Tài chính Thứ hai, 27/09/2021, 11:02 GMT+7
Đức, nền kinh tế lớn nhất ở Châu Âu, điều gì sẽ xảy ra nếu nước này khuynh tả?

Bà Angela Merkel chuẩn bị từ chức Thủ tướng Đức sau 16 năm, đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

s27 german

Kết quả của cuộc bầu cử hôm Chủ nhật, 26/9, rất khó dự đoán và việc thành lập chính phủ có thể mất vài tuần hoặc vài tháng. Nhưng khi mọi thứ ổn định lại, các thăm dò cho thấy thủ tướng mới có thể là ông Olaf Scholz, thuộc đảng Dân chủ Xã hội cánh tả (SPD), người đã chèo lái nền kinh tế Đức vượt qua đại dịch với tư cách là bộ trưởng tài chính trong liên minh với bà Merkel. Trong khi đó, đảng Xanh có thể tăng gấp đôi số ghế trong quốc hội.

Đảng SPD của ông Scholz và Đảng Xanh có thể hợp tác với Đảng Dân chủ Tự do ủng hộ doanh nghiệp, có đủ quyền lực để chuyển hướng kế hoạch kinh tế của nước Đức sang cánh tả. Thuế và chi tiêu có thể tăng khi các nhà lãnh đạo chính trị nỗ lực thúc đẩy chính sách số hóa và khí hậu, trong khi những lo lắng về việc nợ chính phủ tăng có thể không còn quan trọng nữa.

“Những người thuộc đảng Xanh và những người thuộc đảng Tự do trong một liên minh sẽ mang lại những lực lượng sáng tạo mới nhất chúng ta từng có trong chính phủ Đức,” theo Carsten Brzeski, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu của ING.

Cứ chi thêm rồi hẵn lo?

Các ngân hàng toàn cầu cho rằng kết quả cuối cùng sau bầu cử giữa các đảng là không chắc chắn, đồng thời khuyên các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho hai khả năng: một liên minh của SPD, Đảng Xanh và FDP, hoặc một chiến thắng sít sao cho đảng trung hữu Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Merkel, do Armin Laschet lãnh đạo, cũng có thể sẽ cần hợp tác với Đảng Xanh và FDP.

Khả năng đầu tiên sẽ đánh dấu bước chuyển sang cánh tả, nhưng sẽ ít kịch tính hơn so với một liên minh giữa SPD, Greens và Die Linke cực tả. Kết quả này, có thể dẫn đến nhiều nỗ lực tham vọng hơn nhằm phân phối lại của cải và tăng thuế, vốn bị các nhà phân tích bỏ qua, và có thể sẽ khiến các nhà đầu tư ngạc nhiên.

Bất kỳ sự kết hợp nào cũng sẽ phải điều phối sự phục hồi đang diễn ra sau đại dịch virus corona. Kinh tế Đức đang trên đà tăng trưởng 2.9% trong năm nay và 4.6% vào năm sau sau khi giảm 4.9% năm 2020, theo dự báo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.

Tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy động lực có thể đang đi xuống. Chỉ số Ifo, theo dõi môi trường kinh doanh của Đức, đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng Chín, theo dữ liệu được công bố hôm thứ Sáu. Tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, chuỗi cung ứng gặp khó khăn và giá khí đốt tăng cao có thể đang gây ảnh hưởng.

Sự thụt lùi này có thể gây thêm áp lực lên các lãnh đạo mới của đất nước trong việc loại bỏ những quy tắc tài khóa nổi tiếng nghiêm ngặt của Đức để có thể tiếp tục chi tiêu cho nền kinh tế trong nước.

Nước Đức đã đưa cái gọi là "phanh nợ" vào hiến pháp năm 2009, hạn chế rất nhiều việc vay nợ công sau cuộc khủng hoảng tài chính chỉ với một số ngoại lệ. Vì đại dịch, các quy định về nợ đã được tạm dừng cho đến năm 2023, cho phép việc vay nợ của Đức tăng mạnh, với tỷ lệ nợ trên GDP tăng lên 70% trong năm 2020.

Dù tỷ lệ này thấp hơn so với Hoa Kỳ, nơi nợ hiện được dự báo sẽ vượt GDP hàng năm, các đảng phái trung dung của Đức muốn đưa tài chính công của đất nước trở lại trong tầm kiểm soát. Trong khi đó, đảng Xanh muốn nới lỏng lâu hơn nữa các quy định về nợ.

Các chiến lược gia của UBS là Dean Turner và Maximilian Kunkel cho rằng phanh nợ - vốn đã trở thành nguyên lý quan trọng của chủ nghĩa bảo thủ tài khóa của Đức - có khả năng vẫn được duy trì, vì sẽ cần đến đa số 2/3 trong quốc hội để lật ngược điều này.

Tuy nhiên, họ dự kiến các lãnh đạo mới của Đức sẽ tìm ra những cách khác để tăng chi tiêu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, một vấn đề thậm chí còn lớn hơn sau khi lũ lụt kinh hoàng tấn công nước này hồi tháng Bảy.

"Một điểm thỏa thuận chung cho tất cả các bên là sự cần thiết phải giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu", Turner và Kunkel viết trong một ghi chú nghiên cứu gần đây. Bất kỳ liên minh nào lên nắm quyền đầu tư xanh cũng "sẽ tăng".

Giải quyết khủng hoảng khí hậu

Ông Brzeski dự kiến liên minh cầm quyền sắp tới, bất kể hình thức nào, sẽ tạo một phương tiện đầu tư đặc biệt để phá vỡ phanh nợ, cho phép tiền chảy vào các sáng kiến xanh.

Tuy nhiên, với một chính phủ liên minh tự do hơn, một số mốc thời gian có thể được đẩy lên.

"Đảng Xanh có thể sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế Đức như một điều kiện tiên quyết để gia nhập chính phủ", theo Goldman Sachs.

Đảng Xanh kêu gọi giảm 70% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 1990 đến năm 2030, trong khi mục tiêu hiện tại của chính phủ là 65%. Họ cũng muốn các nhà máy than đóng cửa đến cuối thập kỷ này, thay vì vào năm 2038, và ô tô mới không khí thải cũng vào thời điểm đó.

Điều này có thể va chạm với những doanh nghiệp quyền lực nhất của Đức. Trong cập nhật chiến lược mới nhất của mình, Volkswagen cho biết họ muốn 50% doanh số đến từ ô tô điện đến năm 2030, tăng lên gần 100% vào năm 2040.

Mức độ can thiệp của nhà nước có thể gây tranh cãi giữa các thành viên liên minh.

"Cuộc tranh cãi lớn nhất sẽ là: Làm thế nào để thay đổi hành vi của mọi người?" ông Brzeski nói. "Ta làm điều này bằng cách khuyến khích, và giáo dục mọi người, hay bằng cách tăng giá cả và chi phí?"

Một chính phủ thiên tả ở Đức cũng có thể dẫn đến việc tăng thuế đối với những người Đức giàu có nhất, khi đảng SPD đề xuất một loại thuế tài sản mới đối với giới siêu giàu.

Nhưng các ngân hàng nhấn mạnh vẫn chưa rõ cuộc bầu cử sẽ diễn ra như thế nào - và đảng CDU bảo thủ hơn vẫn có thể thắng thế, giữ cho nước Đức càng vững chắc hơn trên con đường kinh tế và tài khóa hiện tại.

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1