Thị trường Thứ tư, 08/04/2020, 13:11 GMT+7
Ông Trump có thể đánh thuế dầu nước ngoài. Điều này sẽ không chấm dứt được cuộc khủng hoảng dầu mỏ

Vở kịch đang diễn ra ở thị trường dầu mỏ không thiếu những nhân vật đình đám. Nhưng ông Vladimir Putin và thái tử MBS có thể sớm phải nhường chỗ cho nhân vật mới: Tariff Man - Người đàn ông thuế quan.

a8 trump

Tổng thống Donald Trump, người tự hào gọi mình là Tariff Man, đang đe dọa sẽ sử dụng vũ khí kinh tế yêu thích của mình để bảo vệ ngành dầu mỏ của Mỹ trước Saudi Arabia và Nga.

Hai quốc gia này đang tham gia vào một cuộc chiến giá hoành tráng, đi cùng với tình hình nhu cầu lao dốc do đại dịch virus corona, đẩy giá dầu thô xuống mức thấp trong 18 năm. Hàng chục công ty dầu mỏ của Mỹ hiện đang đối mặt với phá sản.

"Chúng tôi muốn cứu ngành công nghiệp tuyệt vời này", ông Trump nói trong cuộc họp báo vào Chủ nhật.

Mục tiêu là buộc ông Putin và Thái tử Mohammed bin Salman đạt được một bước đột phá tại cuộc họp rất được mong đợi vào thứ Năm bằng cách cắt giảm mạnh sản xuất.

"Nếu họ không thuận theo, tôi sẽ làm ", Trump nói. "Tôi sẽ áp thuế, những khoản thuế rất đáng kể."

Nhưng chiến lược đàm phán đó có thể không hiệu quả vì Hoa Kỳ nhập khẩu ít dầu thô từ Saudi Arabia và Nga trong những ngày này. Có lẽ, điều này có thể phản tác dụng đối với các nhà máy lọc dầu của Mỹ, những nơi phụ thuộc vào một lượng lớn dầu thô nước ngoài để hoạt động hết công suất.

Các hãng dầu muốn thuế quan hay không? Phụ thuộc vào người bạn hỏi

Và mối đe dọa thuế quan phơi bày sự chia rẽ sâu sắc trong chính ngành công nghiệp dầu mỏ. Các công ty dầu lớn, những công ty được xây dựng để có thể chịu được dầu thô giá rẻ, đang thúc giục Trump không dùng đến thuế quan.

"Hoạt động của thị trường tự do là phương tiện hiệu quả nhất để giải quyết sự mất cân bằng cung và cầu nghiêm trọng chúng ta đang gặp phải", theo ExxonMobil, hãng sản xuất dầu lớn nhất của Mỹ.

Để bảo vệ cổ tức của mình, Exxon tuyên bố vào thứ Ba họ sẽ giảm chi tiêu 30%, bao gồm cả việc thu hẹp đầu tư vào mỏ dầu đá phiến Permian Basin đã đưa Hoa Kỳ trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, các công ty dầu độc lập, nhiều công ty trong số đó đang đấu tranh để tồn tại, đang cầu xin Trump sử dụng thuế quan để trừng phạt Saudi Arabia và Nga vì đã nhắm mục tiêu vào các nhà sản xuất chi phí cao của Mỹ. Liên Minh Các Nhà Sản Xuất Năng Lượng Trong Nước (DEPA), một liên minh gồm các công ty dầu mỏ do nhà tiên phong sản xuất dầu đá phiến Harold Hamm dẫn đầu, đang thúc đẩy điều này.

"Saudi Arabia và Nga đang hành động như các siêu cường năng lượng, âm mưu bán phá giá trái phép, trong nỗ lực đè bẹp sự độc lập năng lượng của Mỹ và khôi phục khả năng bắt giữ Hoa Kỳ và thế giới làm con tin với giá năng lượng cao", DEPA nói trong một tuyên bố hồi tháng trước, kêu gọi một cuộc điều tra của Bộ Thương mại.

Continental Resources, hãng sản xuất đá phiến do ông Hamm thành lập và làm chủ tịch điều hành, đang tiêu điều bởi dầu giá rẻ. Vào thứ Ba, Continental không chỉ cho biết họ sẽ giảm 30% sản lượng, mà còn buộc phải tạm dừng cổ tức.

Hamm là một trong số các CEO của các công ty dầu khí đã gặp ông Trump tại Nhà Trắng hôm thứ Sáu. Trong cuộc họp thượng đỉnh đó, Trump tỏ ra sẵn sàng sử dụng thuế quan, theo Mike Sommers, CEO của Petroleum Institute, cho biết sau khi tham gia cuộc họp tại Nhà Trắng.

