Thị trường Thứ ba, 21/04/2020, 15:05 GMT+7
Mọi người không rời nhà, nhưng vẫn mua sản phẩm làm đẹp

Nhu cầu về các sản phẩm làm đẹp dường như vẫn mạnh dù hàng trăm triệu người tiêu dùng không rời khỏi nhà để chiến đấu chống đại dịch virus corona.

a21 loreal

L'Oreal, hãng mỹ phẩm lớn nhất thế giới, ngày 16/4 cho biết doanh thu quý một ở Trung Quốc tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái, dù virus corona khiến nước này phải ngừng hoạt động, tăng trưởng kinh tế lao dốc.

Hãng với đế chế làm đẹp rộng lớn gồm hàng chục thương hiệu sản phẩm chăm sóc da, chăm sóc tóc, trang điểm và nước hoa, cho biết doanh số toàn cầu giảm 48% trong ba tháng tính đến tháng Ba.

"Tuy nhiên, như ví dụ từ Trung Quốc cho thấy, tình hình hiện tại không dẫn đến câu hỏi về nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm làm đẹp. Nhu cầu vẫn còn nguyên vẹn", hãng cho biết trong một tuyên bố.

L'Oreal cho biết doanh số bán hàng trực tuyến đã tăng vọt ở Trung Quốc, trong đó nhu cầu một số sản phẩm chăm sóc da và chăm sóc tóc tăng trong thời gian phong tỏa. Và nhu cầu đối với các sản phẩm khác tăng mạnh trở lại khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế, đưa doanh số tiến đến đà tăng hai con số trong quý hai.

Nhiều nhà đầu tư đang đặt cược vào sự phục hồi kinh tế nhanh chóng từ đại dịch virus corona, khi các công ty từ Starbucks đến Volkswagen đều công bố kế hoạch mở lại các cửa hàng và nhà máy. Ví dụ của L'Oreal có thể củng cố những hy vọng đó.

"Trải nghiệm ở Trung Quốc rất thú vị và rất có ý nghĩa đối với các khu vực khác trên thế giới", Chủ tịch và Giám đốc điều hành Jean-Paul Agon nói trong một cuộc gọi với các nhà phân tích. "Những gì chúng ta đã thấy ở Trung Quốc là việc tiêu thụ các sản phẩm làm đẹp phục hồi khá nhanh chóng."

Tuy nhiên ông cảnh báo doanh số sản phẩm trang điểm phục hồi từ tốn hơn, vì đeo khẩu trang làm giảm nhu cầu đối với những sản phẩm này. Nhưng ông vẫn tự tin tiêu dùng sẽ phục hồi.

"Đây không phải là cuộc khủng hoảng nhu cầu, là một cuộc khủng hoảng nguồn cung. Người tiêu dùng thực sự muốn mua tất cả các loại sản phẩm làm đẹp nhưng họ không thể làm điều đó vì các cửa hàng đã đóng cửa", ông Agon nói thêm.

Doanh số của các sản phẩm xa xỉ giá phải chăng - có thể gồm mọi thứ, từ sơn móng tay, thuốc nhuộm tóc và mascara, đến chocolate cao cấp, kem và bánh kẹo - có xu hướng có các kết quả tốt trong thời kỳ suy thoái, vì người tiêu dùng tìm kiếm sự thoải mái từ những chiều chuộng nho nhỏ này, theo báo cáo 2013 Euromonitor International.

Doanh số bán hàng trực tuyến của L'Oreal đã tăng mạnh trong quý một, 67% tại Trung Quốc và 53% trên toàn thế giới, chiếm gần một phần năm doanh số của tập đoàn.

Mức tiêu thụ các sản phẩm chăm sóc da và chăm sóc tóc, đặc biệt là thuốc nhuộm tóc, vẫn vững vàng vì phụ nữ không thể đến tiệm làm tóc trong thời gian phong tỏa, ông Agon nói. "Những gì chúng ta đang thấy ở khắp nơi ngay bây giờ chính là nơi nào các tiệm tóc đóng cửa, nơi đó doanh số màu nhuộm tóc tăng 50%."

L'Oreal bán thuốc nhuộm tóc và các sản phẩm tiêu dùng khác, dưới các nhãn hiệu như Garnier, Maybelline và NYX, tại các hiệu thuốc và cửa hàng thuốc, nhiều nơi vẫn mở cửa trong thời gian phong tỏa. Điều này đã giúp bù đắp doanh số giảm mạnh hơn trong các nhóm hàng chuyên biệt, được bán các cửa hàng bách hóa và tiệm làm tóc.

"Tôi nghĩ rằng các sản phẩm chăm sóc cá nhân và làm đẹp sẽ mạnh hơn sau cuộc khủng hoảng vì mọi người sẽ nhận ra việc chăm sóc bản thân quan trọng hơn thế nào", Agon nói, dự đoán mọi người sẽ "lao đến các tiệm làm tóc ở mọi nơi" khi các doanh nghiệp được phép mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, các sản phẩm làm đẹp có thể là một ngoại lệ. Chi tiêu bán lẻ đã giảm 19% trong quý trước tại Trung Quốc, theo dữ liệu được công bố vào thứ Sáu, vì việc phong tỏa khiến người tiêu dùng không thể mua mọi thứ từ đồ gia dụng đến ô tô mới.

"Chúng tôi chỉ có thể hy vọng sự phục hồi diễn ra dần dần từ tháng Năm hoặc tháng Sáu sau quý thứ hai, vốn vẫn sẽ bị ảnh hưởng cuộc khủng hoảng, đặc biệt là ở châu Âu và Hoa Kỳ," theo LVMH.

Công ty hàng xa xỉ, sở hữu các nhãn hiệu Louis Vuitton và Hennessy và phụ thuộc rất nhiều vào chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc, đã báo cáo doanh thu giảm 15% trong quý một xuống còn 106 tỷ euro (11.6 tỷ USD).

Phong Lữ lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1