Tiêu thụ dầu vừa lao dốc. OPEC đối mặt với bài thử nghiệm khổng lồ |
Các nhà sản xuất dầu đang đối mặt với tình trạng nhu cầu lao dốc chưa từng có khi virus corona lây lan trên khắp thế giới, buộc OPEC và các đồng minh xem xét những biện pháp khẩn cấp. Vào thứ Tư, 4/3, hãng nghiên cứu IHS Markit cho rằng nhu cầu dầu sẽ có đợt giảm sâu nhất từng được ghi nhận trong quý một – tệ hơn cả trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – khi trường học, văn phòng đóng cửa, các hãng hàng không hủy chuyến bay trên toàn cầu và ngày càng nhiều người cố thủ trong nhà. Phần lớn nhu cầu giảm có thể đến từ Trung Quốc, nơi virus corona gây ra điều được IHS Markit mô tả là “tình trạng đình trệ chưa từng có” trong hoạt động kinh tế. Nhưng tiêu thụ suy giảm sẽ lan rộng, và IHS Markit dự kiến nhu cầu toàn cầu sẽ giảm 3.8 triệu thùng/ngày trong quý một so với năm 2019. Nhu cầu trong ba tháng đầu năm 2019 là 99.8 triệu thùng/ngày. “Đây là cú shock nhu cầu ngay lập tức, bất ngờ với quy mô chưa từng có,” theo Jim Burkhard, phó chủ tịch và là người đứng đầu bộ phận thị trường dầu tại IHS Markit. Lời cảnh báo này được đưa ra trước cuộc họp quan trọng vào thứ Năm, 5/5, của các thành viên OPEC và các quốc gia sản xuất đồng minh ở Vienna. Tổ chức này đang chịu áp lực phải thông báo thêm một đợt cắt giảm sản xuất phối hợp mới, biện pháp được ưa chuộng để củng cố giá dầu. Những mối lo về virus corona đã đẩy giá dầu vào thị trường xuống giá, với giá dầu thô Brent kỳ hạn giao dịch ở mức $52.65/thùng, thấp hơn 23% so với mức đỉnh gần đây vào đầu tháng Một. Giá dầu Mỹ giao dịch ở mức $48.22, thấp hơn gần 24$ so với các mức cao gần đây. Thách thức của OPEC Với tình hình hiện tại, ngay cả hành động phối hợp của OPEC có thể vẫn chưa đủ để bình ổn các thị trường. Goldman Sachs nói với các khách hàng trong tuần này OPEC sẽ cần phải đạt được thỏa thuận cắt giảm được thêm ít nhất một triệu thùng/ngày để tránh tình trạng bán tháo “mạnh.” Theo Reuters, OPEC có thể giảm sản xuất từ 600,000 đến một triệu thùng/ngày trong quý hai, trong khi kéo dài các cắt giảm 2.1 triệu thùng/ngày hiện tại – được thông báo vào tháng 12 – cho đến cuối năm 2020. Được biết Saudi Arabia đang vận động để được Nga ủng hộ. Dù không phải là thành viên OPEC, Nga đã phối hợp các mức sản xuất với OPEC trong những năm gần đây. Giá dầu toàn cầu thật sự đã tăng trong tuần này với dự kiến sẽ có các cắt giảm sâu hơn. Nhưng tình hình vẫn còn rất khó khăn. Goldman Sachs tin rằng nhu cầu dầu sẽ thu hẹp trong năm 2020. Trước khi virus corona bùng phát, Goldman Sachs dự kiến nhu cầu dầu sẽ tăng thêm 1.1 triệu thùng/ngày. Tương tự, IHS Markit cũng dự báo nhu cầu dầu sẽ thu hẹp trong năm 2020, thậm chí nếu có phục hồi trong nửa cuối năm. Damien Courvalin, chiến lược gia hàng hóa cao cấp tại Goldman Sachs, cảnh báo những cắt giảm của OPEC sẽ phải được duy trì để giá tiếp tục tăng. Trước ảnh hưởng toàn cầu của virus, ngân hàng dự kiến hướng đi của giá sẽ không đổi cho đến sau tháng Tư. “Dù những cắt giảm như thế sẽ giúp bình thường hóa nhu cầu và dự trữ dầu sau này trong năm, chúng không thể ngăn tình trạng dầu tồn kho tích lũy lớn đã bắt đầu,” ông Courvalin nói. Trường Sơn lược dịch
Theo CNN
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|