Tài chính Thứ tư, 20/05/2020, 08:57 GMT+7
Đức và Pháp nỗ lực phá vỡ bế tắc trong cách giải cứu EU

Vào thứ Hai, 18/5, Đức và Pháp đã công bố một sáng kiến nhằm giải cứu Liên minh châu Âu khỏi cuộc khủng hoảng khó khăn nhất trong lịch sử và thu hẹp những chia rẽ sâu sắc mang tính quốc gia cản trở tiến trình xây dựng một quỹ phục hồi sau đại dịch.

m20 eu

Sau cuộc họp qua cầu truyền hình, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề xuất thành lập một quỹ phục hồi trị giá 500 tỷ euro (543 tỷ USD) giúp các quốc gia và các ngành công nghiệp EU bị ảnh hưởng nhiều nhất do đại dịch virus corona.

Theo bà Merkel, cuộc khủng hoảng đe dọa sự gắn kết của Liên minh châu Âu. Sáng kiến của hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu là nhằm giúp đạt được sự đồng thuận giữa tất cả 27 quốc gia thành viên EU, bà nói thêm.

"Để hỗ trợ phục hồi bền vững, vực dậy và củng cố tăng trưởng ở EU, Đức và Pháp ủng hộ cho một Quỹ Phục Hồi tạm thời, có tham vọng, và có mục tiêu", bà Merkel nói trong cuộc họp báo video.

Khả năng phục hồi của châu Âu sau cú shock kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng bị đe dọa bởi việc khơi lại những vết thương chính trị cũ.

Sự chia rẽ giữa các quốc gia thành viên đã làm chậm tiến độ của quỹ phục hồi vốn được Ủy ban châu Âu hy vọng có thể thu hút được ít nhất 1 nghìn tỷ euro (1.1 nghìn tỷ USD) để xây dựng lại nền kinh tế khu vực.

Charles Michel, chủ tịch Hội đồng các lãnh đạo quốc gia Châu Âu của EU, đã kêu gọi gói cứu trợ này sẽ hoạt động vào ngày 1/6, nhưng ngày 6/5 Ủy ban đã thất bại trong việc hoàn tất đề xuất của mình.

Những bất đồng về việc quỹ có nên cấp các khoản vay hoặc trợ cấp cho những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất như Italy và Tây Ban Nha hay không đã làm đình trệ tiến độ. Các khoản tài trợ, hoặc chuyển tiền trực tiếp, sẽ có ý nghĩa một mức chia sẻ nợ mà các quốc gia như Hà Lan, Áo và Đức đã chống lại từ lâu.

Nhưng bà Merkel và ông Macron xác nhận theo đề xuất của họ, Ủy ban châu Âu sẽ vay tiền để thúc đẩy kinh tế EU và chuyển các quỹ thông qua ngân sách EU đến các khu vực và ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

"Với tính chất đặc biệt của thách thức từ đại dịch Covid-19 đối với các nền kinh tế trên toàn EU, Pháp và Đức đề xuất cho phép Ủy ban châu Âu tài trợ cho những hỗ trợ phục hồi như thế bằng cách vay trên các thị trường với danh nghĩa của EU", bà nói thêm.

Ông Macron cho biết quỹ phục hồi của EU sẽ được Ngân hàng Trung ương châu Âu hỗ trợ. Mặc dù quỹ sẽ phải được hoàn trả theo thời gian, gánh nặng này sẽ không chỉ thuộc về những người cần sự giúp đỡ nhất.

"500 tỷ euro này sẽ phải được hoàn trả," ông Macron nói, nhưng "không phải bởi những người thụ hưởng", ông nói thêm.

Đầu tháng này Ủy ban châu Âu đã cảnh báo kinh tế Liên minh châu Âu sẽ giảm kỷ lục 7.5% trong năm nay, và sự suy giảm thậm chí có thể còn sớm hơn ở 19 quốc gia sử dụng đồng euro.

Kinh tế sẽ suy giảm mạnh hơn nhiều so với những gì khu vực phải gánh chịu sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, một triển vọng bi quan hơn so với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào tháng Tư.

Ursula von der Leyen, chủ tịch của Ủy ban châu Âu, hoan nghênh "đề xuất mang tính xây dựng của Pháp và Đức".

Chủ tịch Hội đồng EU Michel gọi đó là "bước đi đúng hướng" cho EU.

"Tôi hoan nghênh những nỗ lực của Đức và Pháp nhằm tìm ra điểm chung cho quỹ phục hồi", ông Michel viết trên Twitter. "Tôi kêu gọi tất cả 27 quốc gia thành viên làm việc với tinh thần thỏa hiệp ngay khi Ủy ban châu Âu đưa ra đề xuất."

Các quan chức EU đã cảnh báo thiệt hại có thể còn tồi tệ hơn dự báo nếu đại dịch nghiêm trọng và kéo dài hơn so với dự kiến hiện tại.

Các nhà lãnh đạo EU đã ký các biện pháp giải cứu ngay lập tức trị giá ít nhất 500 tỷ euro (538 tỷ USD), một gói bao gồm các khoản trợ cấp tiền lương nhằm ngăn chặn sa thải hàng loạt, cũng như các khoản cho vay cho các doanh nghiệp.

Phong Lữ lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1