Doanh nghiệp Thứ sáu, 01/04/2022, 09:08 GMT+7
Các nhà kim hoàn lớn ngừng mua kim cương xuất xứ từ Nga sau khi giám sát gia tăng

Nhiều thương hiệu lớn bao gồm Tiffany, Pandora và Chopard thông báo tạm dừng mua nguyên liệu thô có xuất xứ từ Nga trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine

a1 diamond

Các hãng kim hoàn lớn đang từ bỏ kim cương Nga sau khi đối mặt với giám sát ngày càng gia tăng trước việc chế độ độc quyền kim cương do nhà nước kiểm soát của Nga có thể tài trợ cho cuộc chiến của Putin ở Ukraine như thế nào.

Một loạt các công ty kim hoàn quốc tế nổi tiếng, trong đó có thương hiệu Mỹ Tiffany & Co, nhà sản xuất đồng hồ và trang sức Thụy Sĩ Chopard, Signet, nhà bán lẻ trang sức kim cương lớn nhất và Pandora, nhà sản xuất trang sức lớn nhất thế giới, đã đưa ra tuyên bố ngừng mua kim cương xuất xứ từ Nga.

Vào giữa tháng Ba, đã có lo ngại hoạt động thương mại với công ty khai thác kim cương một phần thuộc sở hữu nhà nước của Nga đang chảy vào kho bạc nhà nước Nga và có thể tài trợ cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine; cũng như các nhà kim hoàn có thể dễ dàng - và hợp pháp - lách các lệnh trừng phạt bằng cách mua kim cương Nga được xử lý qua Ấn Độ. Kể từ đó, nhiều nhà bán lẻ lớn cho biết họ sẽ ngừng mua kim cương Nga. Trong tuần này, Pandora và Chopard là những bên mới nhất thông báo về động thái này, cả hai đều cho biết họ đã chỉ thị cho tất cả các nhà cung cấp ngừng tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thô có xuất xứ từ Nga, theo sau các động thái của Tiffany và Signet trước đó trong tháng Ba.

Nga sản xuất khoảng 30% kim cương trên thế giới - 98% trong số đó được khai thác và bán bởi Alrosa, một công ty độc quyền khai thác khổng lồ có quan hệ chặt chẽ với Điện Kremlin. Một phần ba của Alrosa thuộc sở hữu của chính quyền trung ương và một phần ba khác thuộc sở hữu của các chính quyền khu vực - nước cộng hòa Yakutia thuộc Nga và các cơ quan hành chính. Công ty mang lại lợi nhuận đáng kể cho các cổ đông chính phủ, báo cáo doanh thu 4.16 tỷ USD trong năm 2021, với lợi nhuận ròng 91 tỷ ruble (943 triệu USD). Trước đây, Putin từng nói rằng công ty “mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách liên bang và ngân sách khu vực.”

Cả Mỹ và Anh đều đưa ra các biện pháp trừng phạt cấm các công ty kinh doanh trực tiếp với Alrosa. Tuy nhiên, chỉ riêng các biện pháp trừng phạt khó có thể ngăn dòng kim cương Nga chảy sang phương Tây, vì phần lớn được xuất khẩu thô sang Ấn Độ, nơi chúng được cắt và đánh bóng. Theo các quy định của hải quan Hoa Kỳ, đây được coi là một “sự chuyển đổi đáng kể” - vì vậy kim cương đánh bóng có thể được nhập khẩu hợp pháp như một sản phẩm của Ấn Độ, chứ không phải của Nga.

Do đó, các quyết định có thực sự tạm dừng việc buôn bán kim cương của Alrosa sẽ thuộc về ngành và các tổ chức chứng nhận chủ chốt. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, một cơn bão đang ấp ủ với các nhóm “tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm” vốn vẫn im lặng trong việc mua kim cương Nga, với nhiều thành viên cấp cao đã từ chức để phản đối.

Hội đồng Kim hoàn có trách nhiệm (RJC) - một trong những cơ quan giám sát ngành kim hoàn quan trọng - được thành lập để giúp điều chỉnh ngành, nâng cao danh tiếng, thúc đẩy việc tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm và loại bỏ “kim cương xung đột” khỏi chuỗi cung ứng. Hội đồng này đã bị buộc tội im lặng đối với kim cương Nga dù họ đã đưa ra hướng dẫn các thành viên nên tuân thủ các biện pháp trừng phạt. Dù Alrosa đã ra khỏi hội đồng quản trị của tổ chức này, họ vẫn là thành viên và vẫn giữ chứng nhận "có trách nhiệm" của mình. Hội đồng có một số khách hàng lâu năm của Alrosa trước đây hoặc hiện tại.

Giờ đây, hội đồng đang đối mặt với một làn sóng rút lui. Các thương hiệu đã tuyên bố sẽ rời đi vì vấn đề kim cương Nga gồm Pandora, Richemont, chủ sở hữu của Cartier và Kering, chủ sở hữu của các thương hiệu thời trang cao cấp trong đó có Gucci và Saint Laurent. Hôm thứ Tư, 30/3, giám đốc điều hành của RJC, ông Iris Van der Veken, đã từ chức vì cách xử lý vấn đề. Van der Veken từ chối bình luận.

Trong một tuyên bố, Richemont, chủ sở hữu của Cartier, cho biết họ sẽ rời tổ chức này để phản đối. “Richemont và các nhà kim hoàn của mình không muốn là thành viên của một tổ chức bao gồm cả những công ty góp phần tài trợ cho các cuộc xung đột và chiến tranh.”

Đại diện của Pandora cho biết công ty sẽ rời hội đồng sau 12 năm là thành viên do “hội đồng không đình chỉ tư cách thành viên của các công ty Nga và các chứng nhận kinh doanh có trách nhiệm, cũng như thúc giục các thành viên tạm ngừng kinh doanh với Nga. Pandora trước đó đã yêu cầu RJC thực hiện các hành động như vậy.”

“Cuộc chiến yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải hành động với trách nhiệm cao nhất liên quan đến bất kỳ tương tác hoặc giao dịch kinh doanh nào với Nga và Belarus. Pandora không thể là thành viên của một hiệp hội không chia sẻ các giá trị của chúng tôi,” giám đốc điều hành Alexander Lacik nói.

Kering, chủ sở hữu của Gucci và Balenciaga cho biết thương hiệu “không muốn liên quan theo bất kỳ cách nào với các hoạt động kinh doanh góp phần gây ra chiến tranh.”

“RJC đang ở một ngã tư quan trọng. Các định nghĩa hiện tại về trách nhiệm không nói về điều gì sẽ xảy ra khi tài sản của một công ty được sử dụng để tài trợ trực tiếp và gián tiếp cho một cuộc xung đột vô cớ khiến hàng triệu người phải di tản," theo Cristina Villegas, giám đốc chương trình Mines to Markets tại tổ chức phát triển Pact.

Chủ tịch RJC David A. Bouffard trong một tuyên bố cho biết hội đồng đã “bắt đầu một cuộc đánh giá pháp lý bên thứ ba, độc lập, thực tế… để xem xét tư cách thành viên RJC của Alrosa.”

“Tốc độ của quá trình này có thể gây khó chịu, nhưng đây là một tình huống chưa từng có, liên tục thay đổi và đòi hỏi phải dành thời gian để đảm bảo quy trình hợp lệ được tuân thủ toàn diện nhất có thể.” Ông Bouffard cho biết quá trình này sẽ “sớm” có kết luận.

Brad Brooks-Rubin, cố vấn chiến lược của hội đồng, cho biết việc các thành viên rời đi có ý nghĩa quan trọng đối với ngành. “Nếu chiều hướng hiện tại tiếp tục và nhiều thành viên hơn rời đi… sẽ không có một tổ chức cạnh tranh nào khác trong ngành,” ông nói. “Điều đó khiến ngành kim hoàn đối mặt với những lo lắng thực sự về việc: ta đang thực hiện những tiêu chuẩn nào? Có trách nhiệm, bền vững, đạo đức nghĩa là gì? RJC đã mang đến những điều đó - và nếu đó không phải là RJC, thì điều gì sẽ thay họ?”

Ông Brooks-Rubin trước đó đã lên tiếng vào tháng Ba chỉ trích việc không hành động hoặc thiếu minh bạch đối với kim cương Nga, rằng hành động của hội đồng chống lại Alrosa là "chưa đủ". Theo ông, các quyết định tẩy chay các quốc gia sản xuất kim cương rất phức tạp, với hàng triệu việc làm và sinh kế quốc tế phụ thuộc vào dòng chảy kim cương.

“Nếu 30-40% chuỗi cung ứng bị loại ra khỏi thị trường, điều đó sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người, ảnh hưởng đến giá cả, đến chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến mọi thực thể trong toàn bộ ngành.” Ông cho rằng hội đồng cần rõ ràng và minh bạch về những thách thức họ phải đối mặt.

Phong Lữ lược dịch
Theo The Guadian

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1