Thuế quan có thể là 'vô ích'

Không rõ liệu ông Trump có đang xem xét đánh thuế nhằm vào Nga và Saudi Arabia hay không, áp thuế đối với tất cả dầu mỏ nước ngoài hoặc một điều gì đó trung dung. Nhà Trắng không phản hồi yêu cầu bình luận.

Các nhà phân tích rất hoài nghi liệu thuế quan đối với Nga và Saudi Arabia có thể thay đổi được cuộc chơi trong ngành dầu mỏ.

"Tôi tin rằng trong số tất cả những điều khác nhau chính quyền có thể làm để giúp ngành dầu mỏ, thuế quan nằm ở cuối danh sách," theo Joe McMonigle, nhà phân tích chính sách năng lượng cao cấp của Hedgeye Risk Management và cựu quan chức của Bộ Năng lượng dưới thời Tổng thống George W. Bush.

Đó là vì Hoa Kỳ nhập khẩu chỉ 401,000 thùng dầu mỗi ngày từ Saudi Arabia trong tháng Một, theo số liệu thống kê mới nhất từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, giảm 44% so với một năm trước và tổng số hàng tháng thấp nhất kể từ giữa những năm 1980. Nga chỉ bán được 95,000 thùng dầu cho Mỹ trong tháng Giêng.

Tính chung, Nga và Saudi Arabia chỉ chiếm 8% tổng lượng dầu nhập khẩu của Mỹ.

"Thuế quan không thực sự là một cây gậy. Chúng sẽ vô ích", theo Paola Rodriguez-Masiu, nhà phân tích thị trường dầu cao cấp tại Rystad Energy.

"Chúng tôi không muốn dầu nước ngoài"

Tuy nhiên ông Trump lại coi thuế quan là cách để thể hiện sự thống trị năng lượng của Mỹ.

"Bây giờ chúng tôi độc lập; chúng tôi có dầu của riêng mình. Nếu tôi thực hiện áp thuế, về cơ bản chúng tôi sẽ nói, 'Chúng tôi không muốn dầu nước ngoài .... Chúng tôi sẽ sử dụng dầu của chính mình," ", ông Trump nói vào Chủ nhật.

Hoa Kỳ chắc chắn đã có những bước tiến rất lớn đối với việc tự hạn chế dầu nước ngoài. Tuy nhiên, họ không thực sự độc lập.

Hơn 6 triệu thùng dầu thô nước ngoài vẫn được nhập khẩu hàng ngày, phần lớn từ các nước láng giềng Canada và Mexico.

"Ý tưởng về việc Hoa Kỳ độc lập năng lượng chỉ là một bài diễn văn chính trị", theo Michael Tran, giám đốc chiến lược năng lượng toàn cầu tại RBC Capital Markets.

Các hãng lọc dầu bị kẹt ở giữa

Và có lý do cho việc nhập khẩu dầu đó: hệ thống nhà máy lọc dầu hàng chục tuổi đời của Mỹ không thể chỉ sử dụng dầu đá phiến của Mỹ. Để tạo ra lợi nhuận từ xăng, nhiên liệu máy bay và dầu diesel, các nhà máy lọc dầu này đòi hỏi một lượng dầu nặng đáng kể chỉ có thể ở nước ngoài. Và một số trong những nguồn dầu đó đã bị chặn lại bởi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela.

Điều đó có nghĩa áp thuế đối với tất cả các loại dầu nước ngoài, hoặc thậm chí chỉ áp dụng đối với các quốc gia ngoài Bắc Mỹ, có thể là thảm họa đối với các nhà máy lọc dầu Mỹ. Lợi nhuận của nhà máy lọc dầu đã rất yếu do nhu cầu xăng dầu và nhiên liệu máy bay lao dốc chưa từng có vì đại dịch virus corona.

Lợi nhuận xăng thậm chí còn mấp mé vùng tiêu cực, có nghĩa là các nhà máy lọc dầu thực sự có thể mất tiền trên mỗi gallon xăng sản xuất.

Thêm thuế quan vào tình hình bi đát này sẽ chỉ tăng thêm khổ đau cho các nhà máy lọc dầu.

Áp thuế quan hay không, phần lớn phụ thuộc vào cuộc họp OPEC vào thứ Năm, 9/4. Giá dầu thô đã tăng kỷ lục 32% vào tuần trước với hy vọng Saudi Arabia và Nga sẽ tuyên bố đình chiến và giảm mạnh sản lượng.

"Nếu OPEC và đồng minh không thể giải quyết được", Tran nói, "có thể tình hình sẽ rất khó khăn với khả năng giá xuống các mức thấp $20 hay thập chí $10."

Trường Sơn lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1