất đang vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng - Ấn Độ cũng đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng điện. Hầu hết các nhà máy nhiệt điện than của Ấn Độ có lượng than tồn kho cực kỳ thấp ngay trong thời điểm nền kinh tế phục hồi và thúc đẩy nhu cầu điện. Than đá chiếm khoảng 70% việc sản xuất điện của Ấn Độ. Theo Kunal Kundu, nhà kinh tế Ấn Độ tại Societe Generale, một cuộc khủng hoảng điện tiềm tàng có thể sẽ có tác động tức thì đến sự phục hồi kinh tế vẫn còn non yếu của Ấn Độ vốn đang được dẫn dắt bởi hoạt động công nghiệp thay vì dịch vụ. Dữ liệu của chính phủ cho thấy tính đến ngày 6/10, 80% trong số 135 nhà máy chạy bằng than của Ấn Độ chỉ còn không đến tám ngày nguồn vật tư - hơn một nửa trong số đó có nguồn dự trữ còn không quá hai ngày. Trong tương quan so sánh, trong bốn năm qua, lượng than tồn kho trung bình các nhà máy điện có khoảng 18 ngày, theo Hetal Gandhi, giám đốc nghiên cứu của hãng xếp hạng CRISIL, một công ty con của S&P Global. “Lượng dự trữ sẽ tăng trở lại từ 8 đến 10 ngày trong tháng 12. Nhưng rõ ràng, dự trữ sẽ không tăng được đến 18 ngày kể cả trước tháng Ba. Sẽ cần giám sát chặt chẽ trong sáu tháng tới,” bà Gandhi nói. Công ty Than Ấn Độ do nhà nước điều hành, chiếm hơn 80% sản lượng than của Ấn Độ, tháng trước cho biết họ sẽ đẩy mạnh nguồn cung cho các công ty tiện ích để giải quyết tình trạng thiếu than trong các nhà máy điện. Vì sao tình hình lại như thế? Các nhà bình luận cho rằng sự kết hợp của các yếu tố nguồn cung và lượng than nhập khẩu giảm đã dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay. Ấn Độ chứng kiến nhu cầu điện tăng đột biến từ tháng Tư đến tháng Tám, khi nền kinh tế lấy lại động lực sau làn sóng tàn phá thứ hai của Covid-19. Theo bà Gandhi, kinh tế phục hồi nhanh hơn những gì nhiều người dự đoán. Bà giải thích, các công ty nhiệt điện có lượng than tồn kho ít và không lường trước được nhu cầu điện tăng vọt trong năm nay. Các nguồn sản xuất điện khác - như thủy điện, khí đốt và hạt nhân - cũng giảm. Gió mùa phân bố không đều cũng là một trong những yếu tố. Lượng mưa ít hơn ở một số khu vực ảnh hưởng xấu đến sản lượng thủy điện. Ngoài ra, còn có giá khí đốt tăng mạnh cũng như các nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động để bảo trì. Tất cả những điều này khiến sản lượng nhiệt điện than gia tăng. Các vấn đề hậu cần do mùa gió mùa cũng hạn chế nguồn cung cấp than, dù có đủ nguồn dự trữ đầu nguồn tại Coal India, theo Sandeep Kalia, nhà phân tích chính tại Wood Mackenzie. Đầu hầm chỉ phần trên cùng của một trục mỏ, nơi chứa hầu hết than đã khai thác trước khi được chuyển đến các công ty điện lực. Mùa mưa thường khiến việc vận chuyển khó khăn hơn do nhiều tuyến đường có xu hướng ngập lụt. Tại sao nguồn cung cấp than cạn kiệt? Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu than lớn thứ ba thế giới dù có trữ lượng than lớn. