Nga: Tỷ lệ lạm phát vượt mục tiêu hàng năm trong hai tuần |
Giá đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn hai thập kỷ kể từ khi Moscow xâm lược Ukraine. Số liệu thống kê chính thức được công bố hôm thứ Tư, 16/3, cho thấy giá ở Nga đã tăng nhanh hơn trong hai tuần qua so với kỳ vọng của chính phủ trong cả năm. Cơ quan thống kê Rosstat cho biết lạm phát ở mức 2.1% trong 7 ngày từ 5-11/3, mức tăng hàng tuần cao thứ hai trong hơn hai thập kỷ - giảm một ít so với mức tăng 2.2% ghi nhận một tuần trước đó. Những con số này nghĩa là giá đã tăng hơn mục tiêu lạm phát 4% hàng năm của Ngân hàng Trung ương chỉ trong vòng 14 ngày, gây áp lực lớn lên các hộ gia đình và doanh nghiệp vốn đã phải vật lộn với đại dịch virus corona và mức sống trì trệ gần một thập kỷ. Cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine và các lệnh trừng phạt cứng rắn của phương Tây đã đẩy kinh tế Nga vào một cuộc khủng hoảng theo các nhà kinh tế có thể là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Đồng ruble sụp đổ, khiến Ngân hàng Trung ương phải tăng lãi suất lên 20% và cấm người Nga mua ngoại tệ hoặc chuyển dollar và euro ra nước ngoài. Rosstat cho biết, người mua sắm ở nhiều thành phố gặp khó khăn trong việc mua một số mặt hàng thiết yếu như đường - giá trung bình đã tăng 15% trong 11 ngày qua - và Điện Kremlin đã cấm xuất khẩu một số mặt hàng nông sản nhằm ổn định giá trong nước. Giá thuốc không kê đơn cũng tăng mạnh kể từ khi Moscow xâm lược Ukraine. Rosstat cho biết, hàng hóa nhập khẩu và các sản phẩm phụ thuộc vào các linh kiện nước ngoài, như ti vi, điện thoại thông minh và ô tô, đều đắt hơn ít nhất 10% trong hai tuần qua. Các nhà kinh tế dự đoán kinh tế Nga sẽ giảm ít nhất 10% trong năm nay. Cùng với các cuộc khủng hoảng trước đây, thiệt hại dự kiến sẽ đổ xuống khu vực tư nhân và các hộ gia đình Nga. “Chắc chắn các hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và sẽ phải trả giá đắt. Các doanh nghiệp cũng đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại… Khu vực tư nhân và các hộ gia đình của Nga, đặc biệt những hộ gia đình có thu nhập thấp hơn, sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất,” theo Mario Bikarski, một nhà phân tích của Economist Intelligence Unit. Ngân hàng Trung ương Nga sẽ họp lại vào thứ Sáu để quyết định có tăng lãi suất một lần nữa để đối phó với khủng hoảng kinh tế hay không. Việc tăng lãi suất khẩn cấp lên 20% vào cuối tháng Hai được coi là một động thái cần thiết - nhưng đau đớn - để giúp tránh một cuộc khủng hoảng tiền tệ thậm chí còn sâu hơn và lạm phát tăng nhanh hơn. Thống đốc Elvira Nabiullina đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi bà tuyên bố tăng lãi suất vài ngày sau khi Nga phát động chiến tranh với Ukraine, khi bà xuất hiện trong bộ đồ đen và từ chối trả lời câu hỏi của các phóng viên. Trước đây được coi là một ngôi sao của cộng đồng đầu tư quốc tế, bà phải chịu áp lực từ chức từ một số nhà đầu tư phương Tây sau cuộc tấn công của Điện Kremlin nhằm vào nước láng giềng thân phương Tây. Vào thứ Sáu, Ngân hàng sẽ phải cân bằng giữa rủi ro lạm phát gia tăng với cuộc suy thoái đang rình rập. Lạm phát cao thường sẽ kích hoạt tăng lãi suất, nhưng lãi suất cao sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng, có thể càng nhấn mạnh thêm chiều sâu của cuộc suy thoái đang diễn ra của Nga. “Lạm phát ở Nga đã tăng nhanh… đồng thời, cú shock hiện tại đối với nền kinh tế Nga là suy thoái sâu sắc,” theo Sofya Donets, nhà kinh tế của Renaissance Capital. Bà dự đoán cơ quan quản lý sẽ giữ lãi suất ở mức kỷ lục 20% vào thứ Sáu. Các nhà kinh tế được Ngân hàng Trung ương khảo sát vào đầu tháng Ba cho biết họ dự kiến lạm phát sẽ lên đến 20% trong năm, với lãi suất sẽ ở hai con số cho đến ít nhất cuối năm 2023. Phong Lữ lược dịch
Theo The Moscow Times
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|