Thị trường Thứ hai, 10/07/2023, 09:44 GMT+7
Lý do OPEC đang mất dần quyền lực trong quyết định diễn biến giá dầu

Khi sản lượng dầu đá phiến của các Mỹ và nhiều nước ngoài OPEC+ cải thiện, OPEC+ đang mất dần khả năng quyết định diễn biến giá dầu.

jl1 oil1a

Tổng sản lượng xăng dầu của Mỹ trong năm nay nhiều khả năng sẽ lập kỷ lục mới, nó giúp cho giá năng lượng ổn định bất chấp việc Saudi Arabia và nhiều nước xuất khẩu dầu lớn của thế giới nỗ lực để đẩy giá dầu tăng cao hơn, theo nội dung bài báo mới được Wall Street Journal đăng tải.

Sản lượng dầu thô Mỹ trong năm nay tính đến hết tháng 4/2023 tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, nó không khỏi khiến cho các chuyên gia phân tích ngạc nhiên bởi nó diễn ra trong bối cảnh giá dầu sụt giảm sâu, thời kỳ bùng nổ của dầu đá phiến dường như đã lập đỉnh.

Quy mô hoạt động sản xuất của dầu đá phiến chịu ảnh hưởng bởi năng lực sản xuất cải thiện cũng như những dấu hiệu cho thấy Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang “đuối dần” trong việc kiểm soát giá năng lượng, sản lượng dầu tại nhiều nước còn lại trên thế giới sẽ tăng dần lên.

Sau khi giá dầu sụt mạnh vào năm 2015, các doanh nghiệp sản xuất Mỹ đã tăng cường quy mô sản xuất trở lại, nâng cao năng lực sản xuất, sử dụng thêm nhiều công nghệ trong sản xuất, thêm nhân lực và cắt giảm chi phí, chiến lược gia mảng dầu và khí đốt tại tập đoàn Macquaira – ông Vikas Dwivedi phân tích.

Tính từ đầu năm đến nay, OPEC và các nước đồng minh đã thông báo cắt giảm sản lượng tương đương khoảng 6% tổng sản lượng. Giá dầu thô từ đầu năm 2023 đến nay hạ khoảng 13%.

Cùng với việc nhu cầu tại Trung Quốc thấp hơn so với kỳ vọng, giá dầu chịu áp lực bởi việc sản xuất dầu tại nhiều nước bao gồm Brazil, Canada và Nauy gia tăng.

Sản lượng dầu gia tăng của các nước bên ngoài OPEC tương đương khoảng 2/3 tổng mức cắt giảm của nhóm này, tính toán của công ty năng lượng Rystad Energy cho hay.

Khoảng nửa nguồn cung dầu thô mới vào thị trường đến từ Mỹ nơi mà hàng loạt doanh nghiệp sản xuất dầu ví như ConocoPhillips, Devon Energy, Pioneer Energy và EOG công bố sản lượng quý 1/2023 tăng. Nhóm các doanh nghiệp tư nhân hiện đang hưởng lợi từ nguồn thu mà họ có được khi giá dầu tăng vào năm ngoái.

Những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc cải thiện năng lực sản xuất cũng giúp họ có thêm khả năng kiếm lời ngay cả khi giá dầu đang giảm. Hiệu quả sản xuất từ năm 2014 liên tục gia tăng đã khiến cho chi phí khai thác và xử lý dầu đá phiến tại Mỹ giảm khoảng 36%, theo tính toán của JP Morgan. Khối lượng dầu khai thác từ đó tăng lên.

Các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến đã cải tiến được công nghệ khai thác mạnh mẽ. Theo ConocoPhillips, các giếng dầu mà doanh nghiệp này tìm kiếm được trong năm nay có thể khai thác lâu hơn 14% so với các giếng vào năm ngoái. Một doanh nghiệp sản xuất dầu lớn khác là EOG Resources công bố họ đã có thể khoan sâu hơn trong phạm vi rộng hơn trong năm nay.

