Thị trường Thứ sáu, 22/06/2018, 09:40 GMT+7
Chuyên gia kinh tế nói gì về những đe dọa thương mại mới đối với Trung Quốc của ông Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc nữa khi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lên tầm cao mới.

jn22 experts

Dưới đây là những gì các nhà kinh tế và những bên theo dõi Trung Quốc phản ứng trước cuộc chiến thương mại đang âm ỉ.

William Zarit, Chủ tịch phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc

“Nếu có thêm một khoản 200 tỷ nữa, tùy thuộc vào loại hàng hóa, tôi cho rằng Đại diện thương mại Mỹ sẽ tiếp tục giảm thiểu tác động” lên kinh tế Mỹ. Một phần trong chiến lược của Mỹ là hạn chế đầu tư, cấp phép và liên doanh công nghệ cao Trung Quốc họ xem như “các lợi ích kinh tế quốc gia.”

“Trung Quốc cần mở cửa. Đổi mới diễn ra trên toàn cầu. Và mở cửa đối với đổi mới toàn cầu và đầu tư để cả Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng như những quốc gia khác có thể thật sự được lợi từ chiến lược Sản xuất tại Trung Quốc 2025.”

Rajiv Biswas, trưởng kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại IHS Markit, Singapore:

“Chính quyền Trump tính toán họ sẽ thắng trong ván poker với tiền cược cao này, bởi thâm hụt thương mại song phương 375 tỷ USD của Mỹ có nghĩa Trung Quốc sẽ hết số hàng nhập khẩu Mỹ họ có thể đánh thuế trả đũa sớm hơn nhiều trước khi Mỹ hết hàng Trung Quốc.”

“Tổn thất ngoài dự kiến từ cuộc chiến thương mại leo thang Mỹ - Trung sẽ lan rộng, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia châu Á nằm trong chuỗi cung ứng sản xuất của Trung Quốc trong những lĩnh vực như các sản phẩm điện và điện tử.”

“Tuy nhiên, cũng sẽ có một số bên được lợi từ hiệu ứng chuyển hướng thương mại do thuế suất tăng trong mậu dịch Mỹ - Trung. Chẳng hạn, thuế Trung Quốc đánh lên hàng nhập khẩu nông sản Mỹ sẽ khiến các nhà nhập khẩu Trung Quốc chuyển đơn hàng sang những nhà cung ứng ở các nước xuất khẩu nông sản khác như Australia, New Zealand, Brazil và Canada.”

“Khi Trung Quốc có thể áp thêm thuế lên 80 tỷ USD hàng nhập khẩu Mỹ, có một số mặt hàng nhập khẩu công nghệ Mỹ như bán dẫn, sẽ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh công nghiệp của chính Trung Quốc nếu chịu mức thuế cao. Chiến lược gia tăng áp lực lên Trung Quốc của Mỹ thông qua các khoản thuế của Mục 232 và Mục 301, cùng đề xuất pháp lý ở Thượng Viện tiếp tục cấm bán hàng Mỹ cho hãng truyền thông đa quốc gia ZTE của Trung Quốc, sẽ tạo ra ‘cơn bão hoàn hảo’ cho ngành xuất khẩu Trung Quốc.”

“Khi khó có khả năng nhanh chóng đạt được một thỏa thuận thương mại thỏa hiệp giữa Trung Quốc và Mỹ, cuộc chiến thương mại kéo dài và dữ dội giữa hai quốc gia đang dần hiện ra trong nửa cuối năm 2018 cùng những tổn thất ngoài ý muốn nghiêm trọng đối với những nước xuất khẩu châu Á khác nằm trong chuỗi cung ứng sản xuất của Trung Quốc.

Chen Xingdong, trưởng kinh tế Trung Quốc tại BNP Paribas SA, Bắc Kinh

Ông Trump “dường như nhận thức được không có cách nào để cắt giảm đáng kể thâm hụt thương mại với Trung Quốc trong ngắn hạn bởi Hoa Kỳ không có thay thế nào để giảm nhập khẩu từ Trung Quốc” và Hoa Kỳ cũng không có nhiều thứ để làm nhằm tăng xuất khẩu sang Trung Quốc.

“Trong ngắn hạn, ông Trump và những người ủng hộ cứng rắn của mình chỉ muốn gây áp lực lên Trung Quốc. Họ hiện đang hướng đến mục tiêu lâu dài nhằm tái cân bằng mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Mục đích thực sự là nhắm vào sự phát triển công nghệ của Trung Quốc hay chiến lược ‘Sản xuất tại Trung Quốc 2025.”

Jake Parker, phó chủ tịch các hoạt động Trung Quốc tại Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung

“Từ quan điểm của chúng tôi, chính quyền ông Trump trong trường hợp của Mục 301 đã xác định đúng những vấn đề cần được giải quyết, đặc biệt trong bảo vệ công nghệ và sở hữu trí tuệ, tuy nhiên thuế suất sẽ không giải quyết được những vấn đề này, chúng sẽ chỉ gây thiệt hại cho lợi ích kinh tế của Mỹ.”

Ông có lo ngại các công ty Mỹ ở Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng?

“Đương nhiên. Chúng tôi bắt đầu nhận thấy kiểm soát pháp lý gia tăng đối với những công ty Mỹ đang hoạt động trong thị trường này, dù là tăng cường thực thi hải quan, kiểm tra khí thải tại chỗ ở các nhà máy, hay thực thi luật quảng cáo nghiêm ngặt hơn. Tất cả những điều này đang bắt đầu xảy ra.”

