Thị trường Thứ năm, 14/05/2020, 10:24 GMT+7
Giá đang lao dốc ở mức báo động

Giá cả đang giảm mạnh ở Mỹ khi tình trạng phong tỏa vì virus corona kéo dài và mọi người chi tiêu ít hơn.

m14 price

Giá tiêu dùng Mỹ giảm trong tháng thứ hai liên tiếp vào tháng Tư, theo báo cáo từ Cục Thống kê Lao động (BLS) vào thứ Ba, 12/5. Giá giảm 0.8% trên cơ sở điều chỉnh theo mùa trong tháng Tư, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ tháng 12/2008. Đây là mức giảm báo động, chủ yếu do giá xăng và năng lượng giảm. Nhưng dù không tính đến giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, giá vẫn giảm 0.4%, mức giảm hàng tháng lớn nhất trong chỉ số giá tiêu dùng cơ bản kể từ khi BLS bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 1957.

Giá giảm có vẻ như là một điều tốt, nhưng các nhà kinh tế đồng ý rằng giảm phát - ngược lại với lạm phát - sẽ là tin rất xấu.

Khi giá giảm vì mọi người không mua đồ, đôi khi các nhà sản xuất không thể tính đủ tiền để sản xuất sản phẩm họ đang cố bán, nghĩa là họ sẽ ngừng sản xuất những sản phẩm đó và sa thải công nhân. Điều đó có thể bắt đầu một vòng luẩn quẩn theo đó nhu cầu tiếp tục giảm khi nhiều người mất việc.

Giảm phát vẫn chưa xảy ra - giá đã tăng 0.3% trong 12 tháng qua. Nhưng nếu yêu cầu ở nhà tiếp tục đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái lớn, giá thấp hơn có thể khiến tổn thất thêm trầm trọng.

Sự suy giảm đáng kinh ngạc của giá dầu

Giá xăng dầu lao dốc là do cuộc khủng hoảng nhu cầu trên thị trường dầu mỏ, kết hợp với cuộc chiến giá lớn giữa Saudi Arabia và Nga trong thời điểm không thuận lợi.

Thị trường dầu đang phải vật lộn với nhu cầu suy yếu khi mọi người hủy bỏ kế hoạch du lịch, làm việc tại nhà hoặc mất việc. Tuy nhiên, các công ty dầu vẫn tiếp tục sản xuất, dù khả năng lưu trữ hạn chế đã kéo giá hợp đồng dầu kỳ hạn xuống âm vào tháng trước.

Người Mỹ cảm thấy ảnh hưởng ngay từ trạm xăng, khi chỉ số giá xăng của BLS giảm mạnh 20.6% trong tháng Tư. Chỉ số năng lượng tổng thể giảm 10.1%.

Quần áo, xe hơi và giá vé máy bay cũng giảm

Dù giá năng lượng giảm mạnh chiếm phần lớn các khoản giá giảm trong tháng trước, đây không phải là lĩnh vực duy nhất có giá giảm.

Giá cả hàng may mặc, bảo hiểm xe hơi, vé máy bay và cư trú xa nhà đều góp phần kéo chỉ số chung xuống khi nhu cầu cho hàng hóa và những dịch vụ này biến mất.

Do hầu hết nước Mỹ tiếp tục chịu các hạn chế phong tỏa ở mức độ nào đó, số tiền chi cho các kỳ nghỉ và nhiều mặt hàng tùy ý đã giảm. Các nhà kinh tế lo ngại loại chi tiêu này có thể mất thời gian để phục hồi vì người tiêu dùng vẫn thận trọng ngay cả sau khi các hạn chế được dỡ bỏ.

Thực phẩm và giá thuê tăng cao

Trong khi đó, giá thực phẩm tăng cao hơn, với mảng thực phẩm tại nhà ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ tháng 2/1974, tăng 2.6%.

Chỉ số giá trứng tăng hơn 16% - mức tăng lớn nhất đối với bất kỳ mặt hàng thực phẩm nào.

Giá thuê và chi phí y tế cũng tăng nhẹ.

Các nhà kinh tế dự kiến cuộc khủng hoảng virus corona phần lớn sẽ có tác động giảm phát. Dữ liệu tháng Tư là bằng chứng về điều đó. Đây là tin xấu cho các nhà hoạch định chính sách tại Quỹ Dự trữ Liên bang, những người muốn giữ lạm phát ở khoảng 2% - mức được nhiều người chấp nhận là cân bằng lý tưởng cho kinh tế Mỹ.

"Ngay cả khi nền kinh tế mở cửa trở lại, lạm phát cơ bản có thể sẽ tiến đến dưới 1% trong năm tới trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao và giá hàng hóa thấp", theo Sal Guatieri, Chuyên gia kinh tế cao cấp tại BMO.

Fed đã tung ra gói kích thích chính sách tiền tệ khổng lồ để ổn định thị trường và giúp nền kinh tế vượt qua cuộc khủng hoảng này.

Thông thường, hành động tiền tệ như thế dự kiến sẽ làm tăng lạm phát. Nhưng theo Gregory Daco, nhà kinh tế học người Mỹ tại Oxford, với định hướng giá đang diễn ra, "lạm phát tăng là điều chúng tôi ít lo lắng nhất ".

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1