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá than quốc tế và giá than trong nước ngày càng tăng khiến nhập khẩu giảm mạnh trong những tháng gần đây. Khi cung giảm, cầu cũng tăng. Nhập khẩu than của các nhà máy điện đã giảm 45% trong tháng Bảy và tháng Tám so với cùng kỳ năm ngoái trong khi các lĩnh vực phi năng lượng của Ấn Độ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào than trong nước, Kalia cho biết. Các ngành công nghiệp phi năng lượng như nhôm, thép, xi măng và giấy thường sử dụng một lượng lớn than để sản xuất nhiệt. Ngoài ra, sản lượng của các nhà máy điện ven biển, vốn dựa vào than nhập khẩu, suy giảm, càng tạo thêm áp lực tăng sản lượng cho các nhà máy điện chạy than trong nước. Ngay cả khi đó, nhập khẩu than vẫn đình trệ do nguồn cung gián đoạn vì đại dịch và các vấn đề hậu cần, theo bà Gandhi thuộc CRISIL. Chẳng hạn, chi phí vận tải tăng do nhu cầu vận chuyển cao hơn và tình trạng ùn tắc tại các cảng khi kinh tế thế giới phục hồi dần sau đại dịch. Than nội địa của Ấn Độ cũng có giá trị nhiệt thấp hơn - có nghĩa là cần nhiều than hơn để thay thế than nhập khẩu, do đó gây thêm áp lực cho các nhà máy điện trong nước, bà nói. Giá than ở Ấn Độ chủ yếu do Coal India thuộc sở hữu nhà nước quyết định. Vì vậy, khi giá quốc tế tăng, giá trong nước sẽ không tăng đáng kể vì nó sẽ ảnh hưởng đến giá điện và lạm phát - các công ty tiện ích không thể chuyển chi phí cao hơn sang hầu hết người tiêu dùng. Theo bà Gandhi, vì điện được trợ cấp cho hầu hết các nông dân và nhiều hộ gia đình ở Ấn Độ, gánh nặng giá than cao hơn sẽ chủ yếu rơi vào các bên tiêu thụ công nghiệp, chỉ chiếm 25% đến 30% điện năng tiêu thụ. “Bất cứ khi nào giá nhập khẩu tăng lên đáng kể, động cơ khuyến khích các nhà sản xuất trong nước nhập khẩu than và sản xuất điện sẽ giảm dần.” Điều gì có thể xảy ra tiếp theo? Bộ trưởng Bộ Điện lực Ấn Độ Raj Kumar Singh cảnh báo cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng có thể kéo dài tới sáu tháng. Với mùa lễ hội ở Ấn Độ bắt đầu vào tháng này, khi tiêu thụ có xu hướng đạt đỉnh, nhu cầu điện năng có thể tăng cao hơn nữa - và tình hình có thể trầm trọng hơn nếu nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu Ấn Độ tăng mạnh. Về phần mình, Coal India được cho là đã tăng cường nguồn cung để cố gắng bù đắp phần nào sự thiếu hụt này. “Nếu nhu cầu tăng đáng kể, tôi không biết các bước có thể như thế nào, nhưng bạn có thể xem các bước như thể chúng có thể hạn chế xuất khẩu trong các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng.” Các nhà chức trách Ấn Độ đã tìm cách xoa dịu nỗi lo nguồn cung bị hạn chế. Bộ Than Ấn Độ hôm Chủ nhật cho biết nước này có đủ than để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy điện và lo ngại về gián đoạn cung cấp điện là “vô căn cứ” và “sai lầm.” Bộ cho biết: “Than có tại các nhà máy điện là đầu nguồn được cung cấp từ các công ty than hàng ngày. Vì vậy, bất kỳ lo ngại nào về việc nguồn than cạn kiệt ở phía nhà máy điện là sai lầm. Thực tế trong năm nay, nguồn cung than trong nước đã thay thế đáng kể nhập khẩu.” “Do Ấn Độ phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt điện, có thể thấy các nhà cung cấp than trong nước chuyển hướng cung cấp từ các ngành như thép, xi măng,… sang các nhà máy nhiệt điện. Dù như thế nào, sẽ có tác động ngắn hạn lên các hoạt động," theo Kundu của Societe Generale. “Có khả năng giá điện sẽ tăng vì các loại than có giá cao hơn sẽ phải nhập khẩu, có thể gây áp lực lạm phát.” Phong Lữ lược dịch
Theo CNBC
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|