“Khó mà liên kết trực tiếp những điều này với các căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nhưng dường như các nhà quản lý Trung Quốc đang có xu hướng nhắm vào các công ty Mỹ khi phản ứng trước mâu thuẩn gia tăng giữa hai bên. Chúng tôi rõ ràng cũng lo lắng chủ nghĩa dân tộc sẽ chuyển thành xu hướng chống Mỹ, dẫn đến tẩy chay hàng hóa Mỹ.”

Victor Shih, một giáo sư tại Đại học California San Diego:

“Rõ ràng các công ty Mỹ vẫn có một khá nhiều hoạt động kinh doanh 100% vốn hoặc liên doanh tại Trung Quốc, theo hướng cực đoan, chính phủ Trung Quốc có thể làm chậm hoặc thậm chí dừng việc sản xuất hay kinh doanh của những cơ sở này. Dĩ nhiên, tăng trưởng Trung Quốc, vốn đã yếu đi trong những tháng gần đây, sẽ chịu thêm áp lực. Những biện pháp cực đoan như thế sẽ khởi đầu cho một cuộc chiến thương mại và kinh tế toàn diện giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.”

Tao Dong, phó chủ tịch phụ trách khu vực Trung Quốc tại Credit Suisse Private Banking, Hong Kong:

“Rõ ràng Trung Quốc sẽ không còn đạn dược. Đầu tiên, vì họ có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ, họ phải mở rộng việc trả đũa trong những lĩnh vực khác, như nhập khẩu dịch vụ thay thậm chí tài khoản vốn, nếu muốn giữ vững nguyên tắc “trả đũa với cùng quy mô.” Tuy nhiên, theo tôi, không có người thắng trong một cuộc chiến thương mại. Leo thang không phải là cách thức để giải quyết vấn đề.”

Michael Every, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường tái chính tại Rabobank Group, Hong Kong:

“Trung Quốc không thể đáp trả bằng thương mại đối với Mỹ. Họ rõ ràng sẽ chèn ép các công ty Mỹ; xây dựng liên minh chống Mỹ; và có lẽ, đe dọa phá giá tiền tệ bằng cách thả nổi đồng tiền; hay –phương sách cuối cùng – thậm chí leo thang trong lĩnh vực địa chính, như thể muốn nói ‘Thật sự muốn mạo hiểm mọi thứ vì chiến lược ‘Sản xuất ở Trung Quốc 2025’ sao? Đó là cách thức cho thấy họ dốc toàn lực. Và câu hỏi Hoa Kỳ hiện sẽ đáp trả như thế nào là một câu hỏi mở.”

Tommy Xie, một nhà kinh tế tại Oversea-Chinese Banking Corp., Singapore:

Thay vì bị kẹt trong vòng xoáy “ăn miếng trả miếng” chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ đẩy nhanh nhu cầu trong nước thông qua các chính sách tài khóa chủ động nhằm giảm thuế và tăng chi tiêu. Trong một báo cáo tích cực, tăng trưởng doanh thu tài khóa nhanh hơn được kỳ vọng sẽ là khoản đệm cho một cuộc chiến thương mại có thể xảy ra.

“Từ góc độ chính sách tiền tệ, có thể đây là lúc chúng ta sẽ thấy một PBoC có chính sách kích thích nhiều hơn. Trong bối cảnh nguy cơ nợ doanh nghiệp gia tăng, tôi đoán không khó để PboC lựa chọn bảo vệ điểm mấu chốt không có rủi ro tài chính.”

Shane Oliver, trưởng kinh tế tại AMP Capital, Sydney:

“Không nghi ngờ gì, Trung Quốc sẽ đáp trả với những khoản thuế của chính mình – nhưng sẽ bị hạn chế bởi họ chỉ nhập khẩu 130 tỷ USD từ Mỹ. Vì thế, điều nguy hiểm là họ sử dụng những hình thức trả đũa khác như giảm mua Trái phiếu chính phủ Mỹ - dù có thể phản tác dụng bởi nó sẽ chỉ đẩy giá nhân dân tệ lên so với dollar, điều Trung Quốc không muốn.”

“Biết được Trung Quốc chỉ nhập khẩu 130 tỷ USD từ Mỹ có thể là lý do vì sao ông Trump chọn con số 200 tỷ, biết rằng Trung Quốc không thể nào sánh kịp.”

“Ở bước này, Hoa Kỳ có thể xem tất cả những điều này như một phần của chiến lược mặc cả nhằm khiến Trung Quốc thay đổi. Điều nguy hiểm là sau khi thỏa thuận ngày 19/5 thất bại, Trung Quốc thấy khó mà tin tưởng vào Mỹ hơn.”

Katrina Ell, chuyên gia kinh tế tại Moody’s Analytics, Sydney

“Hoa Kỳ đang cố xử lý những khó chịu của họ đối với chiến dịch phát triển “Sản xuất ở Trung Quốc 2025”, theo đó Trung Quốc lên kế hoạch thống trị cũng như tự cung tự cấp trong lĩnh vực công nghệ cao, lật đổ những trung tâm công nghệ quan trọng khác, trong đó có Hoa Kỳ. Thứ hai là các chính sách công nghiệp của Trung Quốc. Hoa Kỳ không đồng ý với yêu cầu của Trung Quốc rằng công ty Mỹ chia sẽ công nghệ để được tiếp cận thị trường toàn cầu. Các công ty Trung Quốc trong nước thường nhận được ưu đãi trong các thỏa thuận kinh doanh so với những công ty do nước ngoài khai thác và nội các của ông Trump đang nỗ lực đàm phán các thay đổi.”

Khánh Lâm lược dịch
Theo Bloomberg

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1