S&P hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, nhà đầu tư rút vốn mạnh nhất 18 tuần |
Trong 4 phiên gần nhất, chỉ số CSI 300 đều giảm gần 4% và đã giảm tổng cộng 22% kể từ đầu năm đến nay Trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục xuất hiện nhiều dấu hiệu suy yếu, các nhà đầu tư đang ồ ạt rút lui khỏi thị trường này. Theo số liệu của EPFR Global, trong 3 tuần đầu tháng 6, lượng vốn bị rút ra khỏi các quỹ đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc đã tăng vọt, lên mức cao nhất trong 18 tuần trở lại đây. Ngược lại, dòng vốn đổ vào các thị trường mới nổi khác lại tăng lên. Ví dụ, tính theo tuần, Ấn Độ thu hút được lượng vốn lớn nhất kể từ quý I/2018 trong khi Hàn Quốc ghi nhận dòng vốn chảy vào cao nhất trong 1 năm trở lại đây. Trong 4 phiên gần nhất, chỉ số CSI 300 đều giảm gần 4% và đã giảm tổng cộng 22% kể từ đầu năm đến nay. Dòng vốn bị rút ra khỏi Trung Quốc sau khi tổ chức xếp hạng tín dụng S&P Global hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay và năm sau. Theo S&P, GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, giảm so với mức 5,5% được đưa ra trước đó. Dự báo cho năm 2024 cũng giảm từ 5% xuống còn 4,7%. “Rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc hiện nay là đợt hồi phục hậu Covid-19 đang bị mất đà. Niềm tin của người tiêu dùng cũng như thị trường nhà ở khá yếu ớt. Việc thiếu hụt gói kích thích quy mô lớn sẽ làm rủi ro này tăng lên, nhưng chúng tôi dự báo nếu như kinh tế Trung Quốc suy giảm nghiêm trọng, chính phủ sẽ phải tung ra những biện pháp mạnh tay để kiểm soát tình hình”, báo cáo của S&P viết. Kinh tế Trung Quốc đã bật tăng mạnh trong quý I, sau khi dỡ bỏ chính sách zero Covid từ cuối năm 2022. Tuy nhiên, những số liệu gần đây về xuất khẩu, sản lượng công nghiệp, thị trường bất động sản và dòng vốn đầu tư cho thấy sự suy yếu đáng kể. Vẫn có 1 vài điểm sáng. Ví dụ, mặc dù doanh số bán lẻ tháng 5 không tăng trưởng mạnh như kỳ vọng, chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu vẫn cao hơn 21% so với cùng kỳ 2019 và tăng 17,3% so với tháng 4. Dẫu vậy, ngày càng xuất hiện nhiều tiếng nói kêu gọi chính phủ Trung Quốc hãy bổ sung thêm chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Trong tháng 6 Trung Quốc cũng đã bắt đầu hạ lãi suất và theo một số nguồn thạo tin thì Bắc Kinh đang xem xét một số biện pháp kích thích khác. Tuy nhiên S&P nhận định Trung Quốc sẽ chưa vội hành động mạnh hơn. “Số liệu quý II chắc chắn sẽ tươi sáng hơn vì cùng kỳ năm ngoái số rất xấu. Các nhà hoạch định chính sách đang hướng tới 1 sự hồi phục tự nhiên hậu đại dịch và vẫn rất quan tâm tới chuyện kiểm soát rủi ro tài chính cũng như giảm tỷ lệ đòn bẩy”, báo cáo của S&P có đoạn. Theo CafeF Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|