Thị trường Thứ sáu, 29/05/2020, 10:01 GMT+7
Khu vực tự do thương mại của Châu Phi bị trì hoãn bởi virus corona, nhưng lại rất quan trọng để phục hồi

Theo các chuyên gia, Khu vực tự do thương mại châu Phi (AfCFTA) không được phép bị bỏ quên sau khi bị hoãn ra mắt vì đại dịch virus corona.

m29 africa1

AfCFTA, dự kiến sẽ được triển khai vào ngày 1/7, sẽ là khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới, kết nối 1.3 tỷ người trong khối kinh tế trị giá 3.4 nghìn tỷ USD, đạt được sau những đàm phán kéo dài giữa các nhà lãnh đạo của 54 quốc gia châu Phi.

Tuy nhiên, AfCFTA đã bị hoãn lại vào cuối tháng Tư, khi Tổng thư ký AfCFTA Wamkele Mene cho rằng đó là “việc làm có trách nhiệm” để các lãnh đạo không bị phân tâm trong đại dịch, và nói thêm ông tin chắc cuối cùng thỏa thuận sẽ được tiến hành.

Các đối tác thương mại quan trọng của châu Phi, như Trung Quốc, Châu Âu và Hoa Kỳ, đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch, trong khi Châu Phi phần lớn đã xoay sở được để tránh Covid-19 lây lan theo cấp số nhân.

Một cơ hội giữa khủng hoảng

Dưới tác động của đợt bùng phát dịch bệnh trên các tuyến thương mại liên lục địa truyền thống của châu Phi, thương mại nội Phi sẽ là chìa khóa để đưa các quốc gia trong khu vực hoạt động trở lại, theo Thomas Birgen, Giám đốc Kho bạc có trụ sở tại Nairobi của AZA, hãng môi giới tiền tệ phi ngân hàng lớn nhất châu Phi.

“Chúng ta cần xem xét tình huống khi hàng hóa không quay trở lại cảng vì bạn không thuộc một khối kinh tế nhất định,” ông Birgen nói trong một hội thảo trực tuyến gần đây.

“Ở đây tại Kenya, ngành dệt may đã chết vì chúng ta nhập khẩu quần áo cũ từ Trung Quốc và mọi nơi khác. Giờ đây khi biên giới đóng cửa, chúng ta không thể sống mà không có những sản phẩm chúng ta vẫn quen nhập khẩu.”

Ông Birgen lưu ý việc sản xuất khẩu trang bảo vệ ở Kenya và Nigeria là một ví dụ về những cơ hội để các quốc gia châu Phi sản xuất những sản phẩm của riêng mình và giao thương trong lục địa.

Giám đốc điều hành Trung tâm Thương Mại Quốc Tế, Dorothy Tembo, cho rằng Châu Phi bất chấp các rủi ro đối với việc triển khai AfCFTA, các lãnh đạo châu Phi có cơ hội thúc đẩy sự hợp tác lớn hơn nếu các chính sách cụ thể được tiến hành sớm.

“Đây là thời gian để Châu Phi suy nghĩ lại và tái định vị chính mình. Một phần của những gì chúng ta đang thấy là sự chuyển đổi nhu cầu trong bối cảnh các chuỗi giá trị khác nhau các công ty và doanh nghiệp châu Phi đang tham gia,” bà Tembo nói.

Giống như Birgen, bà lưu ý đến sự chuyển đổi nhu cầu từ hàng dệt may sang khẩu trang và các sản phẩm liên quan đến sức khỏe và cho rằng các cơ hội khác cũng sẽ xuất hiện.

“Đây là một thời điểm đen tối đối với châu Phi về tác động đối với sức khỏe cộng đồng, nhưng đó cũng là thời điểm đòi hỏi về mặt kinh tế, chúng ta không mất đi tất cả những nỗ lực đã được thực hiện, đặc biệt đối với khu vực tự do thương mại lục địa,” bà Tembo nói thêm.

AfCFTA sẽ mất thời gian để thực hiện lời hứa

Jeff Gable, trưởng kinh tế tại tập đoàn ngân hàng châu Phi Absa, cho rằng Châu Phi nên được “cổ vũ và ủng hộ” cho việc tiến tới hợp tác, trong khi phần còn lại của thế giới đang tiến tới chủ nghĩa cô lập.

Tuy nhiên, ông cảnh báo việc hội nhập cần thiết sẽ mất nhiều thời gian hơn hai hoặc ba năm, khi những nền kinh tế nhỏ hơn khó có khả năng sớm thấy được bất kỳ lợi ích nào vì các doanh nghiệp sẽ cần phải được tạo ra từ đầu để tham gia vào các chuỗi giá trị cốt lõi.

“Đối với các nhà sản xuất ở Ghana, đây là một tin tuyệt vời - đối với Kenya, Nam Phi,” ông nói. “Tuy nhiên, điều này sẽ không đột nhiên dẫn đến bùng nổ sản xuất ở DRC (Cộng hòa Dân chủ Congo).”

Một điểm chung với thương mại liên lục địa là các quốc gia châu Phi khai thác và xuất khẩu nguyên liệu thô, sau đó được sản xuất thành thành phẩm ở nơi khác và được chuyển trở về với giá trị gia tăng đáng kể.

Ông Gable cho rằng AfCFTA “không nhanh chóng thay đổi điều này” do những khác biệt rất lớn trong quá trình công nghiệp hóa các nền kinh tế thành viên

“Có rất ít ví dụ về các nền kinh tế ở châu Phi nắm bắt đầy đủ chuỗi giá trị ta thực sự có thể gọi là một ngành sản xuất. Nam Phi có thặng dư thương mại rất lớn với phần còn lại của lục địa vì ta buôn bán hàng tiêu dùng, buôn bán hàng hóa đầu tư,… nhưng điều đó không đúng với Botswana,” ông Gable nói.

Ngoài ra, sản lượng kinh tế của Botswana, đã không bị “hạn chế vì thiếu một hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi, có mối quan hệ trực tiếp với các nước láng giềng.”

Ông Gable cũng nhấn mạnh đến những thách thức logistics các cộng đồng kinh tế khu vực hiện tại, như Cộng đồng Đông Phi (EAC), phải đối mặt.

“Những gì ta mong đợi là hàng hóa được tự do qua lại giữa các biên giới, và ta sẽ thấy xuất khẩu gia tăng giữa các quốc gia. Chúng ta hiện đã trễ hơn 10 năm và điều này vẫn chưa diễn ra nhiều,” ông Gable nói.

Xung đột thương mại tại biên giới giữa các quốc gia láng giềng cũng trở nên phổ biến trong những năm gần đây, gây ra tắc nghẽn. Chẳng hạn, Nigeria, nền kinh tế lớn nhất của Châu Phi, thường xuyên đưa ra các chính sách bảo hộ thương mại với các nước láng giềng.

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNBC

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1