Tài chính Thứ năm, 24/03/2022, 10:01 GMT+7
Các ngân hàng châu Á “chưa nỗ lực thỏa đáng” trong việc khử carbon

Các ngân hàng ở châu Á "không nỗ lực thỏa đáng" khi phải đáp ứng các cam kết toàn cầu về giải quyết biến đổi khí hậu và phù hợp với mục tiêu khử carbon của quốc gia họ.

m24 banks

Gần 200 quốc gia đã ký hiệp ước Glasgow vào năm ngoái, kêu gọi các ngân hàng và tổ chức tài chính trên toàn thế giới huy động thêm tài chính để giúp đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu và tìm kiếm các cách thức sáng tạo để chi trả cho việc thích ứng với khí hậu.

Nhưng đánh giá của 32 ngân hàng khắp Đông và Đông Nam Á cho thấy không có ngân hàng nào đưa ra cam kết rõ ràng hoặc kế hoạch thực hiện đầy đủ để đáp ứng các mục tiêu của thỏa thuận khí hậu Paris, theo Asia Research & Engagement (ARE), một nhóm môi trường có trụ sở tại Singapore.

Các ngân hàng đã nhanh chóng tung ra các sản phẩm tài chính xanh nhưng lại chậm trễ khi nói đến việc làm sạch các sản phẩm hiện có của mình và thực hiện các chính sách cần thiết để chuyển hướng vốn khỏi các ngành sử dụng nhiều carbon.

Báo cáo cho biết: “Điều này làm dấy lên lo ngại về việc quảng cáo xanh: rằng các ngân hàng đang tìm kiếm lợi ích tiếp thị cho các giao dịch tài chính bền vững trong khi cung cấp tài chính nhiều hơn cho các ngành công nghiệp bẩn.”

Trong số 32 ngân hàng ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Indonesia, chỉ 9 ngân hàng có cam kết dài hạn phát thải ròng bằng 0 đối với lượng khí thải họ cấp vốn, trong khi chỉ 13 ngân hàng có chính sách cấm tài trợ cho nhiệt điện than mới.

Ngân hàng châu Á được xếp hạng cao nhất là Tập đoàn DBS (DBSM.SI) ở Singapore, đã đặt mục tiêu dài hạn phát thải ròng bằng 0 nhưng chưa đưa ra bất kỳ kế hoạch ngắn hạn và trung hạn rõ ràng nào đồng thời cũng có một số lỗ hổng trong các chính sách tài chính của mình.

Năm ngân hàng bị đánh giá thấp nhất vì chưa "bắt đầu" sẵn sàng đối với biến đổi khí hậu trong đó có Ngân hàng Ninh Ba, Ngân hàng Bình An và Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải của Trung Quốc.

ARE cho biết các ngân hàng cần thiết lập các chính sách khí hậu rõ ràng phù hợp với các mục tiêu quốc gia để tránh những rủi ro pháp lý trong tương lai và đảm bảo khách hàng của họ chuyển đổi sang các công nghệ sạch và cạnh tranh hơn.

Phong Lữ lược dịch
Theo Reuters

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1