Cuộc chiến thương mại của Trump có thể ảnh hưởng đến tiêu dùng nội địa của Trung Quốc, kéo theo cả châu Á |
Trong những tháng gần đây, tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu và điều này có thể gây tổn thương cho các nền kinh tế châu Á như thế nào đã luôn được chú ý đến. Châu Á có thể bị kéo xuống bởi cuộc xung đột, nhưng có thể còn có nhiều rủi ro hơn. Theo các chuyên gia, một yếu tố quan trọng khác là nhu cầu trong nước của Trung Quốc đối với hàng hóa từ các quốc gia châu Á khác có thể giảm đi. Trên thực tế, tiêu dùng của Trung Quốc đã trở nên ngày càng quan trọng đối với các quốc gia láng giềng trong khu vực, theo Louis Kuijs, người đứng đầu bộ phận Kinh tế châu Á tại Oxford Economics. “Đối với phần lớn các nền kinh tế châu Á, xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước của Trung Quốc tăng nhanh hơn rất nhiều so với xuất khẩu gián tiếp thông qua các chuỗi cung ứng và hiện đã vượt qua xuất khẩu gián tiếp,” ông Kujis nói. “Số lượng lớn hàng xuất khẩu châu Á được sử dụng trong chính nền kinh tế Trung Quốc có nghĩa là khi đánh giá tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chúng ta nên dự kiến tác động thông qua nhu cầu nội địa của Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng.” Và dù phản ứng của Trung Quốc nhằm hỗ trợ nhu cầu trong nước – cũng như việc một số nhà sản xuất đã chuyển sang Đông Nam Á – có thể giảm thiểu một số ảnh hưởng tiêu cực, những nền kinh tế châu Á khác khó có khả năng tránh không bị tổn thương. “Trong bất kỳ trường hợp nào, vì tầm quan trọng của tác động từ cuộc chiến thương mại lên hầu hết hoặc toàn bộ các nền kinh tế châu Á, cuộc chiến này có khả năng sẽ có ảnh hưởng tiêu cực lên khu vực trong hai năm tới,” ông Kuijs nói. “Tổn thất ngoài dự kiến” Trong một báo cáo gần đây, Citi cho biết quan ngại về kinh tế Trung Quốc cũng như dollar Mỹ tiếp tục mạnh lên và các áp lực lên thương mại toàn cầu đang hình thành ba “nguy cơ lớn” đối với triển vọng tăng trưởng của các thị trường mới nổi, khi những thay đổi chính sách của Trung Quốc có thể không giúp ích được nhiều. “Thậm chí nếu những biện pháp kích thích có cải thiện tình hình của Trung Quốc, chúng tôi nghi ngờ nền tảng bên dưới các thị trường mới nổi còn lại sẽ kém mạnh mẽ hơn so với trước kia,” ngân hàng Mỹ cho biết nhưng không cho biết cụ thể các khu vực. Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà kinh tế đều nhìn nhận tình hình một cách tiêu cực. Theo Steven Friedman và Chi Lo, hai nhà kinh tế cao cấp tại BNP Paribas Asset Management, “lý lẽ thông thường” rằng cuộc xung đột thuế sẽ gây tổn hại cho các thị trường mới nổi không bao quát được toàn thể bức tranh. Xuất khẩu từ những nền kinh tế này có thể nhận được một cú hích từ cả các kích thích trong nước của Bắc Kinh lẫn việc Hoa Kỳ chuyển đổi việc mua bán để ít giao dịch hơn với Trung Quốc. Ở châu Á, trong một báo cáo ngày 31/1, các nhà kinh tế cho biết Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh và Indonesia có thể thấy các đơn hàng từ Mỹ gia tăng đối với những sản phẩm “phân khúc giá rẻ” như giày, đồ chơi và hàng dệt may. Những mặt hàng “giá trị cao hơn” như thiết bị điện tử và máy móc, có thể đến từ Hàn Quốc. “Chuyển hướng thương mại cộng với các tác động đến nhu cầu của Trung Quốc có thể giúp bù được khoản thiệt hại ngoài dự kiến trong kinh tế do cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung gây ra.” Khánh Lâm lược dịch
Theo CNBC
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|