Doanh nghiệp Thứ hai, 21/03/2022, 13:13 GMT+7
Chiến tranh Nga-Ukraine có thể ảnh hưởng đến thương mại của Trung Quốc như thế nào

Thặng dư thương mại của Trung Quốc đã tăng lên các mức cao lịch sử trong đại dịch khi người dân tiêu thụ nhiều hàng hóa hơn trước, nhưng các nhà phân tích cho rằng cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ thay đổi điều đó.

m21 chinatrade

Theo ước tính từ ANZ Research, thặng dư thương mại của gã khổng lồ sản xuất châu Á có thể giảm còn 238 tỷ USD trong năm nay - khoảng 35% so với con số 676 tỷ USD lịch sử đạt được trong năm ngoái.

“Cuộc chiến ở Ukraine sẽ sớm bắt đầu ảnh hưởng lên thương mại ròng do nhu cầu nước ngoài giảm và hóa đơn nhập khẩu cao hơn,” theo Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại hãng nghiên cứu Capital Economics.

Các cú shock tăng trưởng tại các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc

Nhà kinh tế cấp cao Betty Wang của ANZ Research cho rằng, chiến tranh có thể gây suy giảm trên diện rộng hơn đối với kinh tế toàn cầu, đặc biệt ở châu Âu.

Liên minh châu Âu là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Theo ANZ Research, xuất khẩu sang EU tăng mạnh hơn nữa vào năm ngoái, chiếm 16% trong 30% tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc.

Ông Wang cho biết: “Về mặt thống kê, tăng trưởng kinh tế của EU có mối tương quan cao với tổng tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc.” Ông nói thêm cứ 1 điểm phần trăm giảm trong tăng trưởng GDP của EU, tổng tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm 0.3 điểm phần trăm.

Gián đoạn chip, nỗi lo về nickel

Tình trạng thiếu chất bán dẫn vốn đã trầm trọng, nhưng cuộc chiến của Nga ở Ukraine sẽ tiếp tục làm gián đoạn thêm các chuỗi cung ứng.

Theo ANZ Research, xung đột đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chip toàn cầu, mà Trung Quốc lại phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu điện tử. Xuất khẩu các mặt hàng điện tử đóng góp 17.1 điểm phần trăm vào tăng trưởng xuất khẩu 30% của Trung Quốc năm 2021.

Các nhà phân tích lưu ý cả Ukraine và Nga đều có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Ukraine cung cấp khí hiếm tinh khiết như neon và krypton, đều rất cần thiết trong sản xuất chất bán dẫn. Ukraine cũng sản xuất các kim loại quý dùng chế tạo chip, điện thoại thông minh và xe điện.

Theo báo cáo của TS Lombard, Trung Quốc nằm trong số các thị trường mới nổi dễ bị thiếu hàng hóa do chiến tranh gây ra. Đặc biệt, Trung Quốc rất nhạy cảm với gián đoạn nguồn cung nickel.

Tuần trước, Sàn giao dịch kim loại London đã tạm dừng giao dịch nickel sau khi giá tăng hơn gấp đôi do lo ngại nguồn cung bị gián đoạn vì chiến tranh. Nga là nhà sản xuất nickel lớn thứ ba thế giới.

Nickel là nguyên liệu chính trong pin xe điện và Trung Quốc là nhà sản xuất EV lớn nhất trên toàn cầu. Số xe điện nước này xuất khẩu sang các nước khác đã tăng gấp 2.6 lần lên gần 500,000 xe vào năm ngoái - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Một nghiên cứu cho thấy, xe điện do Trung Quốc sản xuất chiếm khoảng 44% lượng xe điện được sản xuất từ năm 2010 đến năm 2020.

Giá năng lượng tăng cao

Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng khiến giá dầu biến động, tuần trước giá đã lên đến mức cao kỷ lục trước khi giảm hơn 20%. Điều đó sẽ tấn công Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Các nhà kinh tế Nathan Chow và Samuel Tse của ngân hàng Singapore DBS cho biết, năm ngoái Trung Quốc nhập khẩu các sản phẩm năng lượng trị giá 423 tỷ USD, trong đó, 253 tỷ USD dầu thô.

Các nhà kinh tế cho rằng GDP danh nghĩa của Trung Quốc sẽ giảm 0.8% nếu giá dầu trung bình tăng từ $71/thùng lên $110 trong năm nay.

Giá dầu đang biến động mạnh, giảm xuống dưới $100/ thùng vào đầu tuần sau khi tăng vọt lên hơn $130 vào tuần trước. Vào thứ Năm, 17/3, giá lại vượt $100, cao hơn hẳn các mức $70 - $80 giao dịch vào đầu năm.

Tuy nhiên, Trung Quốc có thể giảm được một ít áp lực nếu dựa vào Nga.

“Với sự trung lập đối với các lệnh trừng phạt chống Nga, Trung Quốc có thể bù đắp một phần giá năng lượng cao hơn nhờ nhập khẩu rẻ hơn từ Nga,” các nhà kinh tế của DBS viết.

Phong Lữ lược dịch
Theo CNBC

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1