Lần đầu tiên sau 15 năm, Trung Quốc không còn là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ |
Thay thế vị trí của Trung Quốc là Mexico, tiếp theo là Canada. Giai đoạn tiếp theo của toàn cầu hóa là "khu vực hóa". Theo thông tin mới được Luis Torres, chuyên gia kinh tế cao cấp của Fed Dallas, tiết lộ, Mexico đã vượt qua Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của nước Mỹ. Trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị hàng hóa trao đổi giữa 2 nước đạt 263 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 15,4% kim ngạch xuất nhập khẩu của Mỹ. Tỷ trọng thương mại với Canada và Trung Quốc lần lượt chiếm 15,2% và 12%. Mặc dù thế giới đã bình thường trở lại sau đại dịch, việc Mexico vượt qua Trung Quốc – nước đã dành 2 thập kỷ vừa qua để gắn kết sâu hơn với kinh tế Mỹ - là dấu hiệu rõ ràng cho thấy những hỗn loạn của năm 2020 sẽ tiếp tục định hình thế giới trong những năm sắp tới. Ông Torres cho rằng những “hạt mầm” tạo nên sự thay đổi đã được gieo trồng từ trước cả khi đại dịch xảy ra. Trong khi cựu Tổng thống Donald Trump áp mức thuế cao chót vót đối với hàng hóa Trung Quốc, Mỹ lại ký thỏa thuận tự do thương mại với Canada và Mexico như 1 phiên bản nâng cấp của thỏa thuận NAFTA đã có từ gần 30 năm trước. Một nguyên nhân khác là xu hướng “nearshoring”, tức các quốc gia dịch chuyển chuỗi cung ứng những mặt hàng quan trọng nhất về các quốc gia gần hơn với họ cả về vị trí địa lý và chính trị. “Mặc dù có rất ít số liệu về nearshoring, chủ nghĩa bảo hộ và chính sách công nghiệp của các nước đều có xu hướng chung là thúc đẩy thương mại khu vực thay vì thương mại toàn cầu”, Torres viết. Nearshoring càng phát triển mạnh trong đại dịch trong bối cảnh chi phí vận chuyển hàng hóa xuyên Thái Bình Dương tăng vọt và người tiêu dùng cũng muốn rút ngắn thời gian dài hàng. Các nhà kinh tế học gọi đây là “hiệu ứng Amazon Prime”, đặt tên theo chương trình khách hàng thân thiết của gã khổng lồ bán lẻ Amazon. Đầu năm nay, cây bút Peter S. Goodman của The New York Times cũng viết rằng các công ty như Walmart đang ngày càng tìm đến những quốc gia gần với quê nhà hơn trong lúc căng thẳng chính trị Mỹ - Trung leo thang. “Toàn cầu hóa không bị đảo ngược, mà giai đoạn tiếp theo của toàn cầu hóa sẽ tập trung vào các mạng lưới mang tầm khu vực”, Michael Burns, lãnh đạo của quỹ đầu tư Murray Hill nhận xét. Trong cuốn sách mới xuất bản có tựa đề “The Globalization Myth: Why Regions Matter”, tác giả Shannon O’Neil cũng có nhận định tương tự. Thêm vào đó, ông cho rằng mang dây chuyền sản xuất về gần nước Mỹ hơn sẽ có ích cho người lao động Mỹ. Trung bình các hàng hóa nhập khẩu từ Mexico “có tới 40% được sản xuất ở Mỹ”. Tỷ lệ của hàng hóa nhập khẩu từ Canada là 25% còn từ Trung Quốc chỉ là 4%. Theo CafeF Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|