Thế giới chưa từng chứng kiến một cuộc suy thoái tồi tệ như thế này từ những năm 1930. Phục hồi là không chắc chắn |
Đại dịch virus corona đang khiến kinh tế toàn cầu rơi vào đợt suy thoái sâu sắc nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930 và chính phủ cùng các quan chức y tế phải hợp tác để ngăn chặn một kết cục thậm chí tồi tệ hơn. Đó là lời cảnh báo nghiêm túc từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vào thứ Ba, 14/4, rằng có nguy cơ suy thoái kéo dài đến năm 2021 nếu các nhà hoạch định chính sách không phối hợp trong phản ứng toàn cầu chống virus. Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, IMF cho biết họ dự kiến GDP sẽ giảm 3% trong năm 2020, một cuộc suy thoái còn tệ hơn nhiều so với khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và xoay ngược 180 độ so với dự báo trước đó trong tháng Một khi IMF dự kiến tăng trưởng 3.3% trong năm nay. “Đại Phong tỏa, như người ta có thể gọi, được dự kiến sẽ khiến tăng trưởng toàn cầu suy giảm đáng kể. Tăng trưởng dự kiến sẽ phục hồi một phần trong năm 2021... nhưng xu hướng tăng sẽ vẫn thấp hơn thời kỳ tiền virus, khi sức mạnh phục hồi rất không chắc chắn,” theo IMF. "Có thể các kết quả tăng trưởng sẽ tồi tệ hơn nhiều.” Tại Hoa Kỳ, nơi các nhà lập pháp đã phê duyệt hơn 2 nghìn tỷ USD dành cho kích thích kinh tế và Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ đã giải phóng hàng nghìn tỷ dollar để giữ cho hệ thống tài chính không bị đình trệ, IMF dự kiến kinh tế sẽ giảm 5.9% trong năm nay, khoản giảm tệ nhất kể từ năm 1946. Một số nước châu Âu có khả năng sẽ có sản lượng giảm ít hơn. Kinh tế toàn cầu đang suy giảm đáng kể
Nguồn: IMF Grapic: Tal Yellin, CNN Tăng trưởng ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nơi đầu tiên bị virus corona tàn phá, sẽ giảm mạnh xuống 1.2%. Nước này chưa từng thấy tăng trưởng yếu như thế từ năm 1976. Triển vọng ảm đạm ngay cả ở những quốc gia nơi chính phủ và ngân hàng trung ương phản ứng mạnh mẽ trong nỗ lực giúp đỡ công nhân và doanh nghiệp. IMF dự kiến kinh tế Đức, lớn nhất ở châu Âu và phụ thuộc nhiều vào thương mại toàn cầu, sẽ giảm 7% vào năm 2020. Kinh tế Canada được dự báo sẽ giảm 6.2%, trong khi Vương quốc Anh có thể giảm 6.5%. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sẽ suy giảm 5.3% dù cho đến nay họ đã tránh được việc áp đặt các hạn chế hà khắc đối với việc đi lại, làm việc và đời sống công cộng trên toàn quốc, vốn khiến hoạt động kinh tế ở các nơi khác trên thế giới đóng băng. Các nước EU đã cam kết dành những khoản tiền khổng lồ hỗ trợ các công ty và hộ gia đình, và các hạn chế thâm hụt ngân sách đã được nới lỏng để cho phép họ vay thêm. Nhưng Tây Ban Nha và Italy, nơi bị virus tấn công mạnh mẽ, được dự đoán kinh tế sẽ giảm lần lượt 8% và 9.1%, nhấn mạnh nhu cầu cấp bách để EU tìm cách tài trợ cho kế hoạch phục hồi. Dự báo của IMF cho thấy thế giới đang ở giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong gần một thế kỷ, và những nỗ lực ngăn chặn đại dịch này sẽ khiến hàng chục triệu người mất việc và hàng chục nghìn công ty đóng cửa. Thất nghiệp ở Hoa Kỳ sẽ tăng lên 10.4% trong năm nay và 9.1% vào năm 2021, theo IMF. IMF dự kiến kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục trong năm 2021, với mức tăng trưởng đạt 5.8% nếu đại dịch biến mất trong nửa cuối năm nay. Nhưng IMF cảnh báo triển vọng này rất không chắc chắn, và bất kỳ yếu tố nào cũng có thể có nghĩa những nỗ lực ngăn chặn coronavirus vẫn kéo dài lâu hơn nhiều so với dự kiến. "Đại dịch có thể dai dẳng hơn giả định.... Hơn nữa, ảnh hưởng của khủng hoảng sức khỏe đối với hoạt động kinh tế và thị trường tài chính có thể trở nên mạnh mẽ và lâu dài hơn, thử nghiệm các giới hạn của ngân hàng trung ương nhằm hỗ trợ cho hệ thống tài chính và tăng thêm gánh nặng tài chính,", IMF cảnh báo. Chẳng hạn, niềm tin của người tiêu dùng có thể không cải thiện được. Các công ty và hộ gia đình có thể thay đổi hành vi, dẫn đến nhu cầu yếu và chuỗi cung ứng gián đoạn hơn nữa. Theo IMF giảm đầu tư và phá sản có thể để lại "vết sẹo kéo dài hơn xuyên suốt nền kinh tế.” Phản ứng toàn cầu cần thiết Cách tốt nhất để giảm tổn thương kinh tế, theo IMF, là các chính phủ và quan chức y tế công tăng cường hợp tác. "Các quốc gia cần khẩn trương hợp tác làm chậm sự lây lan của virus và phát triển vaccine và liệu pháp để đối phó với căn bệnh này. Chỉ đến khi các biện pháp can thiệp y tế này trở nên khả dụng, không quốc gia nào an toàn trước đại dịch" IMF khuyến nghị các chính phủ nên chi nhiều hơn cho việc thử nghiệm, thuê lại các chuyên gia y tế đã nghỉ hưu và mua sắm thiết bị như máy thở và đồ bảo hộ cá nhân. Những hạn chế thương mại đối với các sản phẩm y tế nên được dỡ bỏ. IMF ca ngợi các nền kinh tế phát triển trong đó có Australia, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Hoa Kỳ vì những phản ứng tài chính của họ đối với cuộc khủng hoảng, đồng thời cũng ca ngợi Trung Quốc, Indonesia và Nam Phi. Nhưng có thể cần phải được thực hiện nhiều điều hơn. Theo IMF, "Các biện pháp tài khóa sẽ cần được tăng cường nếu những tắt nghẽn trong hoạt động kinh tế vẫn tồn tại hoặc hoạt động kinh tế tăng quá yếu khi các hạn chế được dỡ bỏ ". Chính phủ cũng nên cung cấp các gói cứu trợ cho người lao động. Ở những nơi việc nghỉ bệnh được trả lương và nghỉ phép vì việc nhà không phải là tiêu chuẩn, "chính phủ nên xem xét tài trợ để những người lao động không khỏe hoặc người chăm sóc họ ở nhà không sợ mất việc trong đại dịch", theo IMF. Phong Lữ lược dịch
Theo CNN
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|