Vì sao cuộc khủng hoảng virus coronacó thể khiến các ngân hàng trung ương bỏ mục tiêu lạm phát |
Nhiệm vụ của ngân hàng trung ương có thể không còn tập trung vào lạm phát sau cuộc khủng hoảng virus corona. Virus corona mới - đã lây nhiễm hơn 3.5 triệu người trên toàn thế giới và giết chết gần 250,000 người - dự kiến sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế trong cả một thế hệ, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo thế giới sẽ sớm trải qua đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ những năm 1930. Các biện pháp phong tỏa nhằm giảm thiểu sự lây lan của virus đã làm số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ lên mức kỷ lục, với 26.4 triệu người nộp đơn xin bảo hiểm thất nghiệp trong năm tuần tính đến ngày 18/4. Số việc làm mất đi trong khủng hoảng đã xóa sạch mọi khoản tăng việc làm đạt được kể từ cuộc Đại suy thoái. Theo Pushan Dutt, giáo sư Kinh tế và Khoa học Chính trị tại INSEAD, hậu quả kinh tế từ đại dịch sẽ khiến các ngân hàng trung ương trong tương lai phải cải tổ các ưu tiên của mình. Ông lưu ý rất nhiều ngân hàng trung ương ngày nay đã trưởng thành trong những cú sốc giá dầu của thập niên 1970. “Vì thế họ đã đặt nặng vấn đề lạm phát - họ ít lo lắng hơn về tình trạng thất nghiệp,” ông nói. “Thế hệ tiếp theo của các ngân hàng trung ương lớn lên trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch Covid-19. Theo tôi, họ sẽ đặt nặng vấn đề giảm tỷ lệ thất nghiệp và họ sẽ ít lo lắng hơn nhiều về lạm phát,” dù là Ngân hàng Anh, Ngân hàng Trung ương Châu Âu hay Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ. Lạm phát là thước đo giá hàng hóa và dịch vụ đã tăng theo thời gian như thế nào. Nhiều hệ thống ngân hàng trung ương, trong đó có Ngân hàng Trung ương châu Âu, Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Liên bang Australia và Ngân hàng Anh, phát triển chính sách tiền tệ của mình xung quanh các mục tiêu lạm phát giá, nhằm giữ giá tiêu dùng tăng ở mức ổn định. Tuy nhiên, Joseph Gagnon, thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), chỉ ra rằng việc tái tập trung vào việc làm rất có thể sẽ xảy ra bên ngoài Hoa Kỳ. “Đối với Fed, việc làm luôn là một mục tiêu tương đương với lạm phát - do đó, điều đó sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, tôi cho rằng điều này có thể thay đổi ở những nơi khác, nơi tình trạng việc làm không như Hoa Kỳ. Và nên thay đổi, bởi chúng thực sự là hai mục tiêu quan trọng như nhau đối với các ngân hàng trung ương.” “Không phù hợp với mục đích” Gabriel Sterne, đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô dịch vụ chiến lược toàn cầu và các thị trường mới nổi tại Oxford Economics, đồng ý rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 “hầu như chắc chắn” sẽ chuyển sự tập trung ra khỏi các mục tiêu lạm phát giá. “Tôi cho rằng virus corona chắc chắn sẽ có tác động lớn đến lạm phát và các quan điểm đối với chính sách – Điều này có thể đưa các khuôn khổ tiền tệ ra bên lề. Hầu hết các ngân hàng trung ương đều nhắm mục tiêu lạm phát, nhưng vấn đề với các mục tiêu lạm phát là cả hai đều quá cao và quá thấp.” Theo ông, trong thập kỷ qua, chính sách tiền tệ phần lớn đã thất bại trong việc đạt được tỷ lệ lạm phát mục tiêu ở nhiều thị trường. “Nếu có chính sách tiền tệ cố gắng đạt mức lạm phát 2%, những gì chúng ta nhìn thấy là các ngân hàng trung ương đều không thực hiện được, bởi vì họ không có đủ không gian để giảm,” ông Sterne nói “Hãy tưởng tượng nếu lạm phát ở mức trung bình 4% và lãi suất trung bình là 4% - điều đó có nghĩa khi gặp một cú sốc lớn, ta có thể hạ lãi suất và bạn không phải xuống đến mức zero và nghĩ, ‘ôi, chúa ơi, chúng ta không thể hạ lãi suất nữa,' đó là tình trạng hiện nay của tất cả các ngân hàng trung ương.” Ông nói thêm các mục tiêu lạm phát cũng “rất cao” vì các ngân hàng trung ương liên tục không đạt được mục tiêu. “Vấn đề là, mục tiêu lạm phát không phù hợp với mục đích tại thời điểm hiện tại,” ông Sterne nói, đồng thời cho rằng các dự báo lạm phát của ngân hàng trung ương không còn phù hợp với môi trường kinh tế hiện nay. “Tôi nghĩ rằng độ tin cậy của các chế độ nhắm mục tiêu lạm phát hiện rất thấp, thấp đến mức chúng khá dư thừa. Các thị trường tài chính dự đoán về lạm phát tốt hơn nhiều so với các ngân hàng trung ương. Tôi nghĩ rằng toàn bộ khuôn khổ hiện nay có độ tin cậy quốc tế thấp hơn so với thời kỳ khi các mục tiêu lạm phát đã được khởi động vào đầu những năm 90.” Ông Sterne nói thêm ông dự kiến tất cả các ngân hàng trung ương sẽ không đạt được mục tiêu lạm phát trong bối cảnh đại dịch, và lưu ý cuộc khủng hoảng “nhất định” sẽ khiến việc đạt mục tiêu khó khăn hơn. Lạm phát của Hoa Kỳ đã giảm trong tháng Ba, theo dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia vào tuần trước. Chỉ số giá tiêu dùng của Anh ở mức 1.5% so với 1.7% trong tháng Hai. Ngân hàng Anh đặt mục tiêu giữ lạm phát ở mức 2%. Sterne cho biết ông dự kiến sẽ có một mô hình tương tự trên toàn cầu khi cuộc khủng hoảng virus corona tiếp tục “Lạm phát sẽ xuống thấp hơn và điều đó sẽ lặp đi lặp lại trên toàn thế giới - đặc biệt khi giá dầu giảm xuống mức rất thấp,” ông nói. “Chúng ta sẽ thấy rất nhiều nền kinh tế với mức lạm phát rất thấp, nếu không phải là âm trong năm tới, điều này gần như khiến các mục tiêu lạm phát của ngân hàng trung ương trở nên dư thừa.” Lạm phát tiền lương Ý tưởng rời xa các mục tiêu lạm phát giá đã nổi lên trước khi dịch Covid-19 lan khắp thế giới. Tại một sự kiện của Viện Brookings vào tháng Mười, Olivier Blanchard, giáo sư kinh tế học của Robert Solow tại MIT, thành viên cao cấp của PIIE và cựu giám đốc bộ phận nghiên cứu của IMF, đề nghị Fed nên nhắm mục tiêu lạm phát tiền lương, bởi điều này liên kết chặt chẽ với thất nghiệp hơn lạm phát giá. “Rõ ràng điều này có liên quan nhiều hơn đến sự phát triển thị trường lao động... Có vẻ như đó là chỉ số tốt hơn để xem xét thực sự. Về mặt chính trị, nói với mọi người rằng Fed quan tâm đến tiền lương và đặt mục tiêu cho lạm phát tiền lương, có lẽ là một lợi thế.” Phong Lữ lược dịch
Theo CNBC
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|