Tài chính Thứ năm, 03/08/2023, 10:10 GMT+7
Nước Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng ra sao khi bị hạ xếp hạng tín nhiệm?

Ngày 1/8/2023, lần thứ hai trong lịch sử, chính phủ Mỹ bị Fitch, một trong ba cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn trên thế giới, hạ bậc xếp hạng tín nhiệm từ AAA (mức xếp hạng cao nhất) xuống AA+

a03 us economy

Trước đó đã có khoảng thời gian dài Fitch Ratings cảnh báo triển vọng tiêu cực.

Ở lần rớt hạng đầu tiên năm 2011, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều giảm mạnh từ 5-7% chỉ trong một ngày. Việc bị xếp hạng tín dụng thấp hơn có thể làm tăng chi phí vay của chính phủ Mỹ trong tương lai - nhưng không vì thế mà dòng vốn có thể dễ dàng rời khỏi Mỹ, theo nội dung bài báo mới được CNBC đăng tải.

Việc nước Mỹ bị hạ tín nhiệm mới đây không khỏi ảnh hưởng đến vị thế của nước Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Ngày 1/8/2023, Fitch Ratings đã chính thức hạ xếp hạng tín nhiệm cao nhất của Mỹ, động thái mà từ cách đây hơn một thập kỷ tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings cũng đã đưa ra.

Cả hai quyết định hạ xếp hạng tín nhiệm này đều có nguyên nhân từ việc các tổ chức không hài lòng về tình trạng vay nợ của Mỹ.

Theo lịch sử thị trường tài chính từ những lần bị hạ xếp hạng trước đây, ảnh hưởng sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, tuy nhiên động thái có thể dọn đường cho những cuộc chiến chính trị tiếp theo,

Bloomberg mới đây đã đưa ra một số phân tích sau động thái của Fitch Ratings:

Lý do Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ

Fitch chỉ ra việc hạ xếp hạng tín nhiệm xuống ngưỡng AA+ phản ánh cho việc chất lượng quản trị đi xuống, cụ thể nó được thể hiện qua việc liên tiếp bế tắc về vấn đề trần nợ cũng như luôn đưa ra giải pháp vào phút cuối cùng.

Theo luật từ năm 1917, nước Mỹ đương đầu với vấn đề vay nợ bằng đồng USD bị hạn chế, trần nợ chỉ có thể được điều chỉnh tăng bởi sự đồng thuận của Quốc hội và Tổng thống. Tình trạng bế tắc đã diễn ra suốt nửa đầu năm 2023 khi mà trần nợ Mỹ tăng cao dần lên ngưỡng 31,4 nghìn tỷ USD, các chính trị gia đã rất phải cố gắng chạy đua với thời gian.

Tình thế bế tắc cuối cùng cũng đã được giải quyết trong tháng 5/2023 tuy nhiên nó vẫn khiến người ta không khỏi băn khoăn về tương lai của chính trị nước Mỹ cũng như kịch bản tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Xếp hạng AA+ nghĩa là gì?

Xếp hạng AA+ thấp hơn một bậc so với AAA, điều đó đồng nghĩa nước Mỹ không còn cái mà Fitch định nghĩa là chất lượng tín dụng cao nhất. Dù rằng Fitch nói rằng xếp hạng AA đồng nghĩa rủi ro vỡ nợ rất thấp, nhưng tình trạng này vẫn xấu hơn so với kỳ vọng rủi ro vỡ nợ thấp nhất đối với những nước có xếp hạng AAA.

Xếp hạng tín nhiệm cao nhất được dành cho chỉ những trường hợp có năng lực ngoại lệ trong đáp ứng các cam kết tài chính, còn điểm tín dụng AA cho thấy năng lực đáp ứng các cam kết tài chính tốt. Trên toàn cầu, Fitch Ratings được coi như tổ chức xếp hạng tín nhiệm nhỏ nhất trong nhóm ba tổ chức lớn nhất bao gồm Moody và S&P.

Trái phiếu của các chính phủ được xếp hạng như thế nào?

Các doanh nghiệp xếp hạng đánh giá sức khỏe tài chính của các bên phát hành trái phiếu trong đó có chính phủ và đưa ra điểm tín dụng xếp hạng năng lực trả nợ của các bên này. Nhà đầu tư thường nhìn vào điểm tín dụng khi mua trái phiếu, đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm giữ vai trò quan trọng trong việc quyết định bên phát hành sẽ vay với lãi suất bao nhiêu trên thị trường vốn.

Dù vậy, lãi suất trái phiếu trên thị trường Mỹ luôn được giữ ở mức thấp bởi nhu cầu với đồng USD ở ngưỡng cao khi đồng USD là đồng tiền dự trữ của thế giới còn trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ vốn được coi như tài sản không có rủi ro.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong tuyên bố sau khi Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm đã nhấn mạnh động thái này hoàn toàn thiếu khách quan và dựa trên các số liệu lạc hậu, bà tin nó sẽ không làm thay đổi quan điểm của nhà đầu tư toàn cầu

Lợi suất trái phiếu thời hạn 30 năm đã tăng lên ngưỡng cao nhất trong gần 9 tháng trước khi xếp hạng được điều chỉnh giảm và nước Mỹ chuẩn bị đẩy mạnh việc bán trái phiếu nhằm có tiền bù đắp vào thâm hụt ngân sách.

Việc bị hạ xếp hạng này có ý nghĩa như thế nào?

Khi S&P hạ xếp hạng tín nhiệm của chính phủ Mỹ vào năm 2011, S&P lý giải về những nỗi lo xung quanh tình trạng của kinh tế Mỹ ở thời điểm mà châu Âu đang rơi vào khủng hoảng nợ. Ngay cả như vậy, động thái của S&P cũng không gây ra nhiều hậu quả dài hạn. Nhà đầu tư vẫn đổ tiền vào tài sản và trái phiếu chính phủ Mỹ ngay sau đó.

Một phần lý do là bởi kinh tế Mỹ vẫn vững vàng nhưng cùng lúc đó các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) lại chật vật trong việc bảo vệ liên minh tiền tệ của mình.

Lần này, thị trường tài chính cũng đang rất lo lắng về kinh tế Mỹ, tuy nhiên trọng tâm của thị trường chính là chu kỳ nâng lãi suất mạnh tay nhất trong nhiều thập kỷ của Fed để kiềm chế lạm phát. Nếu nhìn theo cách đó, việc Fed làm gì sẽ có ảnh hưởng lớn hơn quyết định của Fitch Ratings. Hiện tại, Moody vẫn để cho Mỹ có xếp hạng cao nhất, điều đó cũng thu hút sự quan tâm của thị trường.

Xếp hạng tín nhiệm của các nước khác có chịu ảnh hưởng?

Tình hình tài chính của nhiều nước khác đang có xếp hạng tín nhiệm loại cao nhất cũng đang trong tình trạng suy giảm. Có thể kể đến trong nhóm này là Australia, Đức, Singapore, Thụy Sỹ, theo phân tích của Bloomberg.

Fitch xếp hạng Canada ở ngưỡng AA+, Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, có xếp hạng A+, thấp hơn ba bậc. Xếp hạng của một quốc gia có thể coi như ngưỡng trần của xếp hạng doanh nghiệp trong nước đó, nhưng không phải tất cả mọi trường hợp đều giống nhau. Tại Mỹ vẫn có những doanh nghiệp giữ được xếp hạng AAA từ cả ba tổ chức lớn ví như Microsoft hay Johnson & Johnson.

Theo BizLive


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1