Thị trường Thứ ba, 02/06/2020, 08:25 GMT+7
IMF: Đại dịch có thể làm lệch dữ liệu kinh tế và khiến chúng kém chính xác hơn

Các chỉ số kinh tế chính có thể bị sai lệch, và có lẽ kém chính xác hơn, do hậu quả của đại dịch virus corona, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

jn2 imf1

“Dữ liệu kinh tế chính xác và kịp thời rất quan trọng để thông báo các quyết định chính sách, đặc biệt trong một cuộc khủng hoảng. Nhưng đại dịch COVID-19 đã phá vỡ việc đưa ra nhiều số liệu thống kê quan trọng,” theo IMF cho biết trong tuần này.

Bệnh virus corona, chính thức được gọi là Covid-19, xuất hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái. Dịch bệnh đã lây nhiễm hơn 6 triệu người và giết chết hơn 360,000 người trên toàn cầu, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.

“Nếu không có dữ liệu đáng tin cậy, các nhà hoạch định chính sách không thể đánh giá được đại dịch gây thiệt hại nặng nề cho người dân và nền kinh tế như thế nào, họ cũng không thể theo dõi sự phục hồi một cách chính xác,” theo bài viết của ba thành viên thuộc bộ phận thống kê IMF.

Bài đăng trên blog xuất hiện vào thời điểm nhiều quốc gia đang phát hành số liệu tổng sản phẩm quốc nội trong ba tháng đầu năm - khi virus corona bắt đầu lan rộng trên toàn cầu. GDP là thước đo rộng quy mô nền kinh tế và được các chính phủ, ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư theo dõi.

Ở Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - Nhà Trắng và Quốc hội sử dụng dữ liệu GDP để hoạch định chính sách chi tiêu và thuế. Quỹ Dự trữ Liên bang cũng xem xét các con số GDP khi thiết lập chính sách tiền tệ, theo Cục Phân Tích Kinh Tế Hoa Kỳ (BEA).

“Người làm kinh doanh sử dụng những số liệu thống kê này khi đưa ra quyết định về việc làm, phát triển, đầu tư và hơn thế nữa,” theo BEA.

Tuần này, một số quốc gia dự kiến sẽ công bố dữ liệu GDP của họ, bao gồm Ấn Độ, Pháp, Ý, Canada và Brazil.

Dữ liệu gián đoạn

Theo IMF, một trở ngại quan trọng trong việc tạo ra các số liệu thống kê kinh tế đáng tin cậy và kịp thời trong đại dịch là những biện pháp phong tỏa đã giữ chân nhân viên của các cơ quan thống kê quốc gia ở nhà.

“Ví dụ, tính toán giá bán lẻ thường cần các chuyến đi thực tế đến các cửa hàng nhưng điều này hiện không thể thực hiện ở nhiều quốc gia,” IMF giải thích.

“Tương tự, việc khảo sát các doanh nghiệp về kế hoạch sản xuất và đầu tư của họ cũng khó khăn vì nhiều nơi tạm thời đóng cửa hoặc đơn giản là không có đủ nguồn lực để trả lời các câu hỏi thống kê.”

Những gián đoạn như thế sẽ khiến dữ liệu về giá cả và sản xuất - vốn rất quan trọng đối với các quyết định kích thích tài chính và chính sách tiền tệ - bị trì hoãn hoặc ước tính chỉ dựa trên một phần thông tin, theo IMF.

Đại dịch diễn ra cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu được cập nhật thường xuyên, cho phép các nhà hoạch định chính sách đưa ra “những quyết định sáng suốt nhất.” Nhiều số liệu thống kê chính thức truyền thống “không đủ cập nhật để hữu dụng vào thời điểm này.”

Lựa chọn sáng tạo thay thế cần thiết

IMF cho biết có nhiều cách để vượt qua những thách thức đó, trong đó có sử dụng các nguồn thông tin thay thế. Chẳng hạn, giá bán lẻ bị thiếu do cửa hang đóng cửa có thể được thay bằng giá trực tuyến, IMF giải thích.

IMF lưu ý một số quốc gia đã bắt đầu một số nỗ lực này.

Vương quốc Anh, nơi bắt đầu phát hành các bản tin hàng tuần với “các chỉ số mới và mang tính thử nghiệm,” bao gồm các chỉ số giá trực tuyến và dữ liệu vận chuyển hàng ngày để đo lường tác động của virus corona đối với lạm phát và thương mại.

“Sự gián đoạn dữ liệu quan trọng do đại dịch COVID-19 đòi hỏi những phương pháp thu thập dữ liệu và nguồn dữ liệu sáng tạo,” theo IMF.

“Thông tin chính xác hơn và theo thời gian thực sẽ giúp các quốc gia tiếp tục ứng phó hiệu quả hơn với cuộc khủng hoảng và bắt đầu hoạch định cho sự phục hồi.”

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNBC

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1