Hoạt động nhà máy ở châu Á chậm lại do khủng hoảng Ukraine, lạm phát |
Hầu hết các nhà máy châu Á hoạt động chậm lại trong tháng Ba, do nhu cầu của Trung Quốc giảm và chi phí nguyên liệu thô tăng cao vì cuộc khủng hoảng Ukraine, gây thêm căng thẳng cho các công ty vốn đã khó khăn vì các gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài. Dù Nhật Bản được lợi nhờ số ca nhiễm COVID-19 giảm đi, chi phí nhiên liệu và ngũ cốc tăng cao làm u ám triển vọng của nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng. Hoạt động nhà máy ở Trung Quốc giảm với tốc độ nhanh nhất trong hai năm vào tháng Ba, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của khu vực tư nhân hôm thứ Sáu, 1/4, cho thấy do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Ukraine và các ca nhiễm virus corona bùng phát trở lại trong nước tác động đến nhu cầu cả trong và ngoài nước. Kết quả này phù hợp với dữ liệu chính thức hôm thứ Năm, cho thấy hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc đã đồng loạt thu hẹp trong tháng Ba, lần đầu tiên kể từ đỉnh điểm bùng phát COVID-19 ở nước này năm 2020. Các nhà phân tích nhận định, suy thoái ở Trung Quốc là điềm gỡ cho châu Á, nơi có các nhà sản xuất lớn phụ thuộc vào tiêu dùng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hoạt động nhà máy của Hàn Quốc chậm lại trong tháng Ba với các đơn hàng xuất khẩu mới giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2020, do các công ty bị ảnh hưởng bởi giá đầu vào tăng đối với các mặt hàng từ dầu mỏ, kim loại và chất bán dẫn. Hoạt động nhà máy cũng chậm lại ở Đài Loan và Việt Nam, và thu hẹp ở Malaysia, do khu vực này chịu ảnh hưởng từ giá nguyên liệu thô tăng. “Kênh truyền chính sẽ đi từ giá hàng hóa, năng lượng, dầu, khí đốt, cũng như thực phẩm,” theo Tai Hui, Giám đốc chiến lược thị trường châu Á tại J.P. Morgan Asset Management. "Điều sẽ xảy ra là các nhà sản xuất, đặc biệt một số nhà sản xuất hạ nguồn sẽ phải đối mặt với áp lực chi phí nhiều hơn," ông nói. Ngược lại, Nhật Bản có hoạt động sản xuất tăng trưởng nhanh hơn so với tháng trước trong tháng Ba, do nhu cầu trong nước tăng khi tác động từ đại dịch suy yếu. Tuy nhiên, đơn đặt hàng xuất khẩu của Nhật giảm do nhu cầu bên ngoài bị ảnh hưởng bởi đại dịch ở Trung Quốc và gián đoạn chuỗi cung ứng do cuộc chiến của Nga ở Ukraine. PMI của Hàn Quốc đã giảm còn 51.2 trong tháng Tư từ mức 53.8 trong tháng Hai, vẫn trên ngưỡng 50 cho thấy hoạt động tăng trưởng, nhưng là mức thấp nhất trong bốn tháng. Chỉ số PMI ngân hàng au Jibun cuối cùng của Nhật Bản đã tăng lên 54.1 trong tháng Ba, so với 52.7 trong tháng trước. Phong Lữ lược dịch
Theo Reuters
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|