Thị trường Thứ hai, 19/07/2021, 11:35 GMT+7
OPEC và các đồng minh đặt mục tiêu chấm dứt hoàn toàn cắt giảm sản lượng dầu đến tháng 9/2022, tăng giới hạn nguồn cung khi giá tăng

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh ngoài OPEC đã đạt được một thỏa thuận hôm Chủ nhật, 18/77, nhằm loại dần 5.8 triệu thùng dầu mỗi ngày trong các cắt giảm sản lượng đến tháng 9/2022 do giá dầu đã đạt mức cao nhất trong hơn hai năm.

jl19 oil

Trong một tuyên bố, OPEC cho biết sẽ có sự gia tăng phối hợp nguồn cung dầu từ nhóm OPEC+, bắt đầu vào tháng Tám.

Sản lượng chung sẽ tăng 400,000 thùng/ngày kể từ thời điểm đó trở đi. Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính sẽ thiếu 1.5 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm nay, cho thấy thị trường thắt chặt dù nguồn cung của OPEC đang dần tăng lên.

Mùa xuân năm 2020, OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu thô gần 10 triệu thùng/ngày khi đối mặt với giá dầu lao dốc do đại dịch. Liên minh đã dần thu hẹp mức cắt giảm xuống còn khoảng 5.8 triệu thùng/ngày.

Cuộc họp bộ trưởng OPEC và ngoài OPEC lần thứ 19 ghi nhận nhu cầu dầu mỏ trên toàn thế giới cho thấy “những dấu hiệu cải thiện rõ ràng và các kho dự trữ của OECD đang giảm do kinh tế tiếp tục phục hồi ở hầu hết các nơi trên thế giới” nhờ đẩy nhanh các chương trình tiêm chủng.

Giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế tăng 43% so với đầu năm và tăng hơn 60% so với thời điểm này năm ngoái, với nhiều bên dự báo dự kiến giá dầu giao dịch ở mức $80/thùng trong nửa cuối năm 2021. Giá dầu Brent khi đóng cửa giao dịch ở mức $73.59/thùng vào cuối ngày thứ Sáu.

Một bế tắc chưa từng có

Thỏa thuận này diễn ra sau một bế tắc tạm thời nhưng chưa từng có bắt đầu vào đầu tháng Bảy khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất từ chối kế hoạch sản xuất dầu phối hợp cho nhóm do Saudi Arabia dẫn đầu. Dù tổ chức 13 thành viên này từng có những bất đồng trước đây, đây là lần công khai rạn nứt đầu tiên giữa UAE và Saudi Arabia, hai đồng minh thân cận.

Abu Dhabi đã yêu cầu tăng “đường cơ sở” sản xuất dầu thô của chính mình - khối lượng tối đa được OPEC công nhận có thể sản xuất - vì con số này sau đó xác định quy mô cắt giảm sản lượng và hạn ngạch họ phải tuân theo các thỏa thuận sản lượng của nhóm. Các thành viên cắt giảm tỷ lệ phần trăm tương tự so với mức cơ sở của họ, vì vậy việc có mức cơ sở cao hơn sẽ cho phép UAE có hạn ngạch sản xuất lớn hơn.

Thỏa thuận hôm Chủ nhật tiết lộ các khoản tăng đường cơ sở đối với bốn quốc gia thành viên OPEC và một quốc gia ngoài OPEC bắt đầu từ tháng 5/2022: UAE, Saudi Arabia, Iraq, Kuwait và Nga - quốc gia không phải là thành viên OPEC nhưng là lãnh đạo của OPEC+. Đường cơ sở sản lượng dầu của UAE sẽ được nâng từ 3.16 triệu thùng/ngày lên 3.5 triệu thùng/ngày, dù vẫn thấp hơn mức 3.8 triệu nước này yêu cầu ban đầu. Đường cơ sở của Saudi Arabia sẽ được tăng từ 11 triệu lên 11.5 triệu thùng/ngày.

Sự ủng hộ của Abu Dhabi đối với thỏa thuận được thể hiện rõ trong tuyên bố mở đầu của Bộ trưởng Năng lượng Tiểu vương quốc Suhail Al Mazroui.

“Chúng tôi đánh giá cao cuộc đối thoại mang tính xây dựng đã có với điện hạ và OPEC,” ông Al Mazroui nói với các nhà báo trong cuộc gọi họp báo hôm Chủ nhật, đề cập đến Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman. “Tôi xác nhận UAE tận tụy với OPEC và sẽ luôn làm việc cùng nhóm và trong khuôn khổ nhóm, làm hết sức mình để đạt được sự cân bằng thị trường và giúp đỡ tất cả mọi người. UAE sẽ vẫn là một thành viên tận tụy trong liên minh OPEC.”

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản với Bộ trưởng Saudi Arabia rằng "Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bất cứ điều gì các bạn nói."

Khi được hỏi làm thế nào UAE và Saudi Arabia xoay sở để đạt được thỏa hiệp, Bộ trưởng Saudi Arabia vẫn tỏ ra dè dặt trước nỗ lực của các thành viên báo chí nhằm thu thập thêm chi tiết về các cuộc đàm phán.

“Vì sao tôi phải tiết lộ? Đây là một nghệ thuật và chúng tôi giữ nó cho riêng mình,”Abdulaziz bin Salman nói trong cuộc họp hội nghị hôm Chủ nhật. “Chúng tôi gọi đó là bí mật quốc gia. Xây dựng sự đồng thuận là một nghệ thuật ... không tiết lộ bí mật quốc gia, tôi sẽ cứ giữ như thế."

Trường Sơn lược dịch
Theo CNBC

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1