Cấm bitcoin: Những quốc gia hạn chế hoặc xem tiền điện tử là bất hợp pháp |
Bitcoin đã gây tranh cãi kể từ khi bắt đầu năm 2009, cũng như những loại tiền điện tử tiếp theo sau đó. Dù bị chỉ trích nhiều vì dễ biến động, được sử dụng trong các giao dịch bất chính và tốn rất nhiều điện để khai thác, Bitcoin đang được một số người, đặc biệt ở thế giới đang phát triển, xem là bến đỗ an toàn trong những cơn cuồng phong kinh tế. Nhưng khi ngày càng nhiều người quay sang tiền điện tử như một khoản đầu tư hoặc một cứu cánh, những vấn đề trên đã thể hiện trong một loạt các hạn chế về việc sử dụng tiền điện tử. Tình trạng pháp lý của Bitcoin và các altcoin khác (tiền thay thế cho Bitcoin) về cơ bản khác nhau giữa các quốc gia, dù ở một số quốc gia, mối quan hệ vẫn đang được xác định hoặc liên tục thay đổi. Trong khi phần lớn các quốc gia không coi sử dụng Bitcoin là bất hợp pháp, trạng thái như một phương tiện thanh toán hoặc như một loại hàng hóa sẽ thay đổi theo các hàm ý pháp lý khác nhau. Một số quốc gia đã đặt ra các hạn chế về cách Bitcoin có thể được sử dụng, với các ngân hàng cấm khách hàng thực hiện các giao dịch tiền điện tử. Những quốc gia khác đã cấm hoàn toàn sử dụng Bitcoin và tiền điện tử với các hình phạt nặng cho bất kỳ ai thực hiện giao dịch tiền điện tử. Dưới đây là những quốc gia có mối quan hệ đặc biệt không hòa thuận với Bitcoin và các loại tiền thay thế khác. Algeria Algeria hiện đang cấm sử dụng tiền điện tử sau khi luật tài chính được thông qua năm 2018, quy định mua, bán, sử dụng hoặc giữ tiền ảo là bất hợp pháp. Bolivia Có một lệnh cấm hoàn toàn đối với việc sử dụng Bitcoin ở Bolivia từ năm 2014. Ngân hàng Trung ương Bolivia đã ban hành một nghị quyết cấm Bitcoin và bất kỳ loại tiền tệ nào khác không được một quốc gia hoặc khu vực kinh tế quản lý. Trung Quốc Trung Quốc đã trấn áp tiền điện tử với cường độ ngày càng tăng trong suốt năm 2021. Các quan chức Trung Quốc nhiều lần cảnh báo người dân tránh xa thị trường tài sản kỹ thuật số và kiểm soát chặt chẽ việc khai thác trong nước cũng như các sàn giao dịch tiền tệ ở Trung Quốc và nước ngoài. Ngày 27/8 8, Yin Youping, Phó Giám đốc Cục Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng Tài chính của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), gọi tiền điện tử là tài sản đầu cơ và cảnh báo mọi người nên “bảo vệ túi tiền của mình.” Những nỗ lực nhằm làm suy yếu Bitcoin - một loại tiền tệ phi tập trung nằm ngoài sự kiểm soát của các chính phủ và tổ chức - phần lớn được xem là nỗ lực của chính quyền Trung Quốc để đưa ra đồng tiền điện tử của riêng họ. PBoC đang muốn trở thành một trong những ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới ra mắt đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình và làm như vậy họ sẽ có thể giám sát chặt chẽ hơn các giao dịch của người dân. Colombia Ở Colombia, các tổ chức tài chính không được phép tạo điều kiện cho các giao dịch Bitcoin. Năm 2014 Superintendencia Financiera cảnh báo các tổ chức tài chính họ có thể không được “bảo vệ, đầu tư, môi giới hoặc quản lý các hoạt động tiền ảo.” Ai Cập Dar al-Ifta của Ai Cập, cơ quan tư vấn Hồi giáo chính của nước này, đã ban hành một sắc lệnh tôn giáo năm 2018, xem các giao dịch Bitcoin là “haram,” một thứ bị cấm theo luật Hồi giáo. Dù không có tính ràng buộc nhưng luật ngân hàng của Ai Cập đã được thắt chặt vào tháng 9/2020 để ngăn giao dịch hoặc quảng bá tiền