Tài chính Thứ sáu, 22/04/2022, 09:00 GMT+7
Nhật Bản công bố thâm hụt thương mại lớn hơn nhiều so với dự báo khi xuất khẩu sang Trung Quốc chậm, nhập khẩu năng lượng tăng cao

Nhật Bản ghi nhận thâm hụt thương mại trong tháng Ba lớn hơn gấp bốn lần so với dự báo của thị trường, do xuất khẩu sang Trung Quốc chậm lại nhiều trong khi giá năng lượng tăng cao làm tăng chi phí nhập khẩu, thêm vào các thách thức kinh tế từ cuộc xung đột ở Ukraine.

a22 jap

Dữ liệu cho thấy, thương mại xuất đi bị hạn chế do xuất khẩu ô tô giảm và tốc độ tăng trưởng các lô hàng đến đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, Trung Quốc, chậm lại, cho thấy rủi ro từ những hạn chế nguồn cung toàn cầu và đại dịch virus corona vẫn tiếp diễn.

Thâm hụt thương mại dai dẳng làm nổi bật tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trước chi phí nhập khẩu tăng cao.

“Kinh tế Nhật có thể phục hồi chậm hơn nếu xuất khẩu sang Trung Quốc trì trệ,” theo Takeshi Minami, trưởng kinh tế tại Viện nghiên cứu Norinchukin. Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm hơn 1/5 tổng lượng hàng xuất khẩu của Nhật Bản về mặt giá trị.

Nhập khẩu tăng 31.2% trong năm tính đến tháng Ba, dữ liệu của Bộ Tài chính cho thấy hôm thứ Tư, cao hơn dự báo trung bình 28.9% trong một cuộc thăm dò ý kiến các nhà kinh tế của Reuters.

Con số này vượt qua tăng trưởng xuất khẩu 14.7%, dẫn đến thâm hụt thương mại 412.4 tỷ yen (3.19 tỷ USD) – vượt quá ước tính 100.8 tỷ yen trong cuộc thăm dò.

Tháng Ba đánh dấu mức thâm hụt thứ tám liên tiếp, dù là mức thâm hụt nhỏ nhất trong năm tháng.

Tính theo khu vực, xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ tăng 2.9% trong 12 tháng tính đến tháng Ba, một phần nhờ các lô hàng máy chiếu nghe nhìn tăng mạnh. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng 25.8% của tháng trước.

“Các chính sách zero-COVID của Trung Quốc và các đợt phong tỏa ở các thành phố khiến hoạt động sản xuất bị thu hẹp, ảnh hưởng đến xuất khẩu linh kiện và tư liệu sản xuất của Nhật Bản,” theo ông Minami của Norinchukin.

Xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, tăng 23.8% nhờ các lô hàng phụ tùng xe có động cơ và máy phát điện mạnh hơn.

Tuy nhiên, nhìn chung, xuất khẩu bị kéo giảm do các chuyến hàng xe có động cơ giảm 0.7%.

Dữ liệu cho thấy, nhập khẩu chủ yếu được đẩy lên nhờ các lô hàng dầu lớn hơn từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cũng như than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Australia.

 “Thương mại ròng được dự đoán sẽ khiến tăng trưởng GDP mất đi khoảng 0.5 điểm phần trăm so với quý trước khi khối lượng nhập khẩu tăng nhanh hơn rất nhiều so với khối lượng xuất khẩu,” theo Tom Learmouth, nhà kinh tế Nhật Bản tại Capital Economics.

"Nhưng với các mặt hàng chủ lực của Nhật Bản là ô tô và tư liệu sản xuất, chúng tôi nghĩ xuất khẩu sẽ sớm bắt đầu vượt qua nhập khẩu."

Kinh tế Nhật có khả năng tăng trưởng hàng năm 4.9% trong quý hiện tại nhờ hoạt động tiêu dùng tăng lên sau khi chính phủ chấm dứt các hạn chế vì đại dịch virus corona vào tháng trước.

Nhưng sự suy yếu nhanh chóng của đồng yen, đã xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ so với dollar Mỹ do triển vọng chênh lệch lãi suất Mỹ-Nhật ngày càng tăng, đang làm tăng chi phí nhập khẩu nhiên liệu và thực phẩm vốn đã tăng, gây áp lực lên sức chi tiêu của các hộ gia đình.

Khánh Lâm lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1