Cũng theo EOG cho hay, năng lực khai thác tốt hơn đồng nghĩa nguồn thu từ dầu khi giá dầu ở mức 42USD/thùng cũng tương đương với mức 86USD/thùng vào 9 năm trước.

Còn theo những nguồn tin thân cận với chính phủ Saudi Arabia, ngân sách của nước này nếu muốn cân bằng cần đến mức giá dầu khoảng 81USD/thùng. Giá dầu Brent hiện giao dịch quanh ngưỡng 76USD/thùng, giảm khoảng 13% so với thời điểm đầu của năm.

Phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá dầu tăng hơn 3% lên ngưỡng cao nhất trong 9 tuần, những nỗi lo về nguồn cung và hoạt động mua kỹ thuật tăng cao lấn át đi nỗi sợ về khả năng các đợt nâng lãi suất cơ bản của nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có thể hãm phanh tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu, theo nội dung bài báo mới được CNBC đăng tải.

Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tăng 1,95USD/thùng tương đương 2,6% lên 78,47USD/thùng trên thị trường London. Còn trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 2,06USD/thùng tương đương 2,9% lên 73,86USD/thùng.

Đây là ngưỡng đóng cửa cao nhất của giá dầu Brent tính từ ngày 1/5/2023 và dầu WTI tính từ ngày 24/5/2023. Cả hai loại giá dầu chốt lại tuần giao dịch tăng khoảng 5%.

Sau khoảng hai tháng giao dịch trong khoảng từ 73 đến 77USD/thùng, dầu Brent đã rơi vào trạng thái quá bán lần đầu tiên tính từ tháng 4/2023.

Chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại quỹ OANDA, ông Craig Erlam, phân tích: “Đợt tăng giá của dầu trong tuần vừa qua diễn ra rất mạnh và được ủng hộ bởi nhiều yếu tố, trong đó có các động thái cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga”.

Trong tuần này, các nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới bao gồm Saudi Arabia và Nga thông báo cắt giảm sản lượng. Tổng mức cắt giảm sản lượng của nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và liên minh hiện ước tính khoảng 5 triệu thùng dầu/ngày tức tương đương khoảng 5% tổng nhu cầu dầu toàn cầu.

“Các đợt cắt giảm sản lượng của OPEC+ nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến thị trường, làm gia tăng thâm hụt nguồn cung trong nửa sau năm 2023 và vì vậy hỗ trợ đẩy giá dầu tăng cao hơn”, các chuyên gia phân tích tại công ty dịch vụ tài chính Morning Star nhấn mạnh trong nghiên cứu của mình.

OPEC nhiều khả năng duy trì quan điểm lạc quan về tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm sau, theo những nguồn tin thân cận với OPEC cho hay.

Cam kết mới nhất của Nga liên quan đến giảm xuất khẩu dầu sẽ không đồng nghĩa với việc cắt giảm sản lượng.

Theo tính toán của công ty dữ liệu năng lượng Vortexa, hiện tại đang có ước tính khoảng 10,5 triệu thùng dầu thô của Saudi Arabia hiện đang được trữ ở cảng Ain Sukhna thuộc khu vực Biển Đỏ của Ai Cập, con số này như vậy giảm một nửa so với thời điểm giữa tháng 6/2023.

Tại Mỹ, trong tuần vừa rồi, các doanh nghiệp năng lượng đưa vào hoạt động các mỏ khai thác dầu và khí đốt lần đầu tiên trong 10 tuần. Số lượng các giàn khai thác khí đốt tăng mạnh nhất tính từ tháng 10/2016, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.

Tại Nauy, công ty Equinor ASA đã tạm ngưng sản xuất tại giếng dầu Oseberg East khu vực Biển Bắc do tình trạng thiếu nhân lực.

Theo BizLive


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1