Anh cần một thỏa thuận thương mại lớn với châu Âu và muốn có một thỏa thuận với Mỹ. Họ có thể kết thúc năm 2020 mà không có thỏa thuận nào |
Sau gần bốn năm bất ổn sâu sắc gây khó khăn cho nền kinh tế và khiến các nhà đầu tư nản lòng, cuối cùng, Anh đã rời Liên minh châu Âu. Điều gì xảy ra tiếp theo là rất quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp, nhưng triển vọng sáng sủa lắm. Vương quốc Anh đang bước vào giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 11 tháng, khi Thủ tướng Boris Johnson phải chạy đua để đạt được những thỏa thuận thương mại mới với các đối tác kinh tế lớn nhất của nước này. Thất bại nghĩa là sẽ có thêm tổn thương đối với một nền kinh tế đã bị đình trệ. Sau bốn thập kỷ là thành viên của một khối thương mại hùng mạnh, nước Anh đang tự mình tách ra. Nhiệm vụ đầu tiên là quyết định mối quan hệ mà họ muốn với Liên minh châu Âu, nơi hiện đang mua gần một nửa hàng xuất khẩu của Anh, sẽ thân cận đến mức nào. Ông Johnson có ý định tách khỏi khối trong các vấn đề quy định quan trọng, rằng ông muốn có không gian để đàm phán các thỏa thuận thương mại mới với những cường quốc khác, chẳng hạn như Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nước Anh càng tách khỏi Liên minh châu Âu, họ càng khó giao dịch với các nước láng giềng, trong đó có Pháp và Đức. Nhiều công ty Anh, vốn đã chịu bất ổn do Brexit, khó lòng chịu được những rào cản thương mại mới đe dọa các chuỗi cung ứng và khiến các sản phẩm cũng như dịch vụ của họ trở nên đắt đỏ hơn. Những vấn đề khác cũng cản trở việc đảm bảo các thỏa thuận thương mại với Châu Âu hoặc Hoa Kỳ. Nhóm đàm phán Vương quốc Anh thiếu kinh nghiệm, và họ sẽ phải làm việc với một thời gian biểu rất chặt chẽ. "Chúng tôi đã không thực hiện các đàm phán thương mại trong 40 năm qua", theo Kim Darroch, cựu đại sứ Vương quốc Anh tại Hoa Kỳ. Nước Anh vẫn chưa công bố các mục tiêu đàm phán với Hoa Kỳ, ông nói, "nói thẳng là vì chúng tôi không có năng lực để xử lý." Chuyện gì xảy ra tiếp theo Trong khi Anh cắt đứt các mối quan hệ pháp lý với Liên minh châu Âu vào thứ Sáu, 31/1, quan hệ thương mại sẽ không thay đổi trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài đến cuối năm 2020. Ông Johnson có thể yêu cầu gia hạn thời hạn này, nhưng ông đã nhiều lần hứa sẽ không làm thế. Tính toán sai lầm sẽ gây tốn kém. Nếu Vương quốc Anh không đạt được một thỏa thuận thương mại mới với Brussels khi hết thời gian, họ sẽ phải đối mặt với các rào cản thương mại mới đáng kể. Đây chính là "Brexit cứng" từ lâu đã khiến cộng đồng doanh nghiệp khiếp sợ và khiến CEO của các công ty như Airbus và Nissan cảnh báo về những hậu quả thảm khốc. Các công ty Mỹ, đã đầu tư hơn 750 tỷ USD vào Vương quốc Anh và sử dụng hơn 1.5 triệu người Anh, cũng đang lo lắng. Marjorie Chorlins, giám đốc điều hành Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Anh nói: "Chúng tôi kêu gọi Vương quốc Anh và EU nhanh chóng hành động để các nhà đầu tư và xuất khẩu Hoa Kỳ có sự rõ ràng cần thiết để phát triển doanh nghiệp và tạo thêm nhiều việc làm". "Điều cần thiết là giai đoạn chuyển tiếp sẽ tiếp tục cho đến khi thỏa thuận cuối cùng giữa Anh và EU được ký kết", bà nói thêm. Mối đe dọa thuế quan mới đối với thương mại hàng hóa với châu Âu, ở những phần trước đây chưa từng có, sẽ buộc London phải ưu tiên đàm phán với Brussels. Bộ trưởng tài chính Anh, ông Sajid Javid, phát biểu tại Davos, xác nhận một thỏa thuận thương mại với châu Âu sẽ có trước Hoa Kỳ. "Thay vì lao đầu vào một thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ, nước Anh nên ưu tiên ổn định mối quan hệ với các đối tác thương mại hiện có và lấy lại niềm tin của họ", theo Sam Lowe, một nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Cải cách Châu Âu. Ngay cả khi đó, các hiệp định thương mại toàn diện thường phải đàm phán trong nhiều năm chứ không phải vài tháng, và các chuyên gia cho rằng điều tốt nhất nước Anh có thể hy vọng trong năm nay là một thỏa thuận với châu Âu giữ các khoản thuế ở khoảng cách an toàn nhưng lại dẫn đến các rào cản hành chính và pháp lý mới về xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Các nhà phân tích tại Deutsche Bank cho biết kiểu thỏa thuận cơ bản có thể đạt được vào năm 2020 nghĩa là sẽ có va chạm ở biên giới và khả năng tiếp cận châu Âu của ngành dịch vụ khổng lồ nước này sẽ giảm. Lĩnh vực dịch vụ tài chính hùng mạnh của Anh, chiếm 7% sản lượng kinh tế, gần như chắc chắn sẽ thấy khả năng tiếp cận thị trường EU bị hạn chế. Và thậm chí loại thỏa thuận hạn chế này sẽ buộc chính phủ đưa ra những lựa chọn khó khăn về mặt chính trị như liệu Anh có nên hạn chế quyền tiếp cận lãnh hải Anh của các đội tàu cá EU hay không. "Liệu Vương quốc Anh có sẳn sàng để thực hiện những thỏa hiệp cần thiết trong nước để ký kết một thỏa thuận hay không?" Ông Lowe hỏi. "Cho đến nay chính phủ vẫn vật lộn để đưa ra các câu trả lời." Một thỏa thuận với Hoa Kỳ? Ông Johnson có thể còn gặp khó khăn hơn để đạt được một thỏa thuận với Hoa Kỳ. Mỹ, nước đã có thặng dư thương mại với Vương quốc Anh, sẽ không chấp nhận một thỏa thuận đổ tiền vào Vương quốc Anh mà không đòi hỏi nhiều. Và các yêu cầu của Hoa Kỳ là điều rất nhiều người Anh phản cảm, bởi vì chúng có thể đồng nghĩa thuốc men đắt tiền hơn hoặc tiêu chuẩn thực phẩm thấp hơn. Hoa Kỳ sẽ đòi hỏi mở cửa thị trường Anh đối với nông sản xuất khẩu nhiều hơn, trong đó có thịt gà rửa bằng clo và thịt bò xử lý bằng hormone. Họ cũng sẽ yêu cầu thay đổi các quy định sẽ khiến chi phí dược phẩm Anh tăng giá. Ông Johnson đã không làm được nhiều để chuẩn bị cho công chúng Anh trước thực tế này. "Nước Anh sẽ không có được một chuyến đi dễ dàng chỉ vì mối quan hệ được gọi là đặc biệt với Hoa Kỳ," ông Lowe nói. "Nếu Anh chống lại yêu cầu của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và vệ sinh thực phẩm, việc ký kết một hiệp định thương mại tự do toàn diện có thể mất nhiều năm." Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết trong chuyến thăm Luân Đôn rằng những tiến bộ đáng kể có thể đạt được trước khi kết thúc năm. Nhưng ông nói rằng "sẽ có những vấn đề gây tranh cãi thực sự xung quanh lĩnh vực nông nghiệp" khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có tìm cách ép gà rửa bằng clo vào Vương quốc Anh hay không. "Chúng tôi cần đảm bảo chúng tôi không sử dụng an toàn thực phẩm như một mưu mẹo để thử và bảo vệ một ngành công nghiệp cụ thể", ông Pompeo nói. "Người tiêu dùng ... sẽ là người hưởng lợi từ những thỏa thuận thực sự tốt này." Ngoài ra, Quốc hội Hoa Kỳ, nơi phải phê duyệt các thỏa thuận thương mại tự do toàn diện, khó có thể trao cho Tổng thống Donald Trump một chiến thắng về thương mại trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Và nước Anh gần đây đã đi ngược với chính quyền Mỹ hai lần trong những vấn đề chủ chốt. Họ đã cho phép Huawei giúp xây dựng các mạng viễn thông ở Vương quốc Anh và hứa sẽ thực hiện một loại thuế mới sẽ ảnh hưởng đến các công ty công nghệ Mỹ. Chính quyền Trump sau đó đáp trả bằng cách đe dọa áp thuế đối với ô tô sản xuất tại Anh, một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đặc biệt có ý nghĩa ít ỏi như thế nào khi nói đến thương mại. Lèo lái qua những vùng nước không thể đoán trước này sẽ cần phải rất khéo léo "Tổng thống Donald Trump dễ dàng thay đổi và nhanh chóng phản đòn, đồng thời xem thương mại như một cây vợt bảo vệ - đầu tiên ông ta tăng mối đe dọa, dưới hình thức các thuế quan và sự bất ổn, sau đó đề nghị bảo vệ bạn để được trả giá", ông Lowe nói. Thất bại trông như thế nào Tình trạng của ngành công nghiệp ô tô của Anh cho thấy vì sao nhanh chóng có được các thỏa thuận hợp lý lại quan trọng đến vậy. Sản xuất ô tô của Anh đã giảm 14% trong năm ngoái, theo dữ liệu công bố trong tuần này từ Hiệp hội Các Nhà Sản Xuất và Giao Dịch Xe Máy. Đợt suy giảm trong năm thứ ba liên tiếp của ngành là do những rắc rối ở các thị trường nước ngoài quan trọng, và việc thay thế các xe diesel ở châu Âu, nhưng chính tình trạng hoang mang vì Brexit cũng đóng một vai trò rất lớn. "Ngành sản xuất ô tô ở Anh xuống mức thấp nhất trong gần một thập kỷ là điều đáng lo ngại. Mọi quốc gia trên thế giới đều muốn có một ngành ô tô thành công vì đây là động lực của thương mại, năng suất và việc làm", theo Mike Hawes, CEO của SMMT. Các hãng sản xuất ô tô toàn cầu đã xây các nhà máy ở Anh lo ngại năm nay có thể kết thúc mà Anh không đạt được một thỏa thuận thương mại mới với Liên minh châu Âu. Điều đó sẽ đe dọa chuỗi cung ứng của họ, làm gián đoạn sản xuất và xói mòn lợi nhuận biên vốn đã rất mỏng manh. Theo thời gian, nhiều người sẽ tìm cách chuyển sản xuất ra khỏi Vương quốc Anh. Một số có thể từ bỏ đất nước này hoàn toàn. "Điều cần thiết là chúng tôi phải thiết lập lại khả năng cạnh tranh toàn cầu và bắt đầu bằng một hiệp định thương mại tự do đầy tham vọng với châu Âu, điều đảm bảo tất cả các sản phẩm ô tô có thể được mua và bán mà không phải chịu thuế hay thêm gánh nặng nào", ông Hawes nói. Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|