JPMorgan cảnh báo các biện pháp trừng phạt làm tăng khả năng nước Nga vỡ nợ |
Thị trường chứng khoán của Nga vẫn đóng cửa. Đồng ruble có giá trị ít hơn một xu. Và các doanh nghiệp phương Tây đang tháo chạy. JPMorgan cảnh báo tiếp theo có thể là một vụ vỡ nợ của nước Nga. “Các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga làm tăng đáng kể khả năng chính phủ Nga vỡ nợ trái phiếu tiền tệ cứng,” theo các nhà chiến lược thị trường mới nổi của JPMorgan. Nga có thể có tiền để thanh toán các khoản nợ của mình. Ngân hàng Trung ương Nga có 643 tỷ USD dự trữ quốc tế. Tuy nhiên, theo JPMorgan các biện pháp trừng phạt Hoa Kỳ áp dụng đối với các tổ chức của chính phủ Nga, các biện pháp đối phó trong nội bộ Nga nhằm hạn chế thanh toán nước ngoài và gián đoạn chuỗi thanh toán "gây trở ngại lớn cho Nga trong việc thanh toán trái phiếu ở nước ngoài." Ví dụ, các lệnh trừng phạt đối với ngân hàng trung ương Nga và việc loại trừ một số ngân hàng ra khỏi SWIFT, mạng lưới bảo mật cao được các ngân hàng sử dụng, sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận ngoại tệ của Nga để trả nợ, bao gồm lượng tiền dự trữ của Nga cũng như tiền mặt từ doanh thu xuất khẩu, theo Capital Economics. Capital Economics ước tính khoảng một nửa tiền dự trữ quốc tế của Nga sẽ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt - và phần lớn phần còn lại là vàng, có thể không dễ chuyển thành tiền mặt. “Đó sẽ là một vụ vỡ nợ vì hậu cần chứ không phải là do thiếu tiền,” theo Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group. Theo JPMorgan, Nga có hơn 700 triệu USD khoản thanh toán sẽ đến hạn vào tháng Ba, chủ yếu với thời gian ân hạn 30 ngày. Dù các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga không hạn chế giao dịch thứ cấp trái phiếu hiện có của nước này, JPMorgan lưu ý đã có vấn đề thanh toán với một số trái phiếu do Cơ quan lưu ký thanh toán quốc gia Nga đã khóa tài khoản của Euroclear, một nhà cung cấp dịch vụ thanh toán có trụ sở tại Bỉ. Một số người tin rằng Điện Kremlin có thể đang tạo tiền đề cho một vụ vỡ nợ có chủ ý nhằm trừng phạt Hoa Kỳ và châu Âu vì phá hoại nền kinh tế của họ. "Putin chắc chắn tiến đến vỡ nợ 100%", giám đốc quỹ đầu cơ Kyle Bass nói. "Phương Tây đang chèn ép ông ấy. Tại sao ông ấy phải đồng ý trả lãi cho phương Tây lúc này?" Capital Economics lưu ý các nhà chức trách Nga đã cấm chuyển các khoản thanh toán lãi cho các khoản nợ trái phiếu bằng nội tệ sang cho người nước ngoài, nhấn mạnh quan điểm rằng các nhà chức trách đang "hành động thận trọng đối với việc người nước ngoài nắm giữ tài sản của Nga." "Nga có thể sử dụng việc vỡ nợ như một cách trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây để gây thiệt hại cho các bên cho vay nước ngoài. Không quá cường điệu khi nghĩ rằng chính quyền Nga có thể cấm trả nợ nước ngoài,” theo Capital Economics. Nga, hiện là nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới, vỡ nợ lần cuối vào năm 1998, gây ra một cuộc khủng hoảng lan rộng ra nước ngoài. Không rõ tác động của một vụ vỡ nợ ngày nay sẽ lan rộng như thế nào. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và sự tấn công của đại dịch Covid năm 2020 đã cho thấy nền kinh tế thế giới và hệ thống tài chính liên kết với nhau như thế nào. Tuy nhiên, người nước ngoài chỉ nắm giữ 20 tỷ USD khoản nợ dollar của Nga và trái phiếu chính phủ bằng đồng ruble trị giá 41 tỷ USD vào cuối năm, tờ Financial Times đưa tin, trích ngân hàng trung ương Nga. "Các hệ thống tài chính và tổ chức tài chính của chúng ta tương tác tương đối ít với Nga," ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, nói tại phiên điều trần tại Hạ viện hôm thứ Tư. "Ngay cả rủi ro lớn nhất cũng không lớn lắm." Khi được hỏi việc vỡ nợ của Nga có ý nghĩa như thế nào đối với hệ thống tài chính toàn cầu, ông Bass nói: "Không có gì. Nó chỉ có nghĩa là mọi người sẽ mất một số tiền." Ông Boockvar cho biết ông khá lạc quan khi người nước ngoài có rủi ro tương đối thấp đối với các khoản nợ của Nga. Tuy nhiên, ông không chắc điều này sẽ diễn ra như thế nào vì rất hiếm khi thấy các lệnh trừng phạt nhắm vào một ngân hàng trung ương lớn. "Tất cả chúng ta đều đang mò mẫm," ông Boockvar nói. Phong Lữ lược dịch
Theo CNN
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|