Tài chính Thứ tư, 17/06/2020, 14:11 GMT+7
Cuối cùng cũng đến lúc phải chi tiền cho cơ sở hạ tầng

Năm 2016, các nhà đầu tư cho rằng sẽ có tập trung lớn vào xây dựng lại cơ sở hạ tầng quốc gia từ vị tổng thống tiếp theo. Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton đã quảng bá các kế hoạch chi tiêu nhiều hơn cho đường cao tốc, sân bay, lưới điện và các bộ phận khác của mạng lưới giao thông và điện lực lâu đời của nước Mỹ.

jn17 spending

Cổ phiếu của những công ty như các đại gia thiết bị Caterpillar và Deere và các hãng sản xuất vật liệu Vulcan, Martin Marietta và US Concrete đều tăng trước cuộc bầu cử bốn năm trước với hy vọng chi tiêu cơ sở hạ tầng chắc chắn nhiều hơn bất kể ai thắng cử.

Giá cổ phiếu tiếp tục tăng vọt sau khi ông Trump giành chiến thắng. Tuy nhiên, lúc này đây, vào năm 2020, mặt trận cơ sở hạ tầng vẫn không có nhiều chuyển biến - dù nhiều chuyên gia cho rằng cần chi hàng nghìn tỷ dollar cho mạng lưới giao thông và băng thông rộng.

Nhưng khoản kích thích này có thể còn cấp bách hơn nữa trong đại dịch Covid-19: Hàng triệu người Mỹ mất việc. Tiền liên bang dành cho cơ sở hạ tầng có thể đóng vai trò là phiên bản hiện đại của Thỏa thuận mới của FDR hoặc Đạo luật Viện Trợ Đường Cao Tốc Liên Bang của Eisenhower.

Cả hai đảng đều kêu gọi cho các khoản chi tiêu như thế. Thống đốc bang New York, Andrew Cuomo, thuộc đảng Dân chủ, đang thúc đẩy một gói cơ sở hạ tầng. Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Roy Blunt và Roger Wicker cũng thế.

Một số đảng viên Dân chủ tại Hạ viện và Thượng viện cũng ủng hộ việc dành thêm nguồn tài trợ kích thích kinh tế cho cơ sở hạ tầng trong đại dịch Covid-19.

Nhưng không rõ liệu các lãnh đạo quốc hội thuộc đảng Dân chủ Nancy Pelosi và Chuck Schumer có thể đi đến thỏa thuận về bất cứ điều gì với Tổng thống Trump hay không - đặc biệt là trong chiến dịch tranh cử.

Một dự luật cơ sở hạ tầng sẽ giúp nhiều người Mỹ

Nhưng điều đó không ngăn cản các chuyên gia thị trường và các nhà kinh tế mơ về một gói chi tiêu cơ sở hạ tầng lớn.

"Nếu chi tiêu vào việc xây dựng một cái gì đó có giá trị lâu dài, điều đó có thể mang lại lợi ích cho tất cả người Mỹ", theo John Creswell, giám đốc điều hành tại Duff & Phelps Investment Management. "Với tất cả các chi tiêu trong gói kích thích có liên quan đến Covid, bạn sẽ nghĩ một dự luật cơ sở hạ tầng sẽ là điều hiển nhiên."

Ông Creswell cho rằng sẽ có 30% cơ hội cho một dự luật lớn được thông qua trong năm nay do các chính trị gia sẽ tập trung nhiều hơn vào tình trạng bùng phát virus corona và cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới.

Nhưng ông nghĩ sẽ có 50% cơ hội cho một gói chi tiêu lớn được thông qua nếu Trump đắc cử nhiệm kỳ thứ hai và lên tới 70% nếu Joe Biden trở thành tổng thống - đặc biệt là nếu chiến thắng của ông Biden đi kèm với việc đảng Dân chủ giành được nhiều ghế hơn ở Thượng viện.

Theo ông Creswell một dự luật chi tiêu lớn có thể mang lại lợi ích cho một loạt các công ty, từ hãng cơ sở hạ tầng không dây American Tower đến các hãng tiện ích như American Water Works và CMS Energy

“Có nhiều mục tiêu có thể tương đối dễ dàng đạt được nếu có tiền dành cho các dự án cơ sở hạ tầng,” theo Frank Rybinski, trưởng chiến lược gia vĩ mô của Aegon Asset Management.

Dùng tiền ngay trong khi lãi suất cực kỳ thấp

Theo ông Rybinski việc đưa mọi người đi sửa chữa đường sá, đường cao tốc và cầu và nâng cấp sân bay có thể có tác động lâu dài trong việc thúc đẩy nền kinh tế nhiều hơn ngoài việc mang lại mức lương ổn định cho người Mỹ.

"Có rất nhiều cơ sở hạ tầng giao thông cần nâng cấp. Nếu làm những việc đơn giản như lấp ổ gà và mở rộng làn đường, hàng hóa được vận chuyển nhanh hơn và hiệu quả hơn. Đây sẽ là cách tuyệt vời để thúc đẩy kinh tế và nâng cao năng suất trong dài hạn."

Ông Rybinski nói thêm hiện là thời điểm lý tưởng để chính phủ chi tiêu - ngay cả nếu có thêm nợ - vì Quỹ Dự trữ Liên bang dường như cam kết giữ lãi suất gần bằng 0 trong vài năm tới.

"Chính phủ nên làm điều này ngay bây giờ trong khi chi phí tài trợ còn rẻ. Giờ chính là thời điểm vay để chi tiêu", ông nói.

Tuy nhiên, một số người có thể chế nhạo quan niệm chính phủ nên chi tiêu thậm chí còn nhiều hơn vào lúc này.

Một "làn sóng xanh" có thể dẫn đến chi tiêu nhiều hơn

Một chiến lược gia cũng bày tỏ lo ngại về những gì có thể xảy ra với thị trường chứng khoán nếu ông Biden thắng cử và Thượng viện cũng chuyển sang màu xanh khi đảng Dân chủ chiếm ưu thế.

Điều đó có thể dẫn đến chi tiêu nhiều hơn - nhưng thuế cũng cao hơn để đảm bảo thâm hụt không tăng thêm.

"Trong một làn sóng đảng Dân chủ, chính quyền mới có thể cảm thấy áp lực phải giảm thâm hụt liên bang đồng thời tăng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe và cơ sở hạ tầng", theo David Kelly, trưởng chiến lược gia toàn cầu của JPMorgan Funds.

"Điều này có thể có nghĩa là thuế cao hơn đối với những cá nhân và tập đoàn giàu có hơn, cả hai đều  có tác động tiêu cực đến lợi nhuận thực sau thuế," ông Kelly nói thêm.

Hy vọng chính là bất kỳ sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và năng suất có thể đến từ việc nâng cấp những thành tố quan trọng của cơ sở hạ tầng của quốc gia sẽ bù đắp cho lo lắng về mức thuế cao hơn.

Khánh Lâm lược dịch
Theo CNN

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Tin mới nhấtĐọc nhiều nhất

banner qc1