Lạm phát của Mỹ giảm trong tháng Tám. Nhưng nước Mỹ vẫn chưa hết rắc rối |
Lạm phát ở Mỹ giảm nhẹ trong tháng Tám từ mức cao nhất trong 13 năm. Tuy nhiên, các mức giá tăng vẫn khá cao so với trước đại dịch. Theo Cục Thống kê Lao động cho biết hôm thứ Ba, 15/9, giá tiêu dùng tăng 5.3% trong năm kết thúc vào tháng Tám, thấp hơn một chút so với mức tăng 5.4% trong tháng Sáu và tháng Bảy. Loại trừ các mặt hàng dễ biến động như thực phẩm và năng lượng, giá đã tăng 4%, tăng ít hơn so với tháng Bảy. Chỉ tính riêng trong tháng Tám, giá tiêu dùng đã tăng 0.3% có điều chỉnh theo mùa. Đây là tháng thứ hai liên tiếp tỷ lệ lạm phát giảm nhẹ. Nếu không có lương thực và năng lượng, giá đã tăng 0.1% trong tháng, mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng Hai. Cái gì đắt đỏ hơn? Giá đã tăng trên diện rộng trong tháng trước, chỉ với một số trường hợp ngoại lệ. Điều đó cho thấy, lạm phát trong nhiều loại sản phẩm tăng chậm hơn so với tháng Bảy. Điều này cũng đúng với giá thực phẩm, tăng 0.4% trong tháng Tám - mức tăng chậm nhất kể từ tháng Năm - và 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các chỉ số giá thực phẩm của các cửa hàng tạp hóa lớn đều tăng trong 12 tháng qua, với giá thịt bò tăng cao nhất ở mức 12.2%. Chỉ số giá thịt, gia cầm, cá và trứng tăng 8%. Trong khi đó, giá vé máy bay giảm mạnh 9.1%, chi phí bảo hiểm xe hơi cũng giảm trong tháng Tám. Giá ô tô đã qua sử dụng trong tháng Tám giảm lần đầu tiên kể từ tháng Hai. Mặc dù vậy, giá vẫn tăng 31.9% trong 12 tháng qua. Nhu cầu về ô tô đã qua sử dụng tăng mạnh trong suốt đại dịch khi mọi người tìm kiếm phương tiện thay thế cho phương tiện giao thông công cộng. Việc sản xuất ô tô mới gặp trở ngại do thiếu chip trên toàn cầu cũng ảnh hưởng đến giá cả. Giá ô tô mới tiếp tục tăng trong tháng Tám. Lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu khoảng 2% của Cục Dự trữ Liên bang. Điều này quan trọng bởi ngân hàng trung ương có nhiệm vụ giữ giá ổn định. Lạm phát đã tăng mạnh kể từ khi kinh tế bắt đầu phục hồi, nhưng Fed cho rằng điều này chủ yếu do các yếu tố tạm thời. Báo cáo hôm thứ Ba ủng hộ cho cách nghĩ này của ngân hàng trung ương. Và Fed không đơn độc. Dữ liệu "tái khẳng định quan điểm cốt lõi của chúng tôi rằng lạm phát có thể đã đạt đỉnh trong mùa hè năm 2021 sau cú shock nguồn cung lịch sử định hình các yếu tố kinh tế trong đại dịch giai đoạn 2020-21," theo trưởng kinh tế Joseph Brusuelas của RMS. Tuy nhiên, Fed tỏ dấu hiệu họ có ý định sớm cắt giảm một số biện pháp kích thích kinh tế khẩn cấp áp dụng vào năm ngoái khi đại dịch bắt đầu. Điều đó cũng có thể giữ lạm phát trong tầm kiểm soát. Nhưng để việc giảm kích thích thành công, nền kinh tế phải đủ mạnh để tự mình tiếp tục phục hồi. Một báo cáo việc làm đáng thất vọng trong tháng Tám có thể đã đẩy lùi mốc thời gian Fed sẽ công bố thu hẹp chính sách kích thích. Biến thể Delta và ảnh hưởng của nó đối với sự phục hồi vẫn là một trong những rủi ro kinh tế lớn nhất trong phần còn lại của năm và kéo dài đến năm 2022. Những nguy cơ vì virus gia tăng có thể giữ lạm phát ở mức cao và khiến những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng càng thêm trầm trọng. Trong cả hai trường hợp, vài tháng tới có thể sẽ khó khăn, ông Brusuelas nói. Phong Lữ lược dịch
Theo CNN
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|