Thị trường Thứ ba, 26/06/2018, 10:40 GMT+7
Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại

Cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bắt đầu vào thời điểm không thuận lợi đối với kinh tế Trung Quốc

jn26 china

Trong những tuần gần đây, ngày càng có nhiều quan ngại tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang nguội đi nhanh hơn dự kiến trước đó. Tăng trưởng Trung Quốc yếu hơn sẽ ảnh hưởng đến các đối tác thương mại lớn, như Hoa Kỳ, châu Âu và những công ty toàn cầu hoạt động tại đây.

Hiện tại, cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng với Mỹ càng khiến tình hình khó khăn hơn. Cả hai bên đều thông báo các khoản thuế áp lên 50 tỷ USD hàng hóa của bên kia, và Tổng thống Donald Trump còn đi xa hơn với đe dọa áp thuế thêm lên ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nữa.

“Tranh chấp thương mại leo thang trong thời điểm nghi ngờ về bức tranh kinh tế trong nước gia tăng,” theo Mark Williams, trưởng kinh tế khu vực châu Á tại hãng nghiên cứu Capital Economics.

Năm ngoái, kinh tế Trung Quốc hoạt động mạnh, tăng trưởng 6.9% theo số liệu từ chính phủ. Đà tăng trưởng này tiếp tục vào đầu năm nay, nhưng nhiều nhà kinh tế hoài nghi Trung Quốc có thể giữ vững. Dấu hiệu suy thoái đang bắt đầu xuất hiện.

Các số liệu kinh tế chính thức của tháng trước cho thấy tăng trưởng trong những lĩnh vực quan trọng như xuất khẩu, đầu tư của công ty và chi tiêu người tiêu dùng đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Các con số “cho thấy suy giảm trên diện rộng đang nổi lên và chúng tôi dự kiến điều này sẽ tiếp tục,” theo Louis Kuijs, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á tại hãng nghiên cứu Oxford Economics.

Ông dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6.4% trong năm nay, thấp hơn một chút so với mục tiêu 6.5% của chính phủ Trung Quốc. Một số nhà phân tích cũng thường đặt câu hỏi về tính chính xác của số liệu GDP chính thức.

Cuộc chiến thương mại ngày càng sâu sắc với Hoa Kỳ có khả năng càng khiến Trung Quốc mất đà tăng trưởng.

Theo ông Haibin Zhu, trưởng kinh tế khu vực Trung Quốc tại JPMorgan, thuế suất của Mỹ đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc có thể khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc mất từ 0.1 đến 0.5 điểm phần trăm, tùy thuộc vào quy mô và cường độ của các khoản thuế.

Ngoài tác động trực tiếp của các khoản thuế, suy thoái có thể lan rộng, ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp, trì hoãn các quyết định đầu tư ở Trung Quốc.

Tăng trưởng yếu hơn

“Tăng trưởng kinh tế có vẻ sẽ yếu đi thêm trong nửa cuối năm,” theo ông Williams thuộc Capital Economics.

Một số nhà kinh tế cho rằng nguyên nhân chính của suy thoái ở Trung Quốc là nỗ lực kiềm chế mức nợ khổng lồ ở nước này của chính phủ Trung Quốc. Các khoản nợ đã tăng mạnh từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập kỷ trước.

Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, vào giữa năm ngoái, nợ đã gấp hơn hai lần rưỡi giá trị toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. Các tổ chức xếp hạng Moody’s và S&P năm ngoái đều hạ bậc tín dụng của nước này.

Ông Tập Cận Bình và những quan chức hàng đầu đã nói về việc giảm rủi ro trong hệ thống tài chính Trung Quốc, thường được đề cập đến như việc “giảm nợ”. Họ cũng nỗ lực kềm chế ngân hàng ngầm với những hình thức cho vay mờ ám nằm ngoài bản cân đối chính thức của các ngân hàng.

“Thời kỳ quan trọng nhất”

Các nhà phân tích vẫn hoài nghi về những nỗ lực kiểm soát nợ của chính phủ, nhưng một số hiện cho rằng các biện pháp đã trở nên có ý nghĩa hơn và bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng. Một cuộc chiến thương mại có thể chọc gậy bánh xe.

“Mâu thuẩn leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc diễn ra trong thời kỳ quan trọng nhất của Trung Quốc, thời kỳ của các nỗ lực giảm nợ và giảm rủi ro,” theo ông Zhu.

Nếu làn sóng thuế của Mỹ bắt đầu gây thiệt hại cho nền kinh tế, các nhà phân tích cho rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể từ bỏ các nỗ lực xử lý việc cho vay rủi ro và trở về những thói quen cũ.

“Các lãnh đạo Trung Quốc sẽ cảm thấy tự tin họ có khả năng nới lỏng chính sách để đỡ đòn nếu cần thiết,” ông Williams nói. “Trung Quốc khá giỏi trong kích thích kinh tế.”

Sau những lời đe dọa kinh tế mới nhất của Mỹ, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ông Yi Gang phát biểu với truyền thông quốc gia rằng “Trung Quốc có thể đối phó với tất cả các kiểu xung đột thương mại.”

Một số nhà phân tích nhấn mạnh vẫn có những điểm sáng trong nền kinh tế Trung Quốc. Theo Betty Wang, nhà kinh tế Trung Quốc cao cấp tại ANZ, sản xuất và bất động sản – hai động cơ tăng trưởng kinh tế lớn của Trung Quốc – vẫn đang làm tốt.

“Có những dấu hiệu khả quan ngăn chúng ta quá bi quan về triển vọng kinh tế,” bà Wang nói.

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN Money

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1