điện tử mà không có giấy phép của Ngân hàng Trung ương. Indonesia Bank Indonesia, ngân hàng trung ương của Indonesia, đã ban hành các quy định mới cấm sử dụng tiền điện tử, trong đó có Bitcoin, làm phương tiện thanh toán từ ngày 1/1/2018. Iran Bitcoin có mối quan hệ phức tạp với chế độ Iran. Để tránh tác động tồi tệ nhất từ những lệnh trừng phạt làm tê liệt nền kinh tế, Iran đã chuyển sang hoạt động khai thác Bitcoin sinh lợi để kiếm tiền cho nhập khẩu. Dù Ngân hàng Trung ương cấm giao dịch tiền điện tử được khai thác ở nước ngoài, họ khuyến khích khai thác Bitcoin trong nước với các ưu đãi. Khoảng 4.5% hoạt động khai thác Bitcoin trên thế giới diễn ra ở Iran, có thể đạt doanh thu hơn 1 tỷ USD (843 triệu euro), theo hãng phân tích blockchain Elliptic. Để ngành công nghiệp tiền điện tử phát triển mạnh, Iran cung cấp năng lượng giá rẻ cho những công ty khai thác được cấp phép nhưng yêu cầu tất cả các loại tiền điện tử được khai thác phải được bán cho Ngân hàng Trung ương. Tuy nhiên, việc khai thác không có giấy phép mỗi ngày tiêu tốn hơn 2GW từ lưới điện quốc gia, gây ra tình trạng thiếu điện. Do đó, các nhà chức trách Iran đã ban hành lệnh cấm khai thác Bitcoin trong bốn tháng cho đến ngày 22/9. Nepal Ngân hàng Rastra Nepal đã tuyên bố Bitcoin là bất hợp pháp kể từ tháng 8/2017. Bắc Macedonia Bắc Macedonia là quốc gia châu Âu duy nhất cho đến nay có lệnh cấm chính thức đối với tiền điện tử, như Bitcoin, Ethereum và các loại khác. Nga Dù tiền điện tử không bị cấm ở Nga, nhưng có một cuộc xung đột đang diễn ra nhằm chống lại việc sử dụng nó. Nga đã thông qua những luật đầu tiên để quản lý tiền điện tử vào tháng 7/2020, lần đầu tiên nước này chỉ định tiền điện tử là tài sản chịu thuế. Luật có hiệu lực vào tháng Một năm nay cũng cấm các công chức Nga sở hữu bất kỳ tài sản tiền điện tử nào. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần liên kết tiền điện tử với hoạt động tội phạm, đặc biệt kêu gọi chú ý chặt chẽ hơn đến các giao dịch tiền điện tử xuyên biên giới. Trong tháng Bảy, tổng công tố đã công bố luật mới được đề xuất cho phép cảnh sát tịch thu các loại tiền điện tử được cho là có được bất hợp pháp với lý do chúng được dung để hối lộ. Thổ Nhĩ Kỳ Nhiều người ở Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển sang tiền điện tử khi đồng lira của nước này giảm giá mạnh. Với một số mức sử dụng cao nhất so với bất cứ đâu trên thế giới, các quy định đã nhanh chóng ra đời trong năm nay khi lạm phát đạt đỉnh vào tháng Tư. Ngày 16/4/2021, Ngân hàng Trung ương của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ban hành quy định cấm sử dụng tiền điện tử, trong đó có Bitcoin, trực tiếp hoặc gián tiếp, để thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ. Ngày hôm sau, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan còn đi xa hơn và ban hành một sắc lệnh đưa các sàn trao đổi tiền điện tử vào danh sách những công ty phải tuân theo các quy tắc chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Việt Nam Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tuyên bố việc phát hành, cung cấp và sử dụng Bitcoin và các loại tiền điện tử khác như một phương tiện thanh toán là bất hợp pháp và có thể bị phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Tuy nhiên, chính phủ không cấm giao dịch Bitcoin hoặc giữ chúng làm tài sản. Phong Lữ lược dịch
Theo Euronews
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|