Thị trường Thứ ba, 07/01/2020, 13:08 GMT+7
Những lời đe dọa Iraq của ông Trump có thể gây phản tác dụng đối với dầu và khí đốt

Thực tế chính trị và kinh tế có thể khiến Tổng thống Donald Trump khó lòng thực hiện lời đe dọa trừng phạt Iraq với những cấm vận nặng nề nếu quân đội Mỹ phải rời khỏi nước này.

ja7 trump

Vào Chủ Nhật, 5/1, Ông Trump đe dọa sẽ trừng phạt Iraq bằng những cấm vận “chưa từng thấy” nếu quân đội Mỹ bị buộc rời Iraq.

“Chúng sẽ khiến những cấm vận đối với Iran trông thật hiền hòa,” tổng thống nói với các phóng viên trên chiếc Air Force One.

Điều này sẽ khó mà đạt được nếu không nâng giá dầu và giá xăng, vốn đã đang tăng. Iraq là một trong những nước sản xuất dầu quan trọng nhất thế giới. Loại bỏ sản lượng dầu từ nước này sẽ làm trầm trọng thêm những lo ngại về một cú shock nguồn cung sau khi ông Trump ra lệnh tiến hành cuộc không kích bằng máy bay không người lái ở Baghdad vào tuần trước, giết chết tướng lĩnh hàng đầu của Iran.

“Nếu những lệnh cấm vận kiểu Iran loại bỏ dầu Iraq, điều này sẽ đẩy giá dầu lên rất nhanh,” theo Bob McNally, chủ tịch hãng tư vấn Rapidan Energy Group.

Đây chính xác là lý do vì sao các nhà phân tích tin rằng ông Trump sẽ không theo đuổi đến cùng lời đe dọa của mình, đặt biệt khi chỉ còn 10 tháng nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống. Ông Trump đưa ra tuyên bố này sau khi quốc hội Iraq bỏ phiếu vào Chủ Nhật yêu cầu chính phủ xem xét chấm dứt sự hiện diện của tất cả các đội quân nước ngoài trên lãnh thổ Iraq.

“Điều này sẽ đẩy giá xăng lên và vì thế gây tác hại cho nền kinh tế cũng như các cơ hội trúng cử của ông Trump,” ông McNally nói.

Việc sát hại tướng Qasem Soleimani của Iran đã đẩy giá dầu Brent lên trên $70/thùng vào thứ Hai. Dầu thô Mỹ cũng tăng lên trên $63/thùng. Không có dấu hiệu hoảng loạn từ những động thái này, nhưng các nhà đầu tư rõ ràng lo lắng về nguy cơ của một cú shock giá do Iran hứa sẽ trả đũa dữ dội cuộc tấn công bằng máy bay không người lái này.

Iraq là nước sản xuất dầu lớn thứ hai trong OPEC, chỉ sau Saudi Arabia. Trong tháng 11, Iraq sản xuất 4.6 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, nhiều hơn so với mức sản xuất 3.1 triệu thùng/ngày của UAE, nước sản xuất lớn thứ ba trong OPEC.

Ở bức tranh lớn hơn, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Iraq được dự kiến sẽ là nước có đóng góp nhiều thứ ba vào nguồn cung dầu toàn cầu đến năm 2030.

F1. Iraq là nước sản xuất dầu lớn thứ hai trong OPEC

Các cấm vận của Mỹ có thể xóa đi một lượng lớn nguồn cung dầu thô. Iraq sản xuất 4.6 triệu thùng dầu mỗi ngày, theo các nguồn tin thứ cấp do OPEC thu thập

ja7 trump f 01

Hoa Kỳ dựa vào dầu Iraq để giữ nền kinh tế hoạt động tốt. Nhập khẩu dầu từ Iraq tổng cộng đạt 252,000 thùng/ngày trong tháng Mười, theo thống kê mới nhất từ chính phủ Mỹ, đưa Iraq trở thành nguồn cung dầu nước ngoài lớn thứ tư cho Mỹ, sau Canada, Mexico và Saudi Arabia.

“Ai có thể dự đoán ông Trump sẽ làm gì tiếp theo? Nhưng điều đó sẽ không có ý nghĩa gì nhiều,” theo Matt Smith, giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại Clipper Data.

OPEC có thể sản xuất thêm dầu để bù cho những thiếu hụt từ Iraq hoặc những nơi khác. Nhóm này, cùng các đồng minh như Nga, hiện đang hạn chế sản xuất trong nỗ lực đẩy giá dầu lên.

Tuy nhiên, theo ông McNally, OPEC sẽ không có khả năng bù cho toàn bộ sản lượng từ Iraq. “Chúng ta sẽ không còn năng lực dự trữ.”

F2. Giá dầu thô tăng cao hơn

Căng thẳng ở Trung Đông giúp đẩy giá dầu lên cao hơn, dù vẫn dưới mức đỉnh năm 2018.

ja7 trump f 02

Chắc chắn, ông Trump không đề cập cụ thể rằng các cấm vận của Mỹ sẽ nhằm vào ngành dầu của Iraq. Tuy nhiên, dầu rõ ràng là ngành công nghiệp quan trọng nhất của nước này. Xuất khẩu dầu, ngoại trừ dầu được sản xuất từ Khu vực tự trị người Kurd ở phía bắc, chiếm 88% tổng doanh thu chính phủ Iraq trong năm 2017, theo Cục Thông tin Năng lượng Mỹ.

Nói cách khác, sẽ khó mà trừng phạt Iraq thật nặng nếu không chạm đến ngành dầu của nước này.

Cuộc cách mạng đá phiến giảm nhu cầu đối với dầu nước ngoài của Mỹ

Các tổng thống Mỹ thường cố gắng tránh những hành động có thể gây tổn hại cho người tiêu dùng xăng dầu. Giá xăng trung bình ở Mỹ là $2.58/gallon, hầu như không đổi so với một tháng trước, theo AAA. Tuy nhiên, nếu giá bất ngờ tăng lên trên $3/gallon có thể khiến các cử tri bất bình trước cuộc bầu cử tháng 11, và giá năng lượng tăng sẽ khiến một số phần trong kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại.

“Tổng thống Trump rõ ràng đang bị ràng buộc bởi những yếu tố bầu cử để đảm bảo thị trường được hỗ trợ và nền kinh tế không phải chịu một cú shock dầu,” theo Matt Gertken, một chiến lược gia địa chính tại BCA Research.

Tuy nhiên, ông Trump có thể không lo lắng nhiều như những người tiền nhiệm về một cú shock dầu. Đó là bởi hiện tại Hoa Kỳ là nước sản xuất dầu hàng đầu, không còn phụ thuộc nhiều vào dầu thô nước ngoài. Trên thực tế, cuộc cách mạng dầu đá phiến đã khiến nước Mỹ có nhiều dầu đến mức hiện họ đang xuất khẩu hàng triệu thùng dầu mỗi ngày.

Theo thống kê mới nhất từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, lượng nhập khẩu ròng (nhập khẩu trừ xuất khẩu) chỉ còn 2.9 triệu thùng/ngày trong tháng Mười, giảm rất nhiều so với 8.7 triệu thùng một thập niên trước.

“Tổng thống Trump cảm thấy ông có một khoản đệm cho cử tri về giá xăng dầu. Điều này thúc đẩy ông gia tăng áp lực lên Iran,” ông Gertken nói.

Rob Thummel, giám đốc điều hành tại hãng đầu tư năng lượng Tortoise Capital, cho rằng đợt bùng nổ dầu đá phiến sẽ hạn chế tác động lâu dài của những cấm vận của Hoa Kỳ đối với Iraq.

“Hoa Kỳ có thể sản xuất thêm dầu nếu phải như thế. Sẽ mất một thời gian bởi sản xuất dầu không giống như mở khóa vòi nước. Sẽ mất thời gian,” ông Thummel nói.

Lập lại một Iran năm 2018?

Dù vậy, trước đây, ông Trump từng thể hiện mối quan ngại về việc các cấm vận dầu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Mỹ.

Năm 2018, giá dầu tăng mạnh sau khi ông này tuyên bố sẽ đưa xuất khẩu dầu Iran về zero bằng các cấm vận.

Sau khi dầu thô Mỹ đạt gần $77/thùng vào đầu tháng Mười, ông Trump lui bước. Nội các Mỹ đưa ra các miễn trừ cho phép những khách hàng lớn của Iran tiếp tục mua dầu thô. Điều này khiến những lo sợ về nguồn cung biến mất. Cuối cùng dầu thô Mỹ rơi vào vùng xuống giá.

“Nếu chúng ta thực hiện các cấm vận Iraq, tôi cho rằng tình huống với Iran sẽ lập lại,” theo ông McNally.

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1