Doanh nghiệp Thứ hai, 22/06/2020, 14:34 GMT+7
Châu Âu phòng vệ trước việc Trung Quốc tiếp quản các ngành công nghiệp chủ chốt

Liên minh châu Âu đang xây dựng các quy tắc mới để ngăn chặn những công ty được các nước như Trung Quốc và Hoa Kỳ tài trợ nhằm tiếp quản các công ty đầu ngành hoặc giành được hợp đồng công cộng.

jn22 eu

Trong một đề xuất được công bố vào thứ Tư, 17/6, Ủy ban Châu Âu cho rằng họ cần những quyền lực mới để ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường thống nhất rộng lớn của mình và để bảo vệ "quyền tự chủ chiến lược" của khối.

"Chúng ta cần những công cụ phù hợp để đảm bảo các khoản trợ cấp nước ngoài không làm méo mó thị trường của chúng ta, giống như chúng ta làm với các khoản trợ cấp quốc gia", bà Margrethe Vestager, quan chức của Ủy ban phụ trách cạnh tranh và chính sách kỹ thuật số, cho biết trong một tuyên bố.

Chi nhánh điều hành của EU muốn có quyền thẩm định những công ty có thể đang sử dụng các khoản trợ cấp từ các chính phủ nước ngoài để đánh bại các đối thủ cạnh tranh trong khối. Họ cũng sẽ xem xét việc mua lại các công ty EU của các đối thủ nước ngoài.

Nếu một bên mua nước ngoài bị phát hiện hưởng lợi bất chính từ các khoản trợ cấp, họ có thể buộc phải trả lại tiền hoặc bán tài sản theo yêu cầu của nhà chức trách châu Âu. Trong một số trường hợp, Liên minh Châu Âu có thể chặn hoàn toàn việc mua bán.

Ủy ban cũng có kế hoạch ngăn chặn trao các hợp đồng công cho những công ty nước ngoài nhận trợ cấp của chính phủ và sau đó đấu thầu các hợp đồng mua sắm công với giá thấp hơn giá thị trường.

"EU là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, thu hút mức đầu tư cao từ các đối tác thương mại. Tuy nhiên, sự cởi mở của chúng tôi ngày càng bị thách thức thông qua những hoạt động thương mại nước ngoài, trong đó các khoản trợ cấp làm biến dạng sân chơi bình đẳng cho các công ty ở EU,"ủy viên thương mại EU Phil Hogan nói.

Các quy tắc mới sẽ áp dụng cho tất cả các công ty nước ngoài, gồm cả những công ty Mỹ có thể đang săn lùng các khoản hời trong cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch virus corona gây ra. Nhưng các nhà quan sát cho rằng mục tiêu chính của đề xuất là Trung Quốc.

Các công ty nhà nước Trung Quốc chịu kiểm soát gắt gao ở châu Âu sau những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng vào sâu trong lục địa này thông qua các dự án cơ sở hạ tầng như Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Trong khi đó đại dịch đã dẫn đến những lo ngại mới về việc bảo vệ các ngành chăm sóc sức khỏe, cung ứng y tế và dược phẩm của châu Âu trước sự tiếp quản của nước ngoài, để đảm bảo đủ khả năng đối phó với những đợt bùng phát virus corona trong tương lai hoặc các dịch bệnh khác. Giá cổ phiếu lao dốc cũng khiến các công ty trong những lĩnh vực khác dễ bị tổn thương.

Đề xuất của Ủy ban sẽ bước vào giai đoạn tham vấn cộng đồng cho đến ngày 23/9, với mục tiêu đưa ra luật mới trong năm 2